Thứ Bảy, 20/4/2024
Kết luận số 96-KL/TW ngày 07/4/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp

Tại phiên họp ngày 11-3-2014, sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 05-6-2008 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp và ý kiến của các cơ quan, Ban Bí thư đã thảo luận và kết luận như sau:

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư khóa X, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động về quan hệ lao động có chuyển biến bước đầu. Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về quan hệ lao động tiếp tục được hoàn thiện; quản lý nhà nước về quan hệ lao động được tăng cường; vai trò của tổ chức đảng, công đoàn và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp từng bước được phát huy; số vụ và tính chất các cuộc đình công có xu hướng giảm; nhiều doanh nghiệp nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò của tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể quần chúng đối với sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp; trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động được nâng lên; tiền lương, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động được cải thiện một bước; việc chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động có tiến bộ, tranh chấp lao động có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, quan hệ lao động trong doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, yếu kém, tiềm ẩn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Đời sống của nhiều người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, điều kiện ăn, ở, đi lại, học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa tinh thần chưa đáp ứng được nhu cầu. Tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động vẫn diễn ra phổ biến. Trình độ tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận người lao động còn thấp. Ở một số nơi, tổ chức đảng và đảng viên, tổ chức công đoàn và đoàn viên trong doanh nghiệp phát triển chậm; vai trò của tổ chức đảng còn hạn chế; tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ trong doanh nghiệp chưa thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tổ chức đại diện của người sử dụng lao động chưa rõ, chưa được kiện toàn để phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của ngành và địa phương; tình trạng tranh chấp lao động còn diễn ra phức tạp.

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trên có yếu tố khách quan nhưng do chủ quan là chính. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp của một số cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, thiếu thường xuyên, thậm chí còn bị xem nhẹ; một số chủ trương, chính sách chậm được triển khai thực hiện; sự phối hợp của các tổ chức đảng, công đoàn, thanh niên, phụ nữ còn thiếu chặt chẽ, chưa phát huy được vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Công tác quản lý nhà nước về lao động trong doanh nghiệp còn nhiều bất cập; việc phân công, phân cấp, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa chủ động; hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa cao.

Để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các doanh nghiệp, tổ chức đại diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt các nội dung yêu cầu của Chỉ thị số 22-CT/TW về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1- Đổi mới phương thức học tập, quán triệt, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về quan hệ lao động trong doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng để các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức đại diện người lao động và các đoàn thể nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ và thực hiện có hiệu quả các nội dung yêu cầu của Chỉ thị này cùng với Nghị quyết Trung ương 6 khóa X và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII và Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác xây dựng đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

2- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, nhất là ở các cấp địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện và giám sát, kiểm tra, xử lý các sai phạm. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong các doanh nghiệp, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức quần chúng trong các doanh nghiệp; tích cực xây dựng, phát triển các tổ chức đảng, làm tốt công tác phát triển đảng viên, xây dựng các mô hình tập hợp thanh niên, phụ nữ trong các doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn, các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng.

3- Kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách pháp luật về việc làm, bảo hiểm xã hội, dạy nghề, tiền lương tối thiểu, an toàn và vệ sinh lao động phù hợp với Hiến pháp năm 2013; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ quản lý, tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về lao động; hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đất đai, tài chính, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, khuyến khích người sử dụng lao động tham gia xây dựng các công trình phúc lợi, cải thiện điều kiện ăn, ở, học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người lao động.

4- Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia nhằm thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Nhà nước với tổ chức đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động trong việc giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động; tăng cường các thiết chế hòa giải và trọng tài theo quy định của pháp luật về lao động, tiến tới xây dựng đội ngũ hòa giải viên chuyên nghiệp.

5- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức công đoàn; chú trọng thành lập tổ chức công đoàn và phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước; xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể để thành lập tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn ở cơ sở; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, để thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo đúng các quy định của pháp luật; lấy đối thoại, thương lượng, thỏa thuận làm phương tiện để phát huy dân chủ; thể hiện tốt vai trò đại diện và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp.

6- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên cơ sở kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, hoàn thiện các quy định pháp lý, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động; tăng cường sự gắn bó giữa doanh nhân với người lao động trong doanh nghiệp, xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định hệ thống tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở cấp Trung ương và địa phương.

7- Các ban cán sự đảng, đảng đoàn các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng chương trình, kế hoạch và giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện có kết quả các nội dung Kết luận này. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW và Kết luận này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ
Lê Hồng Anh

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất