Thứ Năm, 25/4/2024
Vai trò của Đảng ủy trong công tác chuyển đổi số tại Công ty thủy điện Sơn La

Xây dựng chương trình hành động chuyển đổi số phù hợp 

Việc chuyển đổi số là hành trình của hiện tại và tương lai nhưng khái niệm này vẫn khá mới mẻ đối với người lao động.Vì vậy,Đảng ủy Công ty nhấn mạnh: việc làm đầu tiên, cấp thiết là cụ thể hóa một số nhiệm vụ để “Chuyển đổi về nhận thức người lao động”.Công tác này nhằm nâng cao nhận thức đối với từng cá nhân gắn liền với vị trí công việc, trách nhiệm của toàn thể người lao động trong Công ty.Theo đó,người lao động có sự phân biệt giữa hai khái niệm “chuyển đổi số” và “số hóa”. Bởi “số hóa” là quá trình hiện đại, chuyển đổi hệ thống thông thường sang hệ thống kỹ thuật số (chẳng hạn như chuyển tài liệu từ dạng giấy sang các file mềm trên máy tính..) trong khi “chuyển đổi số” là thay đổi cách thức làm việc, áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu có được trong quá trình “số hóa”, áp dụng công nghệ để tạo ra các giá trị mới hơn. Có thể xem “số hóa” như một phần tất yếu của quá trình “chuyển đổi số”.


 Phòng đào tạo elearning tại NMTĐ Sơn La, Lai Châu

 

Đảng ủy Công ty cũng chỉ rõ việc chuyển đổi số sẽ diễn ra đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn Công ty trên cơ sở xây dựng và đào tạo lực lượng lao động có trình độ, có kỹ năng kỹ thuật số, năng lực giải quyết công việc cụ thể, kỹ năng xử lý tình huống và chiều hướng phát triển của mỗi cá nhân. Công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số nhằm đảm bảo sự lãnh đạo triển khai thông suốt trong đó Trưởng Ban chỉ đạo là Bí thư Đảng ủy/Giám đốc Công ty và bộ phận các cán bộ chuyên trách về chuyển đổi số/công nghệ thông tin để giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Đồng thời tổ chức thực hiện quá trình chuyển đổi số, quản lý tập trung các hệ thống công nghệ thông tin trong doanh nghiệp.

Theo đó, quá trình chuyển đổi số cần gắn liền với chiến lược phát triển trong Công ty và thực hiện nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, hình thức hoạt động của Công ty theo chủ trương của Đảng, nhà nước và quy chế mới của EVN. Cụ thể là xây dựng và phát triển hạ tầng số hiện đại, số hóa dữ liệu và các quy trình nghiệp vụ và triển khai hiệu quả các ứng dụng trong quản trị nội bộ.Để từ thành công của chương trình sẽ hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh của Công ty. 

Chỉ đạo nhất quán, đồng hành thực hiện và giám sát hiệu quả 

Để thực hiện được công tác “chuyển đổi số” Đảng ủy Công ty đã chỉ đạo các Phòng/Phân xưởng/Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà thực hiện: chuyển đổi các quy trình chưa được số hoá trở thành số hoá; các hoạt động còn thủ công và chưa tự động chuyển thành tự động; áp dụng các công nghệ mới thay thế cho các công nghệ cũ. Nhiều chuyên mục tuyên truyền, phổ biến công tác chuyển đổi số đã và đang được thực hiện trên trang web, kênh youtube, nhóm đồng nghiệp Công ty Thủy điện Sơn La và fanpage facebook riêng của Công ty.

Trước hết, Ban lãnh đạo Công ty tập trung phát triển các nguồn lực phục vụ chuyển đổi số và xây dựng văn hóa số tại đơn vị.Một mặt, tăng cường công tác đào tạo nhân lực: đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động với các Công ty công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước. Từ đó tạo ra sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao trong triển khai thực hiện chuyển đổi số.Mặt khác, đơn vị triển khai thay đổi phương pháp đào tạo trong Công ty (chủ yếu là học tập thay cho đào tạo như sau:Trên 60% học qua công việc; 20% học từ đồng nghiệp; 10% học qua các khóa đào tạo do Công ty tổ chức và trên hệ thống phần mềm elearning; 10% tự nghiên cứu và rèn luyện thêm). Mỗi cá nhân sẽ chủ động tiếp cận công nghệ mới, không ngừng sáng tạo, phát huy sáng kiến và vận dụng linh hoạt các ứng dụng công nghệ, phù hợp với công tác quản lý vận hành 02 nhà máy. Công tác xây dựng văn hóa số trong Công ty phù hợp với quá trình chuyển đổisố, trong đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đề cao sự hợp tác, khuyến khích tư duy mở; sử dụng dữ liệu và phân tích để đưa ra các quyết định sản xuất, linh hoạt nhạy bén thích nghi với những thay đổi của môi trường bên trong và bên ngoài Công ty; thay đổi nề nếp, tác phong làm việc tương thích với môi trường làm việc số.

Tuy nhiên, hiệu quả tối đa từ chương trình chuyển đổi số chỉ có được khi các đơn vị hoàn thiện được hạ tầng số hiện đại. Vì vậy,Công ty Thủy điện Sơn La đã tiến hành xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao từ văn phòng Công ty tới 2 Nhà máy (Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy thủy điện Lai Châu). Hướng đi của Công ty là phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT); xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như hệ thống điện thông minh, Trung tâm giám sát vận hành từ xa các tổ máy, Trung tâm Kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà… Hệ thống được xây dựng sẽ góp phần phát hiện, ngăn chặn xâm nhập các thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng vào hệ thống mạng của Công ty; giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn.

Từ hệ thống đã được xây dựng các quy trình nội bộ của Công ty được rà soát và thực hiện số hóa, giảm thiểu các công tác dùng văn bản giấy, giảm thời gian thực hiện thủ tục đặc biệt khi Công ty có 3 khu vực làm việc cách xa nhau hơn 300km. 
Các kho dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý trong Công ty được chuẩn hóa. Ngoài ra, việc gửi, nhận các văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số trong nội bộ Công ty và các đơn vị trong EVN đã được triển khai thực hiện. Đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở dữ liệu phục vụ EVN xây dựng các hệ thống phần mềm, nâng cấp các phần mềm dùng chung, chuyển đổi dịch vụ nền tảng các ứng dụng công nghệ thông tin trên các phần mềm lõi dùng chung quan trọng: ERP, CMIS, PMIS-OMS, D-office, HRMS, ĐTXD, …Song song với đó, Công ty đã triển khai đồng bộ các module giám sát online, camera giám sát, nhật ký điện tử; kiểm soát toàn bộ quá trình thi công dự án và các hoạt động tại công trường, thực hiện tốt công tác cập nhập thông tin trên hệ thống quản lý đầu tư xây dựng của EVN. 

Đặc biệt, việc chuyển đổi số thực sự là công cụ hữu hiệu giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền Công ty thủy điện Sơn La làm tốt công tác quản trị nội bộ về: nhân sự, tài chính, đầu tư xây dựng, hệ thống văn phòng, vận hành nhà máy,…Bên cạnh việc chỉ đạo sát sao Đảng ủy cùng lãnh đạo công ty còn thường xuyên kiểm tra, giám sát và đôn đốc các đơn vị trong toàn Công ty nghiêm túc thực hiện công tác chuyển đổi số. 

Có thể thấy, việc chuyển đổi số sẽ chuyển đổi mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội. Do vậy thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội công nghệ số chính là cách duy nhất khẳng định được tiềm lực cũng như thương hiệu của các doanh nghiêp. Việc chuyển đổi số đã và đang được triển khai rất tích cực tại Công ty Thủy điện Sơn La. Cùng với các cấp ủy Đảng, người lao động sẽ đồng lòng, quyết tâm đưa Công ty bắt kịp với xu thế mới;sản xuất ổn định gắn với mục tiêu đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững./.

Đặng Hương

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất