Sáng ngày 25/2 (giờ Việt Nam) tại New York - Hoa Kỳ, sau ba lần liên tiếp nằm trong top 21 (Smart 21) và công nhận vào TOP 7 năm 2021, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới ICF – diễn đàn gồm gần 200 đô thị thông minh thịnh vượng trên thế giới, tiếp tục vinh danh Vùng thông minh Bình Dương là 1 trong 21 các cộng đồng có Chiến lược phát triển Thành phố Thông minh tiêu biểu trên thế giới của năm 2022.
Mặc dù năm 2021 phải chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng Bình Dương vẫn tiếp tục thỏa mãn 6 tiêu chí khắt khe của ICF để được vinh danh trong danh sách Smart 21 , cụ thể là về nền tảng kết nối băng thông rộng, nguồn nhân lực tri thức, đổi mới sáng tạo, bình đẳng tiếp cận kỹ thuật số, ủng hộ khích lệ và phát triển bền vững. Danh sách Smart 21 sẽ tiếp tục được ICF nghiên cứu đánh giá về chiều sâu nội hàm của chiến lược phát triển của các địa phương, nhìn nhận vào tính kế thừa, sự sâu sắc và tính kiên định của chiến lược, nhằm cuối cùng tạo ra những giá trị phục vụ cho sự phồn vinh và hạnh phúc của cộng đồng, trước khi chọn ra 7 cái tên cuối cùng vào Top7 vào tháng 6/2022 và chọn được Thành phố thông minh Top1 vào Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu ICF vào tháng 10/2022.
|
Thành phố mới Bình Dương - Trung tâm Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương |
Trong năm 2021, Bình Dương tiếp tục triển khai các dự án nền tảng và xây dựng Đề án phát triển Thành phố Thông minh giai đoạn tiếp theo 2022 - 2026, trong đó định hướng trọng tâm là lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0, tăng trưởng thông minh. Bình Dương tiếp tục gắn kết chặt chẽ với thành phố Eindhoven và các tổ chức quốc tế, quyết tâm triển khai Đề án Thành phố thông minh như mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Đây sẽ là động lực quan trọng để Bình Dương khôi phục sau COVID-19, đột phá đón đầu kỷ nguyên 4.0.
Sau khi cơ bản kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh Covid-19, đưa cuộc sống người dân về trạng thái bình thường mới, Bình Dương nhanh chóng triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (gọi tắt là Trung tâm IOC) để đưa vào vận hành hiệu quả. Việc phát huy, tận dụng những lợi thế từ ứng dụng công nghệ không chỉ góp phần quan trọng trong đẩy lùi dịch bệnh mà còn tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh khôi phục kinh tế, tiếp tục thực hiện khát vọng xây dựng thành công thành phố thông minh. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh đã thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với 10 tỉnh, thành phố nước ngoài và là thành viên chính thức, đối tác đáng tin cậy của nhiều tổ chức quốc tế lớn như Diễn đàn Cộng đồng thông minh Thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis và Hiệp hội Trung tâm Thương mại Thế giới (WTCA).
Tổng Công ty Becamex IDC đã được lãnh đạo tỉnh tin tưởng giao phối hợp cùng các cơ quan ban ngành, các đối tác quốc tế từ Eindhoven-Hà Lan và Singapore, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các quốc gia phát triển khác nhằm triển khai đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, là bước đột phá giai đoạn tiếp theo của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy và xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng hơn, tạo nền tảng để xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh, ít thâm dụng lao động, thu hút các ngành có chất xám cao và môi trường sống lành mạnh.
|
Một góc khác của Thành phố mới Bình Dương |
Việc Bình Dương là địa phương duy nhất của Việt Nam lần thứ 4 liên tiếp được ICF vinh danh, khẳng định hướng phát triển Thành phố Thông minh Bình Dương là đúng đắn, phù hợp với xu hướng thế giới. Năm 2022, Becamex IDC tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Bình Dương triển khai nhiều chương trình đột phá của tỉnh giai đoạn tiếp theo như: Phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, kiến nghị Chính phủ cho tỉnh Bình Dương nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt công nghiệp Bàu Bàng - Thị Vải, kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên về phía TP Dĩ An; Phát triển đề án Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới; Phát triển KCN thông minh và Khu đô thị thông minh; Đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành TP Thông minh IOC; Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua hệ sinh thái của Becamex IDC, đặc biệt là tại Trường ĐHQT Miền Đông; Đẩy mạnh triển khai đề án Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương - trọng tâm của đề án Thành phố thông minh giai đoạn tiếp theo, trong đó chú trọng phát triển thương mại dịch vụ chất lượng cao thông qua hoạt động của Trung tâm Thương mại thế giới WTC BDNC (thành viên tích cực của WTCA).
PV