Thứ Ba, 17/9/2024
Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân

Xem xét báo cáo của Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (sau đây gọi là Chỉ thị số 32-CT/TW), Ban Bí thư kết luật như sau:

1. Qua hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng lên. Thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được hoàn thiện. Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân có bước chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn hạn chế. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Phương thức, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, việc sử dụng nguồn lực tài chính và huy động nguồn lực xã hội phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thật hiệu quả. Sự phối hợp giữa công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật chưa chặt chẽ. Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế.

2. Để tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW; lưu ý một số nội dung sau:

2.1. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và của mọi người dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.

2.2. Thực hiện đầy đủ các thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật hiện hành; đồng thời hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đa dạng hóa nguồn lực xã hội cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các nhóm đối tượng đặc thù yếu thế, đồng bào dân tộc, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật. Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp. Chú ý củng cố đội ngũ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; có chính sách thích hợp để sử dụng đội ngũ người biết tiếng dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật kịp thời, thực chất, hiệu quả.

2.3. Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng; mặt trận và đoàn thể nhân dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể. Kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật.

2.4. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng; ưu tiên khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả đối với các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật; nâng cao chất lượng các hoạt động đối thoại, giải đáp, tư vấn pháp luật. Xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, các làm hiệu quả gắn với từng chủ đề nội dung, đối tượng. Đổi mới toàn diện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.

3. Tổ chức thực hiện

- Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW và Kết luận này.

- Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở Trung ương; nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Bộ Tư pháp.

- Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, giúp Ban Bí thư theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và Kết luận này.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ
Trần Quốc Vượng

 

Kết luận số 80-KL/TW 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất