Trong quý I/2023, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, không để xảy ra tai nạn/sự cố, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch chính đề ra.
Trong bối cảnh đầy biến động, thách thức do giá dầu quay đầu giảm, ngay từ đầu năm 2023, PVEP đã tập trung duy trì quản trị biến động, quản trị chi phí, đồng thời đưa ra các kịch bản, giải pháp ứng phó kịp thời với biến động thị trường. Trong đó, PVEP đã tập trung đầu tư theo mục tiêu/chiến lược dài hạn để tạo đà phát triển, cùng với việc nghiên cứu xu thế biến động thị trường để triển khai hoạt động khai thác phù hợp, đặc biệt tận dụng cơ hội gia tăng dòng tiền/lợi nhuận tại các thời điểm giá dầu cao.
|
Hoạt động khai thác dầu khí của PVEP tại mỏ Chim Sáo |
Tổng công ty đã chủ động bám sát biến động kinh tế vĩ mô, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, diễn biến thị trường, đưa ra mục tiêu, giải pháp cho từng lĩnh vực để có những quyết sách kịp thời trong chỉ đạo, điều hành; tập trung điều hành khai thác với mục tiêu tiếp tục duy trì sản lượng; có chiến lược, sách lược để thúc đẩy hoạt động đầu tư cho năm 2023.
Với những nỗ lực chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), PVEP, nhà điều hành và các đối tác, cùng với sự sát sao và hiệu quả trong công tác quản lý và khai thác mỏ đã chủ động sớm triển khai các giải pháp và tăng sản lượng khai thác (SLKT) từ các giếng tiềm năng, PVEP hoàn thành chỉ tiêu SLKT với tổng SLKT quy dầu.
Cụ thể, SLKT quý I đạt 0,89 triệu tấn quy dầu (toàn dự án là 1,78 triệu tấn quy dầu), vượt 7% kế hoạch. Trong đó, sản lượng dầu và condensate đạt 0,59 triệu tấn (toàn dự án là 1,17 triệu tấn), vượt 2% kế hoạch; sản lượng khí xuất đạt 294 triệu m3 (toàn dự án là 605 triệu m3); đạt 120% kế hoạch.
Trong quý I, PVEP và các đơn vị/dự án đã hoàn thành khoan và đưa vào khai thác 7 giếng với lưu lượng đều cao hơn dự kiến. Các dự án phát triển mỏ được thúc đẩy triển khai, đạt phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với 2 báo cáo (RFDP HST 2022 Lô 15-2/01, FDP Chim Sáo Lô 12W cập nhật), hoàn thành xem xét 4 FDP, đang xem xét 2 ODP. Công tác quản lý đầu tư, phê duyệt đầu tư đạt được bước tiến quan trọng, nhiều dự án đã có phê duyệt đầu tư của các cấp thẩm quyền (13 quyết định đầu tư 13 dự án/giếng khoan đối với Lô 15-2/01, Lô PM3CAA, Lô 09-2, Lô 12W, Lô 15-1). Ngoài ra, PVEP luôn chú trọng ưu tiên và chủ động thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị/quản lý doanh nghiệp và quản trị danh mục đầu tư.
Với kết quả khai thác khả quan, PVEP đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu theo kế hoạch tài chính được giao. Tổng doanh thu phần PVEP ước tính 9.813 tỷ đồng (toàn đề án là 19.971 tỷ đồng tỷ đồng), đạt 34% kế hoạch năm; Nộp ngân sách nhà nước (NSNN) là 3.980 tỷ đồng, trong đó nộp thuế (TN, XK, TNDN) phần PVEP là 2.790 tỷ đồng (toàn đề án là 7.384 tỷ đồng), đạt 36% kế hoạch năm, lãi nước chủ nhà là 1.190 tỷ.
Các chế độ chính sách về tiền lương và phúc lợi của người lao động được PVEP thực hiện đầy đủ, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành. Bám sát tình hình sản xuất kinh doanh để chủ động đề xuất với các cấp bộ, ngành, Tập đoàn nhằm đảm bảo quỹ tiền lương của người quản lý, người lao động ở mức tốt nhất có thể, phù hợp với quy định và kết quả sản xuất kinh doanh tại PVEP.
|
Lãnh đạo PVEP kiểm tra hoạt động vận hành khai thác giàn Đại Hùng 01 |
Trong công tác khoa học công nghệ (KHCN), PVEP đã ban hành Danh mục nhiệm vụ KHCN năm 2023 (QĐ số 10/QĐ-TDKT ngày 05/01/2023); hoàn thành Master plan KHCN bao gồm triển khai nhiệm vụ KHCN, hợp tác nghiên cứu khoa học và công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật; tiếp tục triển khai 4 nhiệm vụ KHCN cấp PVEP năm 2022 theo đúng tiến độ, chuẩn bị nghiệm thu nhiệm vụ “Can thiệp giếng” của Ban CNM; phê duyệt Kế hoạch hợp tác nghiên cứu KHCN với Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) và Trường Cao đẳng Dầu khí (PVCollege). Hoàn thành đăng ký 4 nhiệm vụ KHCN cấp Petrovietnam (CV số 268/TDKT-CN&ATSKMT ngày 07/02/2023). Đồng thời, PVEP và Công đoàn PVEP đang thúc đẩy để đạt mục tiêu Chương trình một triệu sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phấn đấu đạt chỉ tiêu trong quý II. Bên cạnh đó, PVEP cùng các đơn vị/dự án đang tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống ERP (hiện đang hoàn thiện kế hoạch hoạt động Chuyển đổi số của PVEP năm 2023).
Bên cạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, PVEP cũng tích cực triển khai các hoạt động an sinh xã hội. Trong quý I, PVEP đã phối hợp với chính quyền/tổ chức/đơn vị tiếp tục triển khai các chương trình an sinh xã hội theo kế hoạch đã được phê duyệt cho các hoạt động tài trợ ý nghĩa, điển hình với tổng kinh phí ước thực hiện là 5,9 tỷ đồng. Các hoạt động bao gồm: Hỗ trợ quà Tết nhân dịp Xuân Quý Mão 2023 cho người nghèo, người có công tại các tỉnh Ninh Bình, Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Tĩnh; Tài trợ trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh - “Vì một Việt Nam xanh”, PVEP triển khai chương trình trồng 50.000 cây bần chua tại tỉnh Thái Bình, trồng 30.000 cây keo lá tràm tại tỉnh Nghệ An (năm 2022 trồng 15.000 cây, năm 2023 trồng 15.000 cây). Bên cạnh đó, Công đoàn PVEP đã tổ chức thăm hỏi, động viên và chi trả trợ cấp cho những CNVC-NLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Xuân Quý Mão với kinh phí thực hiện là 1 tỷ đồng.
Trong quý II, PVEP sẽ tập trung duy trì vận hành thiết bị khai thác ổn định với uptime >=98%. Dự kiến trong quý II, PVEP phấn đấu đạt sản lượng khai thác là 0,91 triệu tấn quy dầu, trong đó dầu và condensate là 0,61 triệu tấn, sản lượng khí xuất là 301 triệu m3.
Đồng thời, kiểm soát và thúc đẩy tiến độ công tác phát triển trong năm 2023 để đảm bảo mục tiêu First Oil/First Gas các dự án trong năm 2024 và các năm tiếp theo như Lô 05-1(a); Lô 09-2/09; Lô 15-1; Lô 433a&416b; Lô B&48/95 và 52/97... Bên cạnh đó, đối với công tác tìm kiếm dự án mới và chuyển nhượng dự án, PVEP sẽ tập trung tìm kiếm các dự án ở trong nước; trong đó triển khai công tác tìm kiếm ở chính các dự án PVEP đang có, các lô mở ở Việt Nam, các cơ hội nhận chuyển nhượng các dự án có tiềm năng/phát hiện dầu khí.