Thứ Hai, 29/4/2024
Tuổi trẻ PVEP cùng hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050

Tham dự Hội thảo có ông Ngô Khánh Xạ, Phó Tổng Giám đốc PVEP; bà Đoàn Thanh Tú, Giám đốc PVEP HCM; ông Đinh Thế Hùng, Trưởng Ban CN&ATMT; bà Phạm Thị Ánh Hoa, Phó Chủ tịch Công đoàn PVEP; bà Lê Dịu Hương, Bí thư Đoàn Thanh niên PVEP, cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo các Ban/Văn phòng và đoàn viên thanh niên của PVEP, PVEP HCM.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Đoàn Thanh niên PVEP Lê Dịu Hương cho biết, hiện nay biến đổi khí hậu là một vấn đề cấp bách. Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng “0” – Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26). Mục tiêu này cần sự nỗ lực, chung tay của Chính phủ và các doanh nghiệp.



 Phó Tổng Giám đốc PVEP Ngô Khánh Xạ phát biểu tại Hội thảo



Tiếp nối sự thành công của chương trình đã diễn ra tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên PVEP phối hợp cùng Ban CN&ATMT tổ chức Hội thảo “Kế hoạch giảm phát thải của PVEP trong lộ trình hướng tới mục tiêu Net Zero năm 2050” với mong muốn nâng cao hiểu biết của đoàn viên thanh niên, CBNV PVEP về biến đổi khí hậu và lộ trình, các giải pháp của PVEP trong quá trình hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Đây cũng là điều kiện quan trọng để bảo vệ hành tinh, bảo vệ sức khỏe con người, thúc đẩy sự thịnh vượng nền kinh tế và đảm bảo một tương lai bền vững cho các thế hệ sau này.

Tai Hội thảo, Ban CN&ATMT đã trình bày các nội dung: những thông tin cơ bản về biến đổi khí hậu; hiện trạng phát thải của PVEP; Lộ trình và các giải pháp giảm phát thải ròng của PVEP... Theo thống kê tương đối trong vòng 5 năm từ năm 2017-2022, phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của PVEP và các đơn vị dự án là 10,58 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, hai nguồn phát thải lớn nhất là quá trình đốt nhiên liệu từ các giàn và đốt đuốc...

PVEP đặt ra lộ trình giảm phát thải ròng đến năm 2030 giảm 20%, năm 2040 giảm 50% và Net Zero vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu đó, PVEP sẽ tập trung vào các giải pháp gồm: nỗ lực giảm thiểu phát thải trực tiếp từ các công trình hiện hữu; Lưu giữ và tàng trữ carbon (CCS/CCUS); Mở rộng năng lượng tái tạo và các giải pháp carbon thấp; Tối ưu hóa việc sử dụng bù đắp carbon trên cơ sở trồng rừng.

Trong đó, giải pháp được PVEP quan tâm trong kế hoạch dài hạn là CCS (Carbon Capture Storage) - thu hồi CO2 từ các nguồn phát thải, sau đó vận chuyển đến các điểm lưu giữ lâu dài. Cụ thể, thu hồi CO2 từ các nhà máy xử lý khí, nhà máy điện, nhà máy xi măng, thép. Thông qua hệ thống vận chuyển bằng đường ống, xe bồn, tàu để chế biến ra hoá chất, nhiên liệu tổng hợp, vật liệu xây dựng hoặc chôn vào lòng đất, lòng biển. Đối với PVEP, giải pháp chôn lấp CO2 vào lòng biển được ưu tiên nghiên cứu, lựa chọn do có lợi thế về cơ sở hạ tầng ngoài biển và kiến thức về địa chất.

Song song đó, PVEP sẽ phối hợp với Viện nghiên cứu và Phát triển cây trồng để lựa chọn các loại cây trồng có khả năng hấp thu CO2 cao và sản sinh Oxy để cân bằng môi trường, hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng.

Theo thống kê, trong năm 2022 và 2023, PVEP triển khai trồng 50.000 cây bần chua, 15.000 cây đước, 30.000 cây keo lá tràm, 15.000 cây keo lai ở Thái Bình, Cà Mau… ước tính hấp thụ được khoảng 4.000 tấn CO2/năm. PVEP kỳ vọng hoạt động trồng cây xanh có thể hấp thụ 5-7% lượng CO2 tương đương phát thải từ các hoạt động của PVEP.Trong thời gian tới, PVEP tiếp tục lộ trình trồng cây xanh và ưu tiên lựa chọn trồng rừng ngập mặn, cây có khả năng sinh trưởng tốt ở địa phương, có khả năng hấp thụ CO2 cao.

Hội thảo đã đón nhận được rất nhiều ý kiến hay, giàu chuyên môn của các đại biểu tham dự và có thể ứng dụng trong kế hoạch giảm phát thải của PVEP trong lộ trình hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc PVEP Ngô Khánh Xạ đánh giá cao nội dung chương trình và các ý kiến đóng góp của các đại biểu, mang đến nhiều kiến thức, thông tin chuyên sâu để phổ biến rộng rãi trong toàn PVEP.

Ông Ngô Khánh Xạ nhấn mạnh, qua quá trình chuyển dịch năng lượng, năng lượng hóa thạch sẽ dần bị thay thế bởi năng lượng gió, năng lượng mặt trời, PVEP cần có hướng đi mới, nguồn thu mới, đó là tận dụng các thế mạnh sẵn có tập trung vào CCS.

Còn các khâu khác trong chuỗi CCS như thu hồi CO2, vận chuyển và bơm ép, PVEP cần hợp tác với các công ty khác để kết hợp nghiên cứu, đánh giá. “PVEP sẽ đào tạo một đội ngũ chuyên nghiệp về CCS để chuẩn bị nguồn lực cho kế hoạch dài hạn”, ông Ngô Khánh Xạ cho hay.

Thông qua Hội thảo lần này, Phó Tổng Giám đốc PVEP tiếp tục kêu gọi CBCNV toàn PVEP phải có hành động cụ thể, phải “dịch chuyển” để trước tiên là bảo vệ môi trường, kế đến là chung tay cùng Tổng công ty hướng đến phát thải ròng về “0” năm 2050.

Phát biểu đáp từ, Bí thư Đoàn Thanh niên PVEP Lê Dịu Hương chia sẻ, Đoàn Thanh niên luôn mong muốn được đóng góp vào kế hoạch chuyển dịch năng lượng và mục tiêu Net Zero của Tổng công ty bằng những hành động cụ thể và sự chung tay đóng góp của mỗi cá nhân. Qua thành công của Hội thảo, tin rằng với những khởi đầu đầy quyết tâm đó sẽ tạo thành tiền đề tích cực cho một PVEP phát triển bền vững mai sau.


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất