Thứ Năm, 23/1/2025
Agribank và nỗ lực xanh hóa hoạt động ngân hàng

Trước thềm Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2023, ngày 06/9, Agribank đã tham dự Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức với tham luận về tín dụng xanh trong chiến lược phát triển. Tham luận đã đề cập trực tiếp thực trạng về thực hiện chính sách tín dụng xanh của Agribank trong thời gian qua, những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân tồn tại; những nỗ lực cụ thể trong thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh, góp phần đưa nền kinh tế phát triển bền vững.

Tháng 11/2021, tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. TP. Hồ Chí Minh cũng đã đặt mục tiêu giảm mức phát thải 10% vào năm 2030 và 30% nếu có sự giúp sức của quốc tế, tương đương 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới. Tài chính xanh và tín chỉ carbon sẽ là những cơ chế tài chính đóng góp vào công cuộc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và giải quyết các thách thức về môi trường, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trên. 

Việc sản xuất kinh doanh hiện nay đòi hỏi phải đáp ứng những tiêu chí xanh, có sự chuyển đổi trong hoạt động để giảm tác động xấu đến môi trường và tạo ra những giá trị bền vững. Các dự án đạt được tiêu chí này cũng chính là những tín chỉ carbon quan trọng, là “tấm vé thông hành” để đưa các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đây là cơ hội thúc đẩy doanh nghiệp có những thay đổi quan trọng trong phát triển, cải tiến quy trình, sử dụng vật liệu xanh, tối ưu hóa quản lý chất thải,… Thảo luận tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá theo xu hướng trên, số lượng và chất lượng những dự án xanh sẽ tăng cao, đòi hỏi thị trường vốn xanh đầu tư cũng phải phát triển tương đương.

Nắm bắt định hướng đó, hoạt động tín dụng của Agribank xác định ưu tiên cấp vốn cho các dự án xanh, hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; Điện gió;…

Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về tín dụng xanh, Agribank đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ, trong đó có quy định về tín dụng xanh, ngân hàng xanh nhằm thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon… Với vai trò là Ngân hàng thương mại hàng đầu trong lĩnh vực “Tam nông”, Agribank đã sớm triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế về nguồn vốn phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng từ năm 2016 với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm. Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này. Dư nợ cho vay các lĩnh vực xanh của Agribank như lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tại, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh,... cũng tăng trưởng ổn định qua nhiều năm. 

Từ nguồn vốn Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành trên khắp mọi vùng, miền của đất nước, như mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La)… mang lại sự chuyển biến tích cực cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. 


 Toàn cảnh Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”

 

Việc số hóa hoạt động ngân hàng cũng được Agribank chú trọng trong hoạt động tín dụng xanh, tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, chủ động áp dụng các giải pháp của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, đưa ngân hàng đến gần hơn với người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn. Ngoài ra, các mô hình thông qua tổ vay vốn, điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng đã tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng tiếp cận sản phẩm dịch vụ của Agribank, góp phần “xanh hóa” hoạt động ngân hàng.

Định hướng chiến lược phát triển trong tương lai, Agribank sẽ triển khai áp dụng ESG toàn diện và hiệu quả trong hệ thống, bao gồm: Xây dựng bộ chính sách ESG (Chính sách quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Khung tài chính xanh và khung tài chính xã hội, các chính sách ESG trong hoạt động vận hành của ngân hàng…); Xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững; hoàn thiện mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện ESG.


 Ông Phạm Trung Kiên - Phó Trưởng Văn phòng Đại diện Agribank Khu vực miền Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Tiếp tục ưu tiên cung ứng vốn cho những dự án xanh; Nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường… Bên cạnh đó tìm kiếm nguyên nhân của hạn chế, đề xuất các giải pháp và khuyến nghị chính sách đối với các cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy hoàn thiện chính sách tín dụng xanh, ngân hàng xanh phát triển bền vững tại Việt Nam.

Gửi cho bạn bè

Các tin khác