- Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
- Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (Nghị quyết số 36-NQ/TW); Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Chỉ thị số 45-CT/TW); Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận số 12-KL/TW);
- Căn cứ Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị;
- Căn cứ Quyết định số 78-QĐ/TW, ngày 10/4/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Dân vận Trung ương;
- Căn cứ Nghị định số 26/2017/NĐ-CP, ngày 14/3/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
- Căn cứ Kết luận số 14-KL/TW, ngày 11/11/2011 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài (Kết luận số 14-KL/TW);
Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao thống nhất ban hành Chương trình phối hợp thực hiện công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021 - 2026 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tiếp tục khẳng định đồng bào Việt Nam ở nước ngoài (VNONN) là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác và phát triển giữa nước ta và các nước trên thế giới.
2. Nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong hệ thống chính trị; trong cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận các cấp và cán bộ, đảng viên của Ban Dân vận Trung ương về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận nói chung và công tác đối với đồng bào VNONN nói riêng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác dân vận, về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
3. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối với đồng bào VNONN trong giai đoạn hiện nay, tiếp tục phối hợp, tham mưu đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối với đồng bào VNONN vào cuộc sống.
4. Tăng cường phối hợp giữa Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao trong việc triển khai thực hiện công tác đối với đồng bào VNONN, tuyên truyền, vận động đồng bào phát huy tinh thần yêu nước; nâng cao nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, tích cực tham gia xây dựng đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước; thể hiện rõ trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đối với đồng bào ta ở nước ngoài.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Công tác tham mưu
- Phối hợp tham mưu với Đảng, Nhà nước về chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo về công tác người VNONN. Xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận nhiệm kỳ 2021- 2026; Chương trình hành động của Chính phủ về công tác người VNONN giai đoạn 2021 - 2026.
- Tham mưu thực hiện hiệu quả đường lối, quan điểm của Đảng về công tác dân vận nói chung và công tác đối với đồng bào VNONN nói riêng, trong đó trọng tâm là: Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Kết luận số 14-KL/TW, Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW, Kết luận số 12-KL/TW về công tác người VNONN trong tình hình mới.
- Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Bộ Ngoại giao trong công tác vận động quần chúng, cộng đồng người VNONN; mở rộng các hình thức gắn kết hội đoàn người Việt ở ngoài nước với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong nước, tạo điều kiện thuận lợi để người VNONN tham gia các hoạt động lớn diễn ra ở trong nước.
- Phối hợp hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu người VNONN là người địa phương, đa dạng các phương thức hoạt động gắn kết, vận động đồng bào VNONN là người địa phương để bà con tích cực tham gia các hoạt động hướng về quê hương, đóng góp trực tiếp vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
2. Công tác kiểm tra, giám sát
Phối hợp hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận nói chung và công tác đối với đồng bào VNONN nói riêng, trong đó trọng tâm là: kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW, Kết luận số 14/KL-TW, Kết luận số 12-KL/TW về công tác người VNONN trong tình hình mới.
3. Đổi mới công tác vận động, chăm lo đối với đồng bào VNONN
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến người VNONN, tập trung giải quyết sớm những vướng mắc liên quan đến quyền lợi thiết thân và chính đáng của đồng bào, nhất là vấn đề quốc tịch của người VNONN.
- Tăng cường các biện pháp tổng thể, căn cơ nhằm hỗ trợ đồng bào VNONN, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn nâng cao địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống và hội nhập vào xã hội sở tại.
- Đẩy mạnh công tác đại đoàn kết dân tộc, kiên trì thuyết phục, vận động những cá nhân còn mang tư tưởng cực đoan, có cách hiểu chưa đúng về tình hình đất nước, những cá nhân có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng nhưng còn giữ thái độ trung dung; duy trì, nuôi dưỡng mối quan hệ với những cá nhân đã được vận động, cảm hóa, đồng thời có phương án phân hóa nhằm hạn chế sự lôi kéo, dụ dỗ của các tổ chức, cá nhân phản động đối với cộng đồng người VNONN, đặc biệt là thế hệ trẻ.
- Đa dạng hóa các hình thức vận động, thu hút doanh nhân, trí thức, nhà khoa học người VNONN, đặc biệt là giới trẻ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn lực chất lượng phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Tăng cường hỗ trợ các hội đoàn trong công tác vận động và tập hợp cộng đồng tại địa bàn; định hướng lựa chọn, bồi dưỡng nhân tố lãnh đạo, phát triển, hỗ trợ củng cố các tổ chức hội đoàn tại các địa bàn và trong triển khai, tổ chức hoạt động. Phát hiện, chỉ đạo và nhân rộng các mô hình, điển hình xuất sắc trong công tác vận động đồng bào VNONN.
- Đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng người VNONN giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc; đổi mới nội dung và phương thức dạy và học tiếng Việt, khai thác tối đa thế mạnh của công nghệ trong việc dạy và học; thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại các địa bàn có đông đồng bào Việt Nam sinh sống; nghiên cứu lựa chọn ngày tôn vinh ngôn ngữ Việt hằng năm; khuyến khích, cổ vũ đồng bào, đặc biệt là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt.
- Đổi mới công tác thông tin đối ngoại, kịp thời truyền tải đến cộng đồng các chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, thiết lập cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, bịa đặt, chống phá của các thế lực phản động, thù địch. Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng. Phát hiện, đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản cách mạng.
4. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa hai bên về công tác đối với người VNONN
Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi thông tin định kỳ; thông tin về việc tổ chức các đoàn đi địa phương và ra nước ngoài làm công tác người VNONN; Ban Dân vận Trung ương có cơ chế để Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao là đầu mối chỉ đạo về công tác dân vận của Đảng ở ngoài nước, tham gia các cơ chế do Ban Dân vận Trung ương là cơ quan thường trực, tham dự các hội nghị về công tác dân vận, qua đó làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, quần chúng và cộng đồng người VNONN.
5. Tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam... trong công tác vận động, đoàn kết rộng rãi mọi đối tượng người VNONN, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, tham mưu giải quyết, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn.
6. Công tác kiện toàn bộ máy tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ
Tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác dân vận và vận động đồng bào VNONN. Nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác về người VNONN tại các cơ quan trong và ngoài nước, các hội đoàn người VNONN. Tiếp tục phối hợp tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận đối với cấp ủy viên, cán bộ làm công tác cộng đồng ở trong và ngoài nước, cán bộ chủ chốt của các hội đoàn người VNONN và hội thân nhân đồng bào VNONN.
7. Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khác được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công; nhiệm vụ khác được lãnh đạo hai bên thống nhất chỉ đạo thực hiện.
III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Ban Dân vận Trung ương
1.1. Phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư:
- Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận… của Đảng về công tác vận động đồng bào VNONN.
- Lãnh đạo, chỉ đạo Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các thành viên trong hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác đối với đồng bào VNONN.
1.2. Chỉ đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Dân vận Trung ương tham mưu triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Chương trình phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân vận Trung ương và của từng vụ, đơn vị.
1.3. Hằng năm phối hợp, triển khai kế hoạch kiểm tra, nghiên cứu, khảo sát công tác cộng đồng, hội đoàn, đồng bào VNONN.
1.4. Mời đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao tham gia các hội nghị về công tác dân vận và báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.
2. Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao
2.1. Cụ thể hóa Chương trình phối hợp phù hợp với thực tiễn; thực hiện có hiệu quả công tác dân vận của Bộ, công tác đối với đồng bào VNONN.
2.2. Phối hợp với Ban Dân vận Trung ương triển khai công tác dân vận đối với đồng bào VNONN và đồng bào ta ở nước ngoài về làm ăn, sinh sống ở trong nước.
2.3. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW, Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới; Chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao về công tác đối với người VNONN giai đoạn 2021-2026 tới từng đơn vị, đảng bộ, chi bộ, cán bộ đảng viên Bộ Ngoại giao.
2.4. Chủ trì phối hợp, chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, xây dựng hệ thống lý luận, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công tác đối với đồng bào VNONN; nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác vận động đồng bào VNONN.
2.5. Thường xuyên làm tốt công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn, kiểm tra, trao đổi kinh nghiệm… về công tác vận động đồng bào VNONN; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, có thành tích trong công tác vận động đồng bào VNONN.
2.6. Mời Ban Dân vận Trung ương tham gia các hoạt động, các sự kiện lớn của đồng bào VNONN được tổ chức trong nước và ở nước ngoài.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Vụ Đoàn thể Nhân dân - Ban Dân vận Trung ương và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình phối hợp này. Hằng năm phối hợp, xây dựng nội dung, nhiệm vụ, kế hoạch công tác và đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện công tác vận động đồng bào VNONN. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng năm, đột xuất.
2. Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện công tác vận động đồng bào VNONN cụ thể cho từng năm. Tổ chức quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động hai đơn vị; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông của Đảng, Nhà nước, cơ quan truyền thông của hai ngành tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung và các hoạt động của Chương trình phối hợp này.
3. Việc đánh giá kết quả tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp này được tiến hành hằng năm, tổng kết Chương trình và nghiên cứu, xem xét ký Chương trình phối hợp giai đoạn tiếp theo vào năm 2026.
4. Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao thực hiện chế độ thông tin, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp thành một mục riêng trong báo cáo công tác dân vận và công tác ngoại giao 6 tháng, 1 năm về thực hiện Chương trình phối hợp (báo cáo 6 tháng hoàn thành trước ngày 25 tháng 6; báo cáo 01 năm hoàn thành trước ngày 25 tháng 12). Các báo cáo gửi về Vụ Đoàn thể Nhân dân - Ban Dân vận Trung ương và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo hai đơn vị.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề chưa phù hợp cần bổ sung, lãnh đạo hai đơn vị cùng trao đổi, thống nhất điều chỉnh khi cần thiết./.
BÍ THƯ BAN CÁN SỰ ĐẢNG
BỘ NGOẠI GIAO
(Đã ký)
Bùi Thanh Sơn
|
TRƯỞNG BAN DÂN VẬN TRUNG ƯƠNG
(Đã ký)
Bùi Thị Minh Hoài
|
File: 02-CTr