Trong công cuộc đổi mới, báo chí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tích cực đồng hành và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đội ngũ những người làm báo Việt Nam có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, phẩm chất đạo đức trong sáng, vững vàng nghề nghiệp, giàu tinh thần cống hiến, không ngại khó khăn gian khổ, luôn nỗ lực lao động cần cù, sáng tạo vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Bên cạnh những đóng góp to lớn và những tấm gương đáng tự hào đó, có một thực tế là hiện nay các biểu hiện hành vi tiêu cực trong hoạt động báo chí ngày càng phức tạp và rất đáng lo ngại. Đó là: việc thông tin sai sự thật, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật, tô hồng hoặc bôi đen vì những mục đích không trong sáng.
Tình trạng báo chí bị thương mại hóa không những không bị ngăn chặn đẩy lùi mà có xu hướng nghiêm trọng hơn bằng việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục. Tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, cửa quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi, trục lợi và làm trái pháp luật, trái truyền thống đạo lý ngày càng gia tăng. Tình hình này cho thấy sự tha hóa suy thoái về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận những người làm báo Việt Nam đã đến mức báo động, tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước và cộng đồng, làm mai một hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đạo đức báo chí trở thành một vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm.
Thực hiện Điều 8 Luật Báo chí 2016; Chương trình hoạt động toàn khóa của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin truyền thông tổ chức triển khai đến tất cả các cấp Hội, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương một đợt học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 và góp ý kiến sửa đổi, bổ sung, xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật báo chí 2016 và thực tiễn báo chí truyền thông và đời sống xã hội hiện nay.
Ngày 15/12/2016, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X đã thông qua và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký Quyết định ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, có hiệu lực từ 1/1/2017.
Phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam; nhanh chóng đưa 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam vào thực tiễn hoạt động báo chí; thiết thực thực hiện Chương trình hành động của Hội Nhà báo Việt Nam, thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TƯ ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam yêu cầu các cấp Hội Nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện tốt các nội dung sau:
1 – Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức cho toàn thể hội viên và người làm báo học tập nghiêm túc 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, đồng thời tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII). Chú trọng phân tích, thảo luận những điểm mới, những nội dung thường gặp, những nội dung dễ mắc sai phạm trong tác nghiệp báo chí.
2- Trung ương Hội, Hội Nhà báo cấp tỉnh, Liên chi hội, Chi hội trực thuộc cần triển khai ngay việc thực hiện Quyết định số 533/QĐ-HNBVN và 534/QĐ- HNBVN ngày 30/3/2017 của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cũng như Quy chế làm việc của Hội đồng. Đây là công việc quan trọng và có tính chất quyết định, yêu cầu các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, giúp cho việc thực hiện tốt Luật Báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp.
3 – Từng cơ quan báo chí, từng tổ chức Hội trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của mình, tiếp tục bổ sung, xây dựng và thực hiện Nội quy, Quy chế, Quy ước riêng nhằm cụ thể hóa việc thực hiện 10 Quy định chung về đạo đức nghề nghiệp. Các tổ chức Hội cần chủ động báo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội nhằm tạo sự ủng hộ và giúp đỡ; cần có hình thức phù hợp tranh thủ đồng thuận từ công chúng báo chí v.v…
4 – Cùng với việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, tổ chức Hội cần chú ý kiện toàn và đưa công tác kiểm tra của Hội vào nề nếp, đạt hiệu quả, chất lượng; tiến hành tập huấn nghiệp vụ thường xuyên và nắm vững 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam để hướng dẫn, ngăn chặn và xử lý sai phạm nghiêm túc, chính xác.
5 – Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đề cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác 2017 và cả nhiệm kỳ 2015-2020.
Nhận được Chỉ thị này, Chủ tịch Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố; Chủ tịch các Liên chi hội, Thư ký chi hội trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền, đồng thời phổ biến nội dung Chỉ thị đến toàn thể hội viên và người làm báo trong đơn vị, địa phương thuộc phạm vi quản lý.
Sau đợt học tập, quán triệt 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, các đơn vị Hội (Hội Nhà báo tỉnh, thành phố; Liên chi hội, Chi hội trực thuộc Trung ương) gửi báo cáo về Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam qua Ban Kiểm tra Trung ương Hội trong quý 2/2017 để tổng hợp báo cáo. Hằng năm tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, một tiêu chí của công tác thi đua, khen thưởng.
Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam kêu gọi toàn thể giới báo chí và hội viên tích cực học tập và thực hiện tốt 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, cùng nhau xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, góp phần tích cực và xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
|
CHỦ TỊCH
BÍ THƯ ĐẢNG ĐOÀN
|
|
(Đã ký)
Thuận Hữu
|