Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 06-10-1998 của Bộ Chính trị khoá VIII "Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng" đã đạt nhiều kết quả tích cực. Sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng được tăng cường; công tác quản lý nhà nước, hệ thống văn bản pháp luật về hội tiếp tục được hoàn thiện. Các hội quần chúng phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về hình thức tổ chức và hoạt động, từng bước gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đất nước; góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng còn nhiều hạn chế. Công tác theo dõi, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị chưa được tiến hành thường xuyên. Công tác quản lý nhà nước, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hội chưa theo kịp sự phát triển của hội quần chúng. Một số hội quần chúng hoạt động còn hình thức, kém hiệu quả; nội dung, phương thức hoạt động chậm đổi mới, chưa thực sự gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước; tính tự nguyện, tự quản lý, tự trang trải kinh phí chưa được quán triệt và thực hiện đầy đủ; hoạt động của nhiều hội chưa đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của hội viên.
Nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm trên chủ yếu do các cấp uỷ đảng và đảng đoàn ở một số hội chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; vai trò của đảng viên là hội viên chưa được phát huy tốt. Công tác quản lý nhà nước ở một số nơi còn bị buông lỏng; trình độ quản lý của nhiều cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Tính chủ động vươn lên của một số hội chưa cao, còn nặng tư tưởng bao cấp, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; sự phối hợp hoạt động chưa chặt chẽ.
Để tạo điều kiện cho các hội quần chúng tổ chức và hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng được nguyện vọng ngày càng đa dạng, phong phú của nhân dân, đồng thời để lãnh đạo, quản lý tốt hơn nữa hoạt động của các hội quần chúng trong điều kiện đất nước ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế; Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội quần chúng cần thực hiện tốt những nội dung sau :
1- Các cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên phải nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng. Hội hoạt động ở cấp nào, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng và quản lý của chính quyền cấp đó. Cấp uỷ đảng ở mỗi cấp phải thường xuyên đổi mới, tăng cường lãnh đạo đối với hội thông qua việc định hướng chính trị về tổ chức và hoạt động của hội. Căn cứ Điều lệ Đảng và các quy định của Trung ương, khẩn trương thành lập tổ chức đảng ở những nơi có đủ điều kiện; củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức đảng đã có trong các hội; đảng viên là hội viên phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, làm nòng cốt trong việc vận động, tập hợp hội viên thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều lệ hội.
Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp phải thường xuyên lãnh đạo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết để đánh giá đúng tình hình tổ chức và hoạt động của các hội từ Trung ương đến địa phương; phát hiện những kinh nghiệm tốt, những mặt còn yếu kém; đề ra biện pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của các hội. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, đảng đoàn các liên hiệp hội và các hội tăng cường chỉ đạo các thành viên và hội viên thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của hội.
2- Hội lập ra phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của quần chúng nhân dân, theo đúng quy định của pháp luật; không nhất thiết phải tổ chức thành hệ thống từ Trung ương đến cơ sở. Hoạt động của hội theo nguyên tắc chung là : tự nguyện, tự quản, tự trang trải về kinh phí, tuân thủ pháp luật và điều lệ hội. Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hội căn cứ vào hoạt động và việc thực hiện nhiệm vụ cụ thể do Đảng, Nhà nước giao.
Các hội phải thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đa dạng hoá các loại hình về hội, hoạt động của hội phải thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên; đoàn kết, tập hợp hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức hội, hội viên và cộng đồng. Khắc phục tình trạng hành chính hoá trong tổ chức và hoạt động của các hội hiện nay.
Các hội cần làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ đất nước và con người Việt Nam; xây dựng và tăng cường tình hữu nghị, hợp tác của nhân dân các nước với nhân dân ta. Chú trọng xây dựng và củng cố các hội đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài và công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới.
3- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về hội phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hội, tạo điều kiện cho hội thành lập, hoạt động và phát triển đúng quy định của pháp luật. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định hội có tính chất chính trị - xã hội, hội có tính chất chính trị - xã hội - nghề nghiệp, hội đặc thù, trình Ban Bí thư cho ý kiến trước khi Chính phủ ban hành.
4- Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan chuyên trách quản lý hội để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Cơ quan nhà nước các cấp có trách nhiệm quản lý chặt chẽ các hội, đồng thời tạo điều kiện để các hội hoạt động đúng pháp luật và có hiệu quả thiết thực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của hội, kịp thời xử lý vi phạm.
5- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với các hội quần chúng nhằm thực hiện tốt công tác vận động quần chúng trong tình hình mới để xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần làm tốt vai trò chủ trì phối hợp giữa các tổ chức thành viên và các hội quần chúng thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
6- Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu trình Bộ Chính trị ban hành quy định thành lập tổ chức đảng trong hội quần chúng, trách nhiệm của đảng viên làm nòng cốt trong các hội quần chúng.
7- Ban Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu trình Ban Bí thư xem xét xác định trách nhiệm của các ban đảng Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh theo dõi, nắm tình hình các hội quần chúng có phạm vi hoạt động trong cả nước.
Ban Dân vận Trung ương có trách nhiệm theo dõi, nắm tình hình chung của các hội quần chúng và tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề có liên quan; chủ trì phối hợp với các ban đảng ở Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư việc thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Lê Hồng Anh
|