Thứ Tư, 22/1/2025
Thông báo số 304-TB/TW ngày 22/6/2000 của Bộ Chính trị tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Ngày 15/6/2000, sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về kết quả kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận:

1. Chủ trương xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực tế khẳng định là đúng đắn, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ở những nơi chỉ đạo chặt chẽ, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát huy dân chủ, làm chuyển biến một bước phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phương thức điều hành và lề lối làm việc của các cấp chính quyền theo hướng sát dân và tôn trọng dân, tạo thêm động lực mới thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương, tác động tích cực tới việc xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, xây dựng Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.

Tuy vậy việc chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường chưa được nhân rộng, ở khu vực cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mới chỉ triển khai bước đầu; nhận thức của không ít cán bộ, đảng viên về việc phát huy dân chủ ở cơ sở chưa sâu sắc, tổ chức thực hiện chưa tích cực, hiện tượng dân chủ hình thức còn nhiều.

2. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Phát huy dân chủ ở cơ sở là một khâu trọng yếu hiện nay nhằm động viên sức mạnh các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, đẩy lùi tiêu cực, suy thoái, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở vững mạnh. Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; và phải thành một nền nếp thường xuyên trong mọi hoạt động. Dựa vào quy chế mẫu, mỗi cơ sở phải tự xây dựng quy chế dân chủ của mình. Phát huy dân chủ phải đi liền với bảo đảm kỷ cương, kỷ luật, tăng cường pháp luật. Các tổ chức và các đoàn thể phải làm tốt vai trò kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

3. Tiếp tục thúc đẩy, mở rộng việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở tất cả các loại hình cơ sở (kể cả cơ quan Đảng, Mặt trận và đoàn thể). Từng tỉnh, thành ủy có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, gắn chặt việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương và đại hội đảng các cấp. Ở những cơ sở có vấn đề “nổi cộm”, cấp ủy cấp trên phải giúp đỡ vừa phát huy dân chủ, thực hiện quy chế, vừa đấu tranh tự phê bình và phê bình để sớm ổn định và phát triển. Các ban, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị của mình xây dựng quy chế dân chủ, đôn đốc, chỉ đạo và tự kiểm tra việc thực hiện quy chế, bảo đảm tới cuối năm 2000 tất cả các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cùng với các xã, phường, thị trấn đều xây dựng xong và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, coi đây là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá các đơn vị.

- Các phương tiện thông tin đại chúng cần thường xuyên tuyên truyền về việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, biểu dương những nơi làm tốt, phê phán những biểu hiện lệch lạc, nâng cao nhận thức dân chủ, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Gắn chặt việc xây dựng và thực hiên Quy chế dân chủ ở cơ sở với cuộc vận động, chỉnh đốn Đảng, cải cách hành chính, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Hướng dẫn nhân dân tham gia xây dựng Đảng một cách thiết thực và có hiệu quả. Đảng viên đều phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhân dân, kể cả ở nơi cư trú, tham gia sinh hoạt đoàn thể và phụ trách một số quần chúng nhất định.

- Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì phối hợp với một số ban của Đảng sớm tiến hành nghiên cứu một cách toàn diện về cơ sở (chủ yếu là xã, phường) để từ đó giúp Chính phủ bổ sung chính sách đối với cán bộ cơ sở một cách hợp lý, đồng bộ; sơ kết việc dân bầu trực tiếp trưởng thôn, trưởng ấp để có thể thí điểm dân bầu trực tiếp một số chức danh cao hơn.

- Giao Ban Dân vận Trung ương chủ trì, làm thường trực và là đầu mối phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Mặt trận, các đoàn thể, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ v.v.. (gọi chung là Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ của Trung ương) lập kế hoạch theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc thi hành Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, các Nghị định số 29, 71, 07 của Chính phủ và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị.

Bộ Chính trị phân công đồng chí Phạm Thế Duyệt, Ủy viên thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo công tác này.

Thông báo này được phổ biến tới chi bộ đảng.

 

TM BỘ CHÍNH TRỊ

(Đã ký)

 

Phạm Thế Duyệt

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất