Thứ Năm, 26/12/2024
Quy định số 47-QĐ/TW ngày 20/12/2021 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống

- Căn cứ Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII;

- Căn cứ Luật Doanh nghiệp,

Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống như sau:

I- CHỨC NĂNG

Điều 1. Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, người lao động và tuyên truyền, vận động các thành viên trong doanh nghiệp thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ công ty và các quy chế, quy định của doanh nghiệp; tham gia xây dựng và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, cổ đông và người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh.

II- NHIỆM VỤ

Điều 2. Lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, quốc phòng, an ninh

1. Căn cứ vào điều lệ công ty và các quy chế, quy định của doanh nghiệp, đảng ủy, chi bộ cơ sở thông qua cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp để nắm tình hình, chủ động tham gia với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc) trong việc xây dựng nghị quyết về chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Đảng ủy, chi bộ cơ sở lãnh đạo đảng viên, quần chúng thực hiện hiệu quả nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị (hội đồng thành viên) và các nhiệm vụ được giao theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, doanh nghiệp; hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, cổ đông và người lao động; ngăn ngừa, đấu tranh đối với những biểu hiện vi phạm pháp luật, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cổ đông và người lao động. Lãnh đạo, vận động các thành viên trong doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

3. Đảng ủy, chi bộ cơ sở chủ động trao đổi, thống nhất với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc) trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Điều 3. Lãnh đạo công tác tư tưởng

1. Đảng ủy, chi bộ cơ sở lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và người lao động trong doanh nghiệp chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ công ty và các quy chế, quy định của doanh nghiệp; phát huy truyền thống yêu nước và ý thức trách nhiệm của công dân; nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp, lý tưởng xã hội chủ nghĩa của người lao động; xây dựng tinh thần làm chủ, ý thức cần kiệm và giữ gìn đoàn kết, thống nhất nội bộ. Lãnh đạo thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

2. Lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng trong doanh nghiệp rèn luyện, chấp hành kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lao động. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các thành viên trong doanh nghiệp để phối hợp với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc) giải quyết; thực hiện chế độ thông tin và bảo đảm quyền được thông tin của đảng viên.

Điều 4. Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội

1. Đảng ủy, chi bộ cơ sở lãnh đạo xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và điều lệ của mỗi tổ chức; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện trong doanh nghiệp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng tổ chức đảng, doanh nghiệp vững mạnh; tạo điều kiện để người lao động tham gia các tổ chức chính trị - xã hội và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

2. Đảng ủy, chi bộ cơ sở lãnh đạo ban chấp hành công đoàn phối hợp với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc) thực hiện tốt các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), hội nghị người lao động, điều lệ công ty và các quy chế, quy định của doanh nghiệp, thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Đảng ủy, chi bộ cơ sở phân công cấp ủy viên phụ trách các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; định kỳ (6 tháng, 1 năm) hoặc khi cần thiết, làm việc với các tổ chức chính trị - xã hội để nắm tình hình, chỉ đạo hoạt động và tạo điều kiện cho các tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 5. Về công tác tổ chức, cán bộ

1. Đảng ủy, chi bộ cơ sở tham gia ý kiến với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc) về chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy quản lý, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, chế độ, chính sách cán bộ. Lãnh đạo đảng viên, người lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

2. Đảng ủy, chi bộ cơ sở đề xuất, kiến nghị với cấp trên về người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp; chủ động giới thiệu những cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực, đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đưa vào quy hoạch, tham gia bộ máy lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp.

3. Lãnh đạo, xây dựng cấp ủy và đội ngũ cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội có đủ phẩm chất, năng lực, gương mẫu, hoạt động có hiệu quả, được đảng viên và quần chúng tín nhiệm.

Điều 6. Lãnh đạo xây dựng tổ chức đảng

1. Đảng ủy, chi bộ cơ sở đề ra chủ trương, biện pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp.

2. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu; lãnh đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giữ gìn sự đoàn kết thống nhất nội bộ, thực hiện đúng các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ, đấu tranh khắc phục những biểu hiện tiêu cực trái với đạo đức, tư cách của người đảng viên, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.

3. Đảng ủy, chi bộ cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên; xây dựng kế hoạch, biện pháp quản lý đảng viên; thực hiện việc giới thiệu đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú, gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những đảng viên có thành tích xuất sắc, xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

4. Thường xuyên quan tâm đến công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên; chú trọng phát triển đảng viên từ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội.

5. Đảng ủy, chi bộ cơ sở thường xuyên kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ động phát hiện và đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Định kỳ hằng năm, hoặc khi có yêu cầu, cấp ủy tổ chức để quần chúng tham gia góp ý về sự lãnh đạo của tổ chức đảng và vai trò tiên phong, trách nhiệm nêu gương của đảng viên.

6. Xây dựng cấp ủy có đủ phẩm chất, năng lực, gương mẫu, hoạt động có hiệu quả, tiêu biểu cho đảng bộ, chi bộ, được đảng viên và quần chúng tín nhiệm.

Đảng viên là người giữ chức vụ cao nhất trong số các đảng viên tại doanh nghiệp (như: Chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, giám đốc, người đại diện phần vốn nhà nước hoặc chức danh lãnh đạo, quản lý khác) đồng thời là bí thư cấp ủy, chi bộ. Cơ cấu cấp ủy gồm đảng viên là lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị thành viên và các tổ chức chính trị - xã hội.

III- QUAN HỆ CỦA ĐẢNG BỘ, CHI BỘ VỚI HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ  (HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN), CHỦ TỊCH CÔNG TY, TỔNG GIÁM ĐỐC (GIÁM ĐỐC), NGƯỜI ĐẠI DIỆN PHẦN VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP VÀ CÁC TỔ CHỨC LIÊN QUAN

Điều 7. Đối với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc), người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp

1. Đảng bộ, chi bộ, cấp ủy lãnh đạo tạo sự đồng thuận trong doanh nghiệp để hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc), người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm, quyền hạn được giao. Cấp ủy chủ động phối hợp với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc) trong xây dựng và lãnh đạo thực hiện điều lệ công ty, các quy định, quy chế phối hợp, trong đó xác định rõ mối quan hệ công tác, bảo đảm vai trò lãnh đạo chính trị của tổ chức đảng, chức năng quản lý của hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), sự chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh của tổng giám đốc (giám đốc) và chức năng tập hợp, vận động, giáo dục quần chúng của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.

2. Hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc) có trách nhiệm tạo điều kiện và bảo đảm để đảng bộ, chi bộ hoạt động theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy định này. Định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 1 năm), hoặc khi có yêu cầu: Cấp ủy có trách nhiệm trao đổi với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc) về việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của tổ chức đảng; ý kiến của cán bộ, đảng viên, người lao động về việc thực hiện nhiệm vụ và các chính sách, chế độ trong doanh nghiệp. Hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc) có trách nhiệm trao đổi với cấp ủy về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác tổ chức, cán bộ của doanh nghiệp và phương hướng, nhiệm vụ sắp tới để cấp ủy hoặc đảng bộ, chi bộ thảo luận, ra nghị quyết lãnh đạo đảng viên, người lao động thực hiện. Đảng viên là thành viên hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc) phải báo cáo với cấp ủy về những nội dung trên để cấp ủy lãnh đạo thực hiện.

3. Cấp ủy tôn trọng các quyết định của hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc) theo quy định của pháp luật, điều lệ công ty và các quy chế, quy định của doanh nghiệp; khi thấy quyết định chưa đúng thì trao đổi với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc), nếu không thống nhất thì báo cáo lên cấp ủy cấp trên và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (quản lý vốn, cấp phép và đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm) để xem xét, giải quyết.

4. Bí thư đảng ủy, chi bộ phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; chủ tịch hội đồng quản trị (hội đồng thành viên) chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc) phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức đảng (nếu là đảng viên) khi để xảy ra vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong doanh nghiệp.

5. Căn cứ nội dung Quy định này, cấp ủy, hội đồng quản trị (hội đồng thành viên) chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc) trong doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng quy chế phối hợp cụ thể để thực hiện trong doanh nghiệp.

Điều 8. Đối với các tổ chức có liên quan

Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên trực tiếp về mọi mặt; xây dựng mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và nơi có đảng viên của doanh nghiệp cư trú để phối hợp công tác và quản lý đảng viên.

IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

2. Căn cứ Quy định này và các văn bản hướng dẫn của cấp trên, đảng ủy, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp xây dựng quy chế hoạt động cụ thể để thực hiện.

3. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc, báo cáo Ban Bí thư bổ sung, sửa đổi.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Quy định này thay thế Quy định số 288-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Ban Bí thư khoá X, có hiệu lực kể từ ngày ký và phổ biến đến chi bộ để thực hiện. 

T/M BAN BÍ THƯ

Võ Văn Thưởng

 

File: Quy định số 47-QĐ/TW

Gửi cho bạn bè

Các tin khác