Thứ Sáu, 24/1/2025
Những điểm mới khi vay tín dụng đầu tư tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam

 

 

Nghị định 78/2023/NĐ-CP có một số điểm mới sau đây:

Điều kiện cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước

Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi khoản 3,4,6 Điều 6 về điều kiện cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Theo đó, khách hàng muốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

1- Thuộc đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định 32/2017/NĐ-CP.

2- Có đầy đủ năng lực pháp luật và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.

3- Có dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả; có khả năng tài chính để trả nợ tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay.

4- Vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động), mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án.

5- Thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật.

6- Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay.

7- Mua bảo hiểm tài sản tại một doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản bảo đảm tiền vay.

8- Khách hàng thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật. Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay.

Quy định mới về trường hợp được vay vốn vượt giới hạn

Đây là quy định hoàn toàn mới được ghi nhận tại Nghị định 78/2023/NĐ-CP. Cụ thể, theo khoản 6 Điều 1 Nghị định 78/2023/NĐ-CP quy định, khách hàng vay vốn, dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

(1) Khách hàng đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng; không có nợ xấu trong 03 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn; có hệ số nợ phải trả không quá 03 lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý/năm đã được kiểm toán của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn.

(2) Khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện dự án có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân, thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng trong từng thời kỳ hoặc để thực hiện các chương trình, dự án được Quốc hội hoặc Thủ tướng chủ trương đầu tư.

Sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cho vay

Nghị định số 78/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi khoản 2 và bổ sung thêm các khoản 4, 5, 6, 7, 8, 9 vào Điều 7 về mức vốn cho vay và giới hạn cho vay. Mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa đối với mỗi dự án vẫn bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động).

Theo quy định mới, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (không bao gồm các khoản tín dụng Ngân hàng Phát triển Việt Nam không chịu rủi ro) tính trên vốn tự có và số dư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn còn lại từ 05 năm trở lên của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không được vượt quá 15% đối với một khách hàng, không được vượt quá 25% đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh mà khả năng cùng cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng.

Nghị định số 78/2023/NĐ-CP bổ sung quy định rõ, trừ trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh mà khả năng cùng cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam lập hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn quy định ở trên đối với từng trường hợp cụ thể gửi Bộ Tài chính tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều chỉnh thời hạn cho vay tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Theo đó, Nghị định 78/2023/NĐ-CP đã bỏ giới hạn về thời hạn cho vay tối đa. Cụ thể, quy định mới cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án căn cứ vào kết quả thẩm định dự án, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án và khả năng trả nợ của khách hàng.

Trước đó, Nghị định 32/2017/NĐ-CP quy định, thời hạn cho vay là không quá 12 năm, riêng các dự án đầu tư thuộc nhóm A thì thời hạn cho vay vốn tối đa là 15 năm. Đối với các dự án đặc biệt cần phải cho vay vượt quá thời hạn tối đa thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thay đổi mức lãi suất vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định, đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay được ký hợp đồng tín dụng kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2023, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ; ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với các khoản nợ vay này.

Bỏ giới hạn về tổng thời gian gia hạn nợ

Tại Nghị định mới, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được quyền xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và kết quả đánh giá của Ngân hàng Phát triển Việt Nam về khả năng trả nợ của khách hàng mà không bị giới hạn về thời hạn gia hạn nợ, tạo điều kiện cho khách hàng có thêm thời gian để trả nợ.

Gửi cho bạn bè

Các tin khác