Thứ Bảy, 23/11/2024
Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 05/9/2016 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới

Thời gian qua, công tác thông tin cơ sở đã góp phần phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; cung cấp thông tin, kiến thức cần thiết tới người dân trên địa bàn dân cư; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở (xã, phường, thị trấn).

Tuy nhiên, nhìn chung, công tác thông tin cơ sở còn hạn chế, bất cập, hiệu quả thấp; nội dung thông tin còn ít thiết thực, chưa được phổ cập rộng rãi tới đa số người dân; phương thức truyền thông chủ yếu vẫn theo cách làm truyền thống, chưa theo kịp và đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Những hạn chế, bất cập trên chủ yếu là do chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác này; cấp ủy, chính quyền các cấp ở nhiều nơi nhận thức chưa đầy đủ về phạm vi, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác thông tin cơ sở; thiếu sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất của các cấp, các ngành về phương thức truyền thông, về lựa chọn thông tin, kiến thức thiết thực cho cuộc sống, lao động, sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn dân cư ở cơ sở.

Hiện nay, các loại hình, phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, xuất bản, internet, mạng xã hội… phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, người dân được tiếp cận và hưởng thụ thông tin rất phong phú, đa dạng thông qua nhiều hình thức, phương thức khác nhau.

Để đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp sau:.

1- Công tác thông tin cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ các phương tiện truyền thông hiện đại với cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết chế văn hóa - thông tin ở cơ sở hiện có và chương trình nông thôn mới để làm tốt công tác thông tin ở cơ sở; bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết cho cuộc sống lao động, sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn dân cư xã, phường, thị trấn; đồng thời chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc, xuyên tạc, góp phần củng cố sự đoàn kết và đồng thuận xã hội ở cơ sở và từ cơ sở.

2- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại về viễn thông, truyền thông đa phương tiện để tổ chức công tác thông tin cơ sở; đồng thời chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền miệng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thông tin cơ sở cần được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương để khai thác, sử dụng có hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí.

3- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kênh hoặc chương trình truyền thông chuyên đề cơ sở theo hướng đa dạng, hấp dẫn, có sức thuyết phục, phù hợp với trình độ, nhu cầu của người dân ở từng vùng, miền, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo đạo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ít có điều kiện tiếp cận thông tin.

4- Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, củng cố, tổ chức lại theo thẩm quyền (nếu cần thiết, song phải bảo đảm không tăng biên chế và đầu mối trực thuộc) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa- thông tin cơ sở hiện có (đài truyền thanh cấp huyện và cấp xã, đội tuyên truyền lưu động cấp huyện, điểm bưu điện - văn hóa xã, tủ sách pháp luật, cụm thông tin cổ động nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng, thư viện, đội chiếu phim lưu động…) đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và phù hợp với thực tế địa phương trong tình hình mới.
5- Tổ chức thực hiện

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng nội dung thông tin và các hoạt động thông tin cơ sở; chỉ đạo việc xây dựng, kiện toàn và hướng dẫn hoạt động của các ban tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở; biên soạn, cung cấp tài liệu tuyên truyền, bảo đảm sự thống nhất, đúng định hướng của Đảng; đôn đốc, kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết và báo cáo Ban Bí thư về tình hình thực hiện Chỉ thị này.

Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tổ chức hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác thông tin ở cơ sở; bảo đảm quản lý thống nhất về hạ tầng thông tin ở cơ sở; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện quy trình tiếp nhận thông tin và trả lời phản ánh của người dân thông qua công tác thông tin cơ sở.

Hằng năm, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ.

 

T/M BAN BÍ THƯ

 

Đinh Thế Huynh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác