Chủ Nhật, 3/11/2024
Chủ động phòng ngừa tai nạn điện

Thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho thấy, trong năm 2022, tại 21 tỉnh thành phía Nam đã xảy ra 360 vụ sự cố lưới điện, trong đó có 49 vụ sự cố gây ra tai nạn phóng điện do vi phạm HLATLĐCA, làm 12 người chết và 45 người bị thương. Trên lưới điện hạ thế xảy ra 31 vụ tai nạn do chạm chập, rò điện trong quá trình đấu nối, vận hành, sử dụng điện của người dân, khách hàng và hậu quả làm chết 31 người, 1 người bị thương.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn về điện, trong đó, việc bất cẩn chủ quan là lỗi thường gặp nhất. Đơn cử, mới đây tại bãi đất trống ven đường Bùi Văn Hòa đối diện cổng vào khu công nghiệp Biên Hòa 2 (phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), người dân trong quá trình đốt rác đã bất cẩn làm cháy đường dây điện khiến hơn 260 hộ dân mất điện. Trước đó, cũng tại khu vực cầu Sập (phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) cũng xảy ra vụ cháy đám cỏ gần hệ thống lưới điện trung thế. Rất may, các vụ việc đều được các ngành chức năng xử lý kịp thời cho nên không xảy ra thương vong về người và thiệt hại tài sản của dân.


 Công nhân điện tuyên truyền sử dụng điện an toàn và hướng dẫn các biện phòng tránh tai
nạn điện khu vực nhà dân tại Cà Mau



Tương tự, tình trạng thả diều, chặt tỉa cây xanh, dựng giàn dáo, câu cá… dẫn đến các vụ chập chạm, phóng điện trên đường dây cũng là lỗi phổ biến trong các vụ tai nạn điện. Việc thả diều gần đường dây điện, dưới lưới điện cao thế ngoài gây ra sự cố mất điện còn đe dọa uy hiếp an toàn tính mạng con người, thiết bị. Các hành động can thiệp vào đường dây điện khi diều bị vướng như dùng gậy, đá bắn hay dùng sào, gậy móc vào dây điện để lấy diều xuống khiến nguy cơ bị điện giật và chập cháy rất cao. Các hành vi này còn có nguy làm làm phóng điện, gây sự cố điện của toàn tuyến, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp.

Theo EVNSPC, nhiều vụ tai nạn có nguyên nhân xuất phát từ thói quen, cũng như sự vô ý thức của người dân khi tự ý trèo lên cột điện, trạm biến áp; thả diều vướng vào đường dây; lắp đặt các loại biển hiệu, quảng cáo vi phạm khoảng cách an toàn; xây dựng công trình nhà ở vi phạm hành lang lưới điện, bắn pháo sáng kim loại vào những dịp lễ tết… làm mất an toàn hệ thống điện, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hàng năm đơn vị đều xây dựng kế hoạch công việc cụ thể về công tác quản lý vận hành lưới điện trung hạ thế và triển khai thực hiện hàng loạt công tác kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện trung, hạ áp… Đồng thời yêu cầu các đơn vị trực thuộc thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; không thả diều, vật bay, câu cá, thi công giàn dựng gần đường dây và trạm điện. Đồng thời, yêu cầu người dân báo cơ quan chức năng khi có các sự cố liên quan đến đường dây để tránh sự cố lưới điện và tai nạn điện.

Để phòng ngừa tai nạn và bảo đảm an toàn lưới điện, ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, người lớn phải làm gương, phải nhắc nhở, nghiêm cấm và giám sát trẻ em khi thả diều trong khu dân cư, trên đường giao thông và gần đường dây điện. Chọn thả diều ở những nơi có khoảng không gian rộng, không có đường dây, trạm điện ở gần để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và mọi người.

Để ngăn chặn và cảnh báo nguy cơ mất an toàn, vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, ngành điện đã có những giải pháp khuyến cáo người dân không được thả diều, vật bay, bắn chim trên dạy điện, tụ tập đông người chơi đùa đốt rác, nương rẫy… câu cá gần hoặc dưới đường dây điện.

Ngành điện miền Nam sẽ phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, đồng thời tuyên truyền đến người dân về các nguy hiểm khi sinh hoạt gần hành lang lưới điện để phòng tránh các tai nạn do xây dựng, cơi nới nhà cửa, do lắp đặt bảng hiệu quảng cáo… bố trí nhân viên, các nhóm công tác thường xuyên kiểm tra để kịp thời xử lý ngay khi phát hiện diều vướng trên lưới điện. 

Đối với những nơi người dân thường xuyên đến câu cá dưới đường dây điện, hoặc nơi có lưới điện đi gần, giao chéo sông suối, ao hồ, mương rạch, các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn, ngành điện cũng đã có bảng cảnh báo nguy hiểm để người dân nhận thức và tăng cường phòng ngừa. 

Các thông tin về cảnh báo, hướng dẫn sử dụng điện, cách xử lý khi gặp sự cố cũng được ngành điện cập nhật thông tin tuyên truyền qua các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook để mọi người nắm rõ và thực hiện.

Nhằm nâng cao ý thức và kiến thức trong an toàn sử dụng điện, tiếp cận nguồn điện, các công tác tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân sinh sống gần, trong hành lang an toàn lưới điện cũng được các đơn vị thực hiện thường xuyên thông qua thông tin báo chí, mạng xã hội, tờ rơi, áp phích,… Đồng thời tăng cường kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng ngăn chặn, quyết liệt xử lý khi phát hiện các hành vi vi phạm về an toàn điện…. quý khách hàng, cũng như người dân đón xem, nắm bắt chặt chẽ hơn để tuân thủ, hợp tác ngăn ngừa tai nạn điện.

EVNSPC cũng khuyến cáo, khi có thắc mắc hoặc phát hiện vấn đề gì gây mất an toàn về hành lang an toàn lưới điện cao áp, người dân, các tổ chức xin vui lòng thông báo ngay cho ngành điện qua số điện thoại Tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Nam: 19009000 hoặc19001006 để được hướng dẫn, hỗ trợ và xử lý kịp thời./.

Hình thức xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm HLATLĐCA:
Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi “thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện” (Theo điểm d, khoản 2, Điều 15, Nghị định 17/2022/NÐ-CP ngày 31/01/2022).
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng về hành vi “Gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, làm mất an toàn vận hành công trình điện” (Theo điểm m, khoản 3, Điều 15 Nghị định 17/2022/NÐ-CP ngày 31/01/2022).

Phạt tiền từ 20-50 triệu đồng khi có hành vi “Chặt và để cây đổ vào lưới điện” (Theo điểm c, khoản 4, Điều 15 Nghị định 17/2022/NÐ-CP ngày 31/01/2022). 



Gửi cho bạn bè