Thứ Hai, 14/10/2024
Hồ Bốn - Nơi người lính “áo cam” gồng mình sau cơn lũ quét

Tài sản của người dân cùng hệ thống lưới điện của Điện lực Nghĩa Lộ (Đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực Yên Bái) sau bao năm lam lũ, chắt chiu, gắng gỏi dành dụm xây dựng, nhưng chỉ sau một trận lũ đã trôi hết theo dòng nước trắng xoá. Đồng bào tại vùng lũ ngoài thiếu lương thực, thiếu nước sạch, giờ đây còn thiếu thêm cả điện.


 Công nhân Điện lực Nghĩa Lộ vận chuyển vật tư, thiết bị bằng đường bộ tới địa điểm sửa chữa

 

Gần 22h đêm ngày 08/8/2023, tôi được anh Mai Ngọc Dũng,  Chuyên viên Ban Truyền thông của Tổng công ty Điện lực miền Bắc gọi điện, mời tham gia cùng đoàn nhà báo đi thực tế tại xã Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) để đưa tin, viết bài về công tác khắc phục hậu quả sau lũ, nỗ lực khôi phục đường dây, cấp điện trở lại an toàn cho bà con một cách nhanh nhất. Dù đã rất nhiều lần đi công tác cùng những người thợ điện áo cam tới khắp các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, nhưng chuyến đi này có lẽ là đặc biệt nhất đối với tôi vì mức độ nguy hiểm và thời gian khởi hành là rất gấp. Đúng 06 giờ sáng ngày hôm sau, đoàn xe chở các nhà báo, phóng viên xuất phát từ Hà Nội tiến thẳng tới tâm lũ - xã Hồ Bốn.

Do cung đường từ thành phố Yên Bái đi tới huyện Mù Cang Chải bị sạt lở nghiêm trọng, không thể tiếp cận được hiện trường nên chúng tôi buộc phải chuyển hướng lên Lào Cai để đi qua huyện Văn Bàn, rồi sang địa phận huyện Than Uyên (Lai Châu) tới xã Hồ Bốn. Sau gần 8h trên xe và cùng nhau vượt qua cung đường gần 400 km quanh co, uốn lượn, một số anh chị trong đoàn đã mệt lử vì say xe. Vừa đặt chân tới xã Hồ Bốn, người ra đón chúng tôi là ông Nguyễn Đình Phú – Giám đốc Điện lực Nghĩa Lộ. Trong bộ đồ bảo hộ vẫn vương đầy vết bùn, mũ bảo hộ và đôi ủng còn ướt thườn thượt, ông cho biết: “Điện lực Nghĩa Lộ là đơn vị được Công ty Điện lực Yên Bái giao quản lý, vận hành lưới lưới điện trên địa bàn 04 huyện, thị gồm: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và Thị xã Nghĩa Lộ. Mưa lớn xảy ra từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 5, Mù Cang Chải là vùng chịu thiệt hại nặng nhất do lũ quét với 03 vị trí cột điện bị đất đá vùi lấp, gần 50 cột điện gãy đổ; Đường dây 35 kV hư hỏng hoàn toàn (dây dẫn bị vùi lấp, đứt, tổn thương không thể khắc phục được) với khối lượng khoảng 4.500m; Hệ thống đo đếm điện năng hư hại nhiều… đã làm cho hơn 8.000 hộ dân trên địa bàn mất điện. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các anh em trong Điện lực đã có mặt kịp thời và bám trụ tại địa phương để khắc phục sự cố. Nhân lực vốn đã eo hẹp, giờ đây lại phải căng mình ra khắp mọi nơi để xử lý, vật tư thiết bị dàn trải không đủ nên vô cùng khó khăn”.
Có vào tâm lũ mới thấy được sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai và những mất mát của đồng bào nơi đây phải gánh chịu. Con đường vào xã Hồ Bốn ngập trong lầy lội, vẫn còn bốc lên mùi tanh nồng của bùn đất, trộn lẫn với những thứ bị nước cuốn trôi. Lũ quét đã gây thiệt hại cho 189 ngôi nhà, trong đó có cả trường học và trạm y tế.Bùn đất mênh mông ngập khắp sân vườn, sàn nhà và đường sá, cá biệt, nhiều ngôi nhà chìm ngập gần như hoàn toàn trong bùn nước.Người dân cùng lực lượng đoàn viên thanh niên và các chiến sĩ công an, bộ đội vừa dọn bùn từ những ngôi nhà, vừa tranh thủ lau dọn, sửa soạn lại đồ dùng, nhà cửa.Sắc màu “áo cam” của người công nhân ngành Điện nổi bật trong một rừng áo xanh của các chiến sĩ công an, bộ đội, điểm thêm những sắc áo xanh dương của lực lượng thanh niên tình nguyện.

Dẫn chúng tôi đi qua con đường lầy lội bùn đất để tiến vào trung tâm xã Hồ Bốn, ông Nguyễn Đình Phú – Giám đốc Điện lực Nghĩa Lộ chỉ cho tôi những khoảng cột và đường dây bị lũ quét phá huỷ. Nhìn những chiếc cột bê tông to bị quăng quật, đập gẫy tan tành chỉ còn trơ lõi thép, chúng tôi cũng phần nào hiểu được sức mạnh của nước lũ kinh hoàng như thế nào. Thấy nhóm công nhân ngành Điện trên đường vào xã, các bà, các chị vừa dọn nhà, vừa hỏi thăm: “Thợ điện vào sửa điện cho bà con đấy à, sửa nhanh lên nhé”! “Thợ điện đi vất vả quá, cố lên các chú ơi”; “Bao giờ thì có điện đấy các chú điện lực ơi” rồi mỉm cười và tuyệt nhiên không có một lời trách móc, phàn nàn, hay ca thán.

Vào đến trung tâm xã, một nhóm công nhân do anh Nguyễn Thái Tuân, cán bộ an toàn thuộc Điện lực Nghĩa Lộ làm Đội trưởng đang miệt mài sửa chữa tại điểm nút cuối là trụ máy biến áp xã Hồ Bốn bị hư hỏng sau trận lũ quét gây ra. Cứ nhìn những bộ quần áo lấm lem bùn đất, hốc mắt thâm quầng và những đôi mắt vằn đỏ tía vì mất ngủ mấy hôm nay là đủ để biết họ đã bám trụ ở đây gian nan, vất vả biết nhường nào. “Bốn ngày nay, nhiệm vụ chính của anh em chúng tôi là tập trung thay thế cột và kéo lại đường dây tại những vị trí bị gãy đổ. Sau lũ, đường vào các thôn bản cực kỳ khó khăn nên Điện lực Nghĩa Lộ không thể đưa máy móc và phương tiện vào sâu trong địa bàn. Toàn bộ cột điện, cùng các trang thiết bị đều phải khiêng vác theo cách thủ công nhất. Ngày cũng như đêm, những tốp công nhân ngành Điện được người dân địa phương giúp sức, cứ lầm lũi, gùi trên lưng các thiết bị và dùng tời kéo từng khoảng dây, đưa từng cột điện vào vị trí cần phải thay thế”,  anh Nguyễn Thái Tuân chia sẻ.

Sau bốn ngày làm việc vất vả, công việc nặng nhọc nhất là rải dây và dựng cột đã xong, tiếp đến mọi người bắt đầu chia nhau làm các công việc đã quen thuộc như: Bắt đai, móc, kẹp hãm dây, lên dây trên cột… Lúc này, trời cũng đã bắt đầu tối hẳn và công việc bây giờ chỉ còn đấu nối và đóng điện. Đêm xuống, do không có máy nổ, anh em phải tiến hành đấu nối trong ánh đèn pha của xe máy và những chiếc đèn pin mượn được của người dân xung quanh. Đông đảo bà con xã Hồ Bốn đã quây lấy chúng tôi bằng những ánh mắt háo hức, mong chờ có điện trở lại. Đúng 21h00 tối ngày 09/8, việc đấu nối đã xong, ông Nguyễn Đình Phú – Giám đốc Điện lực Nghĩa Lộ ra lệnh chuẩn bị đóng điện. Lúc này, những người công nhân điện lực tiến hành thu dọn hiện trường, rút các biện pháp an toàn rồi cùng với bà con ngồi chờ đóng điện. Háo hức được chứng kiến thành quả lao động sau những ngày gồng mình khắc phục sửa chữa sự cố của những người thợ điện, nhóm phòng viên chúng tôi và người dân cùng nhau chờ đợi. Rồi 05 giây, 10 giây trôi qua…, tất cả đèn điện bừng sáng. “Có điện rồi”! Tiếng hò reo vang khắp nơi kèm theo những lời cảm ơn các anh thợ điện. Người dân ùa về nhà, ai cũng vui mừng, phấn khởi. Chúng tôi thu dọn máy móc, xếp đồ lên xe để chuẩn bị rút quân. Nhìn nét mặt tuy có mỏi mệt của những người thợ điện nhưng tôi nhận thấy trong mắt họ ánh lên những niềm vui lấp lánh.

Sau thời khắc có điện và chứng kiến những khó khăn, vất vả của các CBCNV ngành Điện Yên Bái trong công tác khôi phục lại đường dây, nỗ lực cấp điện trở lại an toàn cho bà con nhân dân một cách nhanh nhất, ông Nông Việt Yên,  Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Mù Cang Chải đã gửi thư cảm ơn đến Công ty Điện lực Yên Bái và Điện lực Nghĩa Lộ. Bức thư nhấn mạnh: “Những ngày qua, mưa lũ kéo dài nên đã xảy ra lũ ống, lũ quét, gây mất điện diện rộng trên địa bàn huyện. Để khắc phục sự cố, đội ngũ CBCNV Công ty Điện lực Yên Bái và Điện lực Nghĩa Lộ đã khẩn trương triển khai lực lượng, tiến hành khảo sát, nghiên cứu phương án kết nối khôi phục đường điện phục vụ nhân dân. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, không quản ngại khó khăn gian khổ, đến 21h00 ngày 09/8/2023, 11 xã, thị trấn của huyện Mù Cang Chải đã có điện trở lại, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trở lại bình thường. Điều này góp phần quan trọng vào công tác khắc phục hậu quả mưa lũ của huyện. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, Huyện uỷ Mù Cang Chải gửi lời cảm ơn sâu sắc và chân tình tới Ban Giám đốc, CBCNV Công ty Điện lực Yên Bái”.

Trải qua hai ngày tại “tâm lũ” xã Hồ Bốn và được chứng kiến cảnh người dân khắc phục hậu quả sau bão; cảnh những người thợ điện thuộc Điện lực Nghĩa Lộ tận tình giúp dân, nỗ lực khôi phục lại đường dây để cấp điện trở lại an toàn; cảnh trường học tan hoang; những cảnh nhà nghèo khó… đã neo giữ trong tôi những kỷ niệm không bao giờ quên về vùng đất này. Chia tay Hồ Bốn, tôi hiểu thêm rằng, để đưa được dòng điện về với bà con nơi đây đã khó thì việc giữ cho dòng điện đứng vững trước những trận mưa, cơn lũ còn khó khăn hơn rất nhiều và nếu không có tình yêu nghề thực sự, cũng như tinh thần trách nhiệm cao thì chắc chắn nhiều người sẽ không thể bám trụ được với công việc này. Điều đáng nói hơn, đó là từ câu chuyện khắc phục lưới điện sau lũ tại địa bàn vùng cao, càng thấy được trách nhiệm cao cả của ngành Điện đối với xã hội, với cộng đồng – điều mà bấy lâu nay không phải ai cũng thấu hiểu được.


Gửi cho bạn bè

Các tin khác