Thứ Sáu, 27/12/2024
Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ chế, chính sách, pháp luật được tiếp tục hoàn thiện. Công tác quản lý nhà nước và tổ chức bộ máy về lâm nghiệp được quan tâm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được tăng cường. Công tác quy hoạch, điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được triển khai ở nhiều địa phương. Chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên được thực hiện nghiêm. Các dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến rừng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Công tác bảo vệ, ngăn chặn nạn phá rừng, thực thi pháp luật lâm nghiệp có tiến bộ, giảm số vụ và mức độ thiệt hại. Diện tích và chất lượng rừng ngày càng tăng, tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 42%. Kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng nhanh. Đời sống, việc làm, thu nhập của người dân ở khu vực có rừng, trong đó có các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa từng bước được cải thiện. 

Tuy nhiên, kết quả thực hiện Chỉ thị còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị hiệu quả chưa cao. Cơ chế, chính sách, pháp luật về lâm nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa đồng bộ với pháp luật chuyên ngành khác, nhất là pháp luật về đất đai. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rừng còn bất cập, chưa sát thực tế. Ngân sách nhà nước, đầu tư xã hội cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng còn hạn chế. Chính sách giao đất, giao rừng, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng chưa phù hợp với lợi ích chính đáng của người được giao, nhận khoán. Việc quản lý dân di cư tự do, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp thấp, tiến độ sắp xếp, đổi mới chậm. Chưa khai thác hiệu quả, bền vững giá trị của hệ sinh thái rừng; dịch vụ môi trường rừng chưa phát triển; việc thu dịch vụ hấp thụ, lưu giữ cácbon và phát triển thị trường tín chỉ cácbon rừng còn chậm. Việc thực hiện các giải pháp trồng rừng, phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng, hạn chế suy thoái rừng chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến xói mòn, lũ lụt, sạt lở đất... ngày càng tăng. Tổ chức bộ máy quản lý lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương chưa thống nhất, thiếu ổn định, một bộ phận cán bộ năng lực, đạo đức hạn chế. Đời sống người làm nghề rừng, người dân ở khu vực có rừng còn nhiều khó khăn. 

Những hạn chế nêu trên chủ yếu là do nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững chưa đầy đủ; một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền thiếu quyết liệt, chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Một số địa phương buông lỏng công tác quản lý rừng; chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra; xử lý vi phạm chưa nghiêm; khiếu kiện, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng làm phát sinh một số điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội chưa được xử lý kịp thời; nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhưng thiếu nguồn lực thực hiện. 

Để đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW và chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 

1. Đổi mới, đa dạng hoá, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, hướng đến thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen trong tiêu dùng, sản xuất, sinh hoạt, góp phần cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Xác định rừng là tài nguyên, nguồn lực to lớn của đất nước; là tư liệu sản xuất quan trọng, có khả năng tái tạo, yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, quốc phòng, an ninh; là không gian sinh tồn, lưu giữ các giá trị văn hoá gắn với đời sống, sinh hoạt của các cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Bảo vệ, phát triển rừng vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 

2. Khẩn trương rà soát, thể chế hoá đầy đủ, kịp thời, đồng bộ chủ trương của Đảng về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững; hoàn thiện pháp luật về lâm nghiệp bảo đảm đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy được tiềm năng, lợi thế của rừng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh. Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục đích, đa giá trị trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng. Đẩy mạnh và mở rộng đối tượng được giao rừng, cho thuê rừng, bảo đảm toàn bộ diện tích rừng và đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến từng chủ rừng gắn với trách nhiệm quản lý, phát triển rừng, có cơ chế phù hợp, khả thi trong việc giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư ở khu vực có rừng quản lý gắn với lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng. 

Nghiên cứu có cơ chế, chính sách cụ thể, đủ mạnh để quản lý hiệu quả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất; thu hút sự tham gia của người dân, các nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, thúc đẩy phát triển các loại dịch vụ môi trường rừng. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên. Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức, cơ chế điều tiết, phân bổ ngân sách nhà nước bảo đảm hài hoà lợi ích, trách nhiệm đối với các địa phương có diện tích rừng lớn. Có chính sách tín dụng, hỗ trợ dạy nghề, tạo sinh kế, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, người bảo vệ rừng; chính sách khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng phải gắn với ổn định, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số và người dân ở khu vực có rừng; nghiên cứu, tăng mức khoán bảo vệ rừng phù hợp với thực tế. 

3. Đa dạng hoá các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp theo hướng sản xuất xanh, bền vững, tuần hoàn. Chú trọng khâu chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, cây bản địa, thâm canh rừng phù hợp với hệ sinh thái để nâng cao năng suất, sản lượng rừng trồng. Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác, chia sẻ lợi ích trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp, gắn trồng rừng với khai thác, chế biến và thương mại lâm sản. Phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhất là kinh tế dưới tán rừng; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển một số mô hình kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp kết hợp, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, vừa phát huy tiềm năng, giá trị tài nguyên của rừng đặc dụng. Tăng cường hướng dẫn khai thác rừng tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế; hiện đại hoá ngành công nghiệp chế biến lâm sản, khuyến khích sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, gỗ có chứng chỉ, áp dụng công nghệ tiên tiến, chế biến sâu, tiết kiệm nguyên liệu, phát triển vật liệu mới thay thế gỗ, gỗ kết hợp vật liệu thân thiện với môi trường. Phát triển các mô hình bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn với nuôi trồng thuỷ sản. Có chính sách thúc đẩy hình thành doanh nghiệp lâm nghiệp lớn, hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới, đủ năng lực vốn, công nghệ, trình độ quản trị, sản xuất các sản phẩm có chất lượng, xây dựng được thương hiệu, sức cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh triển khai dịch vụ hấp thụ, lưu giữ cácbon và phát triển nhanh thị trường tín chỉ cácbon rừng. Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của rừng gắn với lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng của các dân tộc, vùng, miền. 

4. Ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đồng bộ với các quy hoạch chuyên ngành liên quan. Tập trung điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến, xây dựng cơ sở dữ liệu rừng, đánh giá tổng thể tài nguyên rừng; đến năm 2026, hoàn thành việc phân định ranh giới rừng trên thực địa. Chú trọng triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với mục tiêu quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định dân cư, nhất là khu vực biên giới, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; các giải pháp phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đặc biệt là rừng đầu nguồn; xây dựng chương trình, kế hoạch bảo tồn, khôi phục, tăng độ che phủ rừng, chống sa mạc hoá, suy thoái rừng. Thực hiện nghiêm quy định rừng tự nhiên chỉ được chuyển mục đích sử dụng để phục vụ quốc phòng, an ninh, dự án quan trọng quốc gia và dự án cấp thiết khác. Nghiên cứu tăng cường chế tài, đơn giản thủ tục tố tụng để xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, nhất là hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật. 

5. Tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp, nhất là lực lượng được giao nhiệm vụ trực tiếp, các địa phương có diện tích rừng lớn đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm tra, giám sát trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chú trọng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ ngành lâm nghiệp, đội ngũ làm công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến rừng. Bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động của kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, xây dựng lực lượng chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy rừng; có chính sách đặc thù để thu hút cán bộ làm công tác lâm nghiệp. 

6. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014 và Kết luận số 82-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; xử lý triệt để tồn đọng, tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ lâm trường, công ty lâm nghiệp; chấm dứt tình trạng công ty lâm nghiệp được giao đất nhưng không sử dụng (nhượng lại, cho thuê, cho mượn, khoán trắng), hoặc sử dụng không hiệu quả; xử lý dứt điểm diện tích đất lâm nghiệp bị chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm. Tập trung giải quyết đất ở, đất sản xuất, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất được giao của đồng bào dân tộc thiểu số. Sớm giải quyết căn cơ tình trạng dân di cư tự do, nhất là tại Tây Nguyên. 

7. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về lâm nghiệp, phát triển thị trường, trao đổi thông tin, công nghệ, tham gia sáng kiến quốc tế về bảo vệ và phát triển rừng bền vững; hợp tác chặt chẽ với các nước có chung đường biên giới trong việc chống buôn bán động vật, thực vật hoang dã, chặt phá, khai thác rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường thu hút nguồn vốn hỗ trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); thực hiện có hiệu quả, trách nhiệm các cam kết quốc tế. 

8. Tổ chức thực hiện 

- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt Kết luận; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TW và Kết luận này; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ban Bí thư. 

- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp và pháp luật có liên quan. 

- Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. 

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, giám sát, phản biện, vận động thành viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng. 

- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. 

- Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW và Kết luận này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư. 

Kết luận này được phổ biến đến chi bộ, công khai để Nhân dân biết, giám sát. 

 

T/M BAN BÍ THƯ

 

Trương Thị Mai




File: Kết luận số 61-KL/TW 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác