Thứ Năm, 26/12/2024
Quy định số 109-QĐ/TW ngày 03/1/2018 của Ban Bí thư về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

Quy định này áp dụng đối với cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mục đích là nhằm kịp thời nắm bắt và giúp cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; kịp thời phát hiện gương cán bộ, đảng viên tiêu biểu, đồng thời giáo dục, ngăn ngừa và xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức, lối sống theo quy định.

Công tác kiểm tra bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; nguyên tắc, phương pháp, quy trình công tác theo quy định của Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Tổ chức đảng có trách nhiệm kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý. Cán bộ, đảng viên phải tự kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện và báo cáo tổ chức đảng có thẩm quyền khi được yêu cầu. Kiểm tra của tổ chức đảng phải gắn với việc tự kiểm tra, tự phê bình của cán bộ, đảng viên được kiểm tra và tổ chức đảng có đảng viên được kiểm tra; gắn với công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ và việc nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ.

Về thẩm quyền kiểm tra, cấp ủy các cấp và ban thường vụ (trừ chi ủy) kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý của cấp mình. Ủy ban Kiểm tra kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý của cấp ủy cùng cấp theo sự phân công của cấp ủy. Các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy kiểm tra cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý, lĩnh vực được phân công phụ trách. Chi bộ kiểm tra cán bộ đảng viên trong chi bộ, kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý sinh hoạt đảng tại chi bộ.

Công tác kiểm tra tập trung vào nội dung: Việc nghiên cứu quán triệt những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc xây dựng và thực hiện kế hoạch tu dưỡng của bản thân cán bộ, đảng viên. Tinh thần yêu nước, kiên định lý tưởng độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội; chống suy thoái, dao động về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; chống những biểu hiện vô cảm, quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu gây phiền hà cho dân. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; chống phô trương hình thức, chống tham nhũng, lãng phí, nói không đi đôi với làm, tư lợi cá nhân, tha hóa quyền lực. Trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII…

Đối tượng kiểm tra, là cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị; cán bộ, đảng viên công tác ở các lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm tiêu cực, tham nhũng như: công tác quản lý cán bộ, quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính ngân hàng… Công tác kiểm tra thực hiện theo ba hình thức: Kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất và kiểm tra định kỳ. Việc kiểm tra thường xuyên được thực hiện thông qua trực tiếp trao đổi, đối thoại giữa người được phân công kiểm tra với đối tượng kiểm tra hoặc tìm hiểu thông qua cấp ủy nơi sinh hoạt, nơi cư trú, người thân của đối tượng kiểm tra. Kiểm tra đột xuất thực hiện và kết luận kịp thời khi có sự việc đột xuất xảy ra hoặc khi có yêu cầu của tổ chức đảng cấp trên đối với cán bộ, đảng viên; chủ yếu thông qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo. Kiểm tra định kỳ căn cứ vào kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Đảng của cơ quan, đơn vị.

Về phương pháp kiểm tra, xây dựng kế hoạch từng cuộc kiểm tra, quyết định thành lập đoàn kiểm tra và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Thông báo cho tổ chức đảng quản lý cán bộ, đảng viên được kiểm tra để phối hợp và chuẩn bị báo cáo, cung cấp tài liệu cho đoàn kiểm tra. Đoàn kiểm tra tiến hành thẩm tra, xác minh theo các nội dung thẩm tra. Tổ chức đảng quản lý cán bộ, đảng viên được kiểm tra tổ chức họp nghe thông báo kết quả thẩm tra, xác minh, tiến hành thảo luận để đoàn kiểm tra hoàn chỉnh báo cáo kết quả kiểm tra. Tổ chức đảng tiến hành kiểm tra (cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, các ban của cấp ủy, ủy ban kiểm tra, chi bộ) họp thảo luận, kết luận và thông báo đến cán bộ, đảng viên được kiểm tra, tổ chức đảng quản lý cán bộ, đảng viên để chấp hành. Lập và lưu trữ hồ sơ của kiểm tra; phân công cán bộ giám sát việc chấp hành kết luận kiểm tra, quyết định kỷ luật (nếu có) sau kiểm tra.

Căn cứ kết quả kiểm tra, tổ chức đảng có thẩm quyền, có trách nhiệm biểu dương khen thưởng cán bộ, đảng viên thực hiện tốt việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; phổ biến nhân rộng gương điển hình. Chấn chỉnh, nhắc nhở, uốn nắn cán bộ, đảng viên có khuyết điểm hoặc biểu hiện vi phạm đạo đức lối sống; nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, chi bộ tiến hành xem xét kết luận, xử lý hoặc chuyển ủy ban kiểm tra tiến hành kiểm tra. Tổ chức đảng tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên sửa chữa khuyết điểm, vi phạm và khắc phục hậu quả, đồng thời yêu cầu báo cáo việc khắc phục, sửa chữa.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng theo dõi việc thực hiện Quy định này, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện với Ban Bí thư. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo Ban Bí thư (qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương) để bổ sung sửa đổi. 

Quy định này được phổ biến đến chi bộ.

 

T/M BAN BÍ THƯ

 

(Đã ký)

 

Trần Quốc Vượng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác