Thứ Ba, 21/1/2025
Kết luận số 01-KL/TW, ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

Tại phiên họp ngày 19/02/2016, sau khi nghe Ban Chỉ đạo tổng kết báo cáo kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Bộ Chính trị kết luận như sau:

1- Kết quả 10 năm thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Việc thực hiện Chiến lược đã đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, cơ bản thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung vào 6 định hướng được xác định trong Nghị quyết, phục vụ thiết thực công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Hoạt động lập pháp và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội có nhiều tiến bộ, giảm dần việc ban hành pháp lệnh. Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nhiều đổi mới, tạo chuyển biến tích cực cả về chất lượng văn bản và kỹ thuật lập pháp. Công tác tổ chức thi hành pháp luật được mở rộng. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh kịp thời hơn; công tác giám sát, kiểm tra, xử lý văn bản pháp luật bước đầu có chuyển biến tích cực; công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được triển khai đồng bộ hơn với nhiều hình thức phong phú đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết còn chậm, chưa đều, thiếu cân đối giữa các lĩnh vực. Hệ thống pháp luật chưa thật sự hoàn chỉnh, đồng bộ; hiệu lực và tính khả thi chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu ổn định, tính dự báo chưa cao, chất lượng chưa bảo đảm; việc sửa đổi, bổ sung còn nhiều. Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật qua nhiều tầng nấc, làm chậm tiến độ ban hành và tổ chức thực hiện. Công tác tổ chức thi hành pháp luật là khâu yếu trong thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn khá phổ biến; công tác rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa chưa được triển khai mạnh mẽ; công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa có giải pháp đột phá, hiệu quả chưa cao; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật chưa được tăng cường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác giám sát, kiểm tra văn bản pháp luật chưa thường xuyên; xử lý sai sót, vi phạm thiếu kiên quyết, triệt để; việc tổ chức thực hành pháp luật có lúc, có việc còn lỏng lẻo, tính răn đen, giáo dục chưa cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ quản lý nhà nước. Cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật chưa đồng bộ, có lúc còn phân tán, có nơi còn cục bộ. Cơ chế  để nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật và giám sát thi hành pháp luật chưa được phát huy.

2- Định hướng tiếp tục thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2016-2020

Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam qua 10 năm thực hiện khẳng định tính đúng đắn, kịp thời và tầm nhìn dài hạn của Đảng ta, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nêu trong Nghị quyết, đồng thời thể chế hóa đúng đắn, kịp thời các chủ trương, đường lối đổi mới được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng. Cụ thể:

2.1- Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; làm rõ cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phân định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; hoàn thiện pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

2.2- Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan nhà nước phù hợp thực tiễn phát triển đất nước; mở rộng dân chủ trực tiếp, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào công việc của Nhà nước; tăng cường sự gắn kết giữa giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; bảo đảm quyền giám sát của nhân dân.

2.3- Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế theo hướng tiếp tục thể chế hóa các quyền về tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ công; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phát triển các loại thị trường, gia nhập và rút khỏi thị trường theo hướng đảm bảo quyền tự do kinh doanh; hoàn thiện pháp luật về các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô, bao gồm: thuế, các tiêu chuẩn về chất lượng, quản lý giá và các công cụ hỗ trợ quản lý vĩ mô như thống kê, đăng ký giao dịch, đăng ký tài sản. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quy hoạch, đặc khu kinh tế; xây dựng cơ chế quản lý kinh tế đặc thù đô thị, nông thôn, biên giới, hải đảo, tài nguyên biển; pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, vệ sinh an toàn thực phẩm...

2.4- Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, thông tin, thể thao, dân tộc, dân số, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới và chính sách xã hội theo hướng lấy giáo dục, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; luật hóa các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm cho các tôn giáo, tín ngưỡng phát triển lành mạnh, đồng thời ngăn chặn việc lợi dụng để kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa về báo chí, xuất bản. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, khuyến khích phát triển cơ sở y tế ngoài công lập; thực hiện công bằng xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.

2.5- Hoàn thiện pháp luật về quốc phòng và an ninh theo hướng thể chế hóa sâu sắc hơn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng tiềm lực, củng cố quốc phòng - an ninh; hoàn thiện cơ sở pháp lý nâng cao năng lực bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.

2.6- Hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; theo hướng ưu tiên xây dựng các thiết chế bảo vệ độc lập, tự chủ trong chủ động hội nhập quốc tế. Chú trọng nội luật hóa những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đẩy mạnh việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp và giải quyết tranh chấp kinh tế, thương mại, đầu tư.

3- Nhiệm vụ, giải pháp

Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW, theo đó, cần tập trung làm tốt các việc sau:

3.1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; huy động sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên đối với công tác xây dựng pháp luật và giám sát thi hành pháp luật. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật phải gắn với tổ chức thi hành pháp luật; củng cố các thiết chế thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật.

3.2- Tiếp tục đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội theo hướng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi trên cơ sở thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp, có thứ tự ưu tiên hợp lý và bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong việc soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Kiện toàn tổ chức các cơ quan và các cơ sở đào tạo liên quan đến lĩnh vực tư pháp và pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về án lệ.

3.3- Kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; quan tâm công tác giải thích pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật; phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ pháp lý và hoạt động bổ trợ tư pháp; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

4- Tổ chức thực hiện

4.1- Đảng đoàn Quốc hội, trên cơ sở các định hướng nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW và Kết luận này, lãnh đạo việc xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác xây dựng pháp luật giai đoạn 2016 – 2020; tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; tăng cường giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật, giải thích pháp luật.

4.2- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng trong hoạt động xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành pháp luật, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.

4.3- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng và nghiêm chỉnh thi hành pháp luật; giám sát việc chấp hành pháp luật của chính quyền các cấp.

4.4- Các cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ quan tư pháp và các bộ, ngành ở Trung ương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, giải pháp trong Nghị quyết và Kết luận này, đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường phối hợp trong các hoạt động liên ngành về xây dựng và thi hành pháp luật.

4.5- Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và thi hành pháp luật; lãnh đạo, chỉ đạo hội đông nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan tư pháp địa phương, tăng cường trách nhiệm trong tổ chức thi hành pháp luật; gắn công tác này với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

4.6- Ban Nội chính Trung ương theo dõi việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW và Kết luận này; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ

 

Đinh Thế Huynh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất