Thứ Bảy, 27/7/2024
Tín dụng chính sách xã hội – điểm sáng trong mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững

Tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp

Sau nhiều năm triển khai, hoạt động tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) thực sự tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ ưu đãi về lãi suất cho vay, thời gian cho vay; quy trình thủ tục, phục vụ người dân ngay tại các xã, phường, thị trấn mà các đối tượng chính sách trong đó có đồng bào DTTS được tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.

Thực tế cho thấy, Chỉ thị 40 càng phát huy hiệu quả tối đa khi cấp ủy, chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hoạt động thường xuyên. Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương tới địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội đã được thể hiện rõ ở: công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn; phối hợp giữa các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.

Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luật số 06-KL/TW của Ban Bí thư, cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng quan tâm, chuyển nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Việc gắn chất lượng hoạt động nhận ủy thác vào các tiêu chí thi đua của các tổ chức chính trị - xã hội phần nào thúc đẩy, nâng cao chất lượng ủy thác. Từ đó, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt hơn; người dân được hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích, đem lại nguồn thu đảm bảo trả nợ vay, trả lãi ngân hàng đúng thời hạn. Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đạt 28.394 tỷ đồng, tăng 27.949 tỷ đồng so với thời điểm mới thành lập, tăng 24.587 tỷ đồng so với thời điểm bắt đầu thực hiện Chỉ thị. 

Mở rộng hệ thống cung ứng, phát triển dịch vụ phù hợp 

Với mạng lưới rộng, bao phủ khắp cả nước (63 chi nhánh cấp tỉnh, 625 phòng giao dịch cấp huyện, 10.430 điểm giao dịch xã), các chương trình tín dụng chính sách phù hợp đã tiếp cận được tới các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS. NHCSXH các tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện Hội đồng quản trị các địa phương, cơ quan quản lý ngành cấp huyện, tổ chức chính trị - xã hội các xã, phường, thị trấn để thực hiện hiệu quả việc ủy thác cho vay. Các phòng giao dịch NHCSXH có trách nhiệm rà soát đối tượng có nhu cầu, tuyên truyền về chính sách đến người dân, xem xét, thẩm định, giải ngân cho hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Việc tích cực phối hợp với các địa phương cùng cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã” trên các ứng dụng công nghệ số đã xóa dần các “điểm nghẽn” giúp nhiều cá nhân, đơn vị nhận vốn vay kịp thời, đúng chế độ chính sách và tiết kiệm được thời gian, chi phí.  

Thấu hiểu muôn vàn khó khăn trong cuộc sống của người dân, việc kịp thời tham mưu điều chỉnh lãi suất cho vay cùng danh mục sản phẩm tín dụng đa dạng là cách mà NHCSXH thực hiện triệt để nhằm hỗ trợ nhu cầu phát triển kinh tế cho hộ nghèo. Nhiều chương trình cho vay chuyên biệt khi triển khai đã giải quyết được những vấn đề bức thiết về an sinh xã hội như: nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, xuất khẩu lao động, thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, làm nhà phòng chống lụt bão, trả lương ngừng việc hay phục hồi sản xuất, giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên… Chương trình tín dụng dành cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng là bước đột phá, góp phần đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Không chỉ vậy, theo nghị định 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30-5-2022 về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại NHCSXH thì tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa từ 1-1-2022 đến ngày 31-12-2023 là 3.000 tỉ đồng. Được triển khai, chuyển giao kịp thời nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước, NHCSXH đang tích cực thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với tất cả các khách hàng đủ điều kiện. Hàng tháng, NHCSXH thực hiện tính số tiền lãi được hỗ trợ và giảm trừ vào số tiền lãi phải trả của khách hàng vay vốn theo đúng quy định, tạo thuận lợi cho khách hàng. 

Kiểm soát tốt và đem lại hiệu quả toàn diện

So với năm 2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trong 6 tháng đầu năm 2022 của NHCSXH đạt 286.169 tỷ đồng (tăng 29.844 tỷ đồng tương đương 11,6%). Trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 28.394 tỷ đồng (tăng 3.692 tỷ đồng), tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 273.541 tỷ đồng (tăng 25.384 tỷ đồng tương đương +10,2%) với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên giúp NHCSXH giải ngân đúng đối tượng. Đã có 1,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay 62.966 tỷ đồng (tăng 14.968 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021). Nguồn vốn này tạo ra việc làm cho gần 495,9 nghìn lao động, giúp hơn 3,1 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp cho 12,8 nghìn HSSV vay vốn học tập; xây dựng được 921 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh nông thôn, 703 căn nhà cho hộ nghèo, hơn 4,4 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách

Cùng với việc tăng trưởng dư nợ, NHCSXH cũng chú trọng tới nâng cao chất lượng tín dụng duy trì tỷ lệ nợ ở mức thấp nhất. Đến 30/06/2022 tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh toàn hệ thống chiếm 0,7% trên tổng dư nợ, nợ quá hạn khoảng 0,2%. Như vậy, chất lượng nợ vẫn tiếp tục được thực hiện tốt. 

Bên cạnh đó, TDCSXH còn là đòn bẩy trợ lực cho các địa phương vực dậy sau ảnh hưởng đại dịch COVID-19, giúp hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen tại nhiều địa phương, nhất là khu vực nông thôn. Bởi tính đến hết 6 tháng đầu năm nay, NHCSXH đã giải ngân 8.896 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ cho 213 nghìn khách hàng. Sự nhanh chóng, quyết liệt thực hiện của các đơn vị đã giúp cho 142.359 khách hàng được hỗ trợ việc làm; 65.593 HSSV mua được thiết bị học trực tuyến; 4.050 khách hàng được vay, thuê, mua nhà ở và hỗ trợ vốn cho 1.851 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Riêng với người sử dụng lao động gặp khó khăn, tại 63 tỉnh thành trên cả nước đều triển khai giải ngân kịp thời 4.787 tỷ đồng để đảm bảo lương cho 1,2 triệu lao động. 

Nhìn chung, các chương trình tín dụng chính sách được NHCSXH thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm đã đem lại hiệu quả rõ rệt khi đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống cho không chỉ hộ nghèo mà còn rất nhiều đối tượng khác. Sự quan tâm, chia sẻ của Chính phủ, sự quyết liệt triển khai của các Bộ, Ban, Ngành cùng hệ thống rộng khắp của NHCSXH được đông đảo người dân, các doanh nghiệp ủng hộ và ghi nhận. Không chỉ hiện tại mà tương lai, TDCSXH vẫn là một trong các trụ cột quan trọng đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo tại các địa phương. Việc tích cực huy động thêm các nguồn vốn, không ngừng nâng cao chất lượng quản lý, giải ngân đúng đối tượng thụ hưởng, xử lý nợ công bằng vẫn là các giải pháp thiết thực trong giai đoạn này để NHCSXH nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ năm 2022. 

PV

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất