Thứ Hai, 23/12/2024
Kế hoạch Số 52 -KH/BCĐTW, ngày 27/02/2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Thực hiện Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2015 (số 145-CTr/TW, ngày 30/12/2014) về việc tổng kết thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ban hành Kế hoạch tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, như sau: 

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổng kết việc quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30 - CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở; làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

2. Đề xuất các chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị; tăng cường mở rộng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong các lĩnh vực hoạt động của xã hội trong thời gian tới.

3. Việc tổng kết phải được tiến hành từ cơ sở (các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xã, phường, thị trấn) đến huyện, thị, tỉnh, thành phố và các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; cần bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ thời gian đề ra.

II. NỘI DUNG

1. Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW

1.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW và các văn bản của Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

1.2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 30-CT/TW và các văn bản của Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

1.3. Công tác xây dựng và ban hành các văn bản cụ thể hóa Chỉ thị của các cấp, các ngành thành các văn bản quy phạm pháp luật; quy chế, quy định, quy ước  thực hiện dân chủ ở cơ sở, hương ước ở thôn bản, tổ dân phố.

1.4. Công tác thành lập, kiện toàn, củng cố tổ chức, cán bộ và hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở các cấp, các ngành, cơ sở.

1.5  Vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp tổ chức thực hiện của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

1.6. Công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

2. Kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở và tác động đối với việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị

2.1. Đánh giá kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở các khu vực: xã, phường thị trấn; cơ quan hành chính, sự nghiệp; các loại hình doanh nghiệp; các loại hình mới (nếu có); những chuyển biến sau khi triển khai thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 05/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nghị định của Chính phủ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.                                               

2.2. Đánh giá việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW về “ Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào thi đua “Dân vận khéo”…; triển khai thực hiện cải cách hành chính, tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu ở cơ sở .v.v….

2.3. Hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đối với phát huy quyền làm chủ của Nhân dân “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị; ổn định chính trị ở địa phương, đơn vị.

2.4. Những vấn đề mới đặt ra về lý luận và thực tiễn cần phải nghiên cứu, bổ sung qua quá trình thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW và các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

3. Những yếu kém, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm

3.1. Những yếu kém, khuyết điểm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các quy chế, quy định, quy ước, hương ước thực hiện dân chủ trong các loại ở cơ sở; việc mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

3.2. Làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan; nhất là nhận thức, trách nhiệm của cấp  ủy đảng, chính quyền, của người đứng đầu về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nêu rõ những bất cập về cơ chế, chính sách, phương tiện, điều kiện làm việc, trình độ và năng lực triển khai tổ chức thực hiện.

3.3. Những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở.

4. Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong những năm tiếp theo

4.1. Xác định rõ phương hướng cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện.

4.2. Những nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 30- CT/TW của Bộ Chính trị trong thời gian tới; mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở các loại hình cơ sở gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị vững mạnh.

5. Kiến nghị, đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương

Kiến nghị, đề xuất những sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tiếp tục mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo sự đồng thuận, đoàn kết toàn dân, xây dựng đất nước phát triển.

III. PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH

1. Căn cứ vào kế hoạch này, các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo việc tổng kết thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 04/3/2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, tổng kết việc làm điểm ở một số loại hình mới (nếu có).

2. Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ khảo sát, làm việc với một số bộ, ngành và địa phương để đánh giá tình hình, phục vụ cho tổng kết lý luận và thực tiễn 17 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW và các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (có kế hoạch riêng).

3. Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo hình thức tổ chức tổng kết Chỉ thị số 30-CT/TW cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở.

IV. THỜI GIAN VÀ TIẾN ĐỘ

1. Đối với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy tiến hành tổng kết từ tháng 4 đến tháng 6/2015 và gửi báo cáo tổng kết, các biểu mẫu số liệu về Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 30/6/2015 để tổng hợp chung.

2. Trung ương tổng kết vào tháng 9/2015.

3. Đối với các bộ, ban, ngành và địa phương đã tổng kết Chỉ thị số 30-CT/TW, đề nghị có báo cáo bổ sung những vấn đề mới liên quan đến việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và báo cáo bổ sung số liệu theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Ban Chỉ đạo Trung ương gửi kèm theo gợi ý đề cương báo cáo tổng kết để các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy và các ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tham khảo xây dựng báo cáo tổng kết.n

 

TRƯỞNG BAN DÂN VẬN TW

 

kiêm

 

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TW

 

Đã ký

 

Hà Thị Khiết

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác