NGHỊ QUYẾT
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
--------
VỀ VIỆC SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN VÀ CẤP XÃ
I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975 đến nay, đơn vị hành chính các cấp ở nước ta đã được điều chỉnh, sắp xếp lại phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và đã đạt được một số kết quả tích cực góp phần phát huy nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc chia, tách đơn vị hành chính các cấp thời gian qua đã nảy sinh một số bất cập và hạn chế. Nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực của địa phương và Trung ương cho phát triển kinh tế - xã hội bị phân tán, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở địa phương tăng; ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy, xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc tăng; đại đa số các đơn vị cấp huyện, cấp xã thu ngân sách tại địa phương không đủ cân đối chi thường xuyên, chủ yếu Trung ương phải hỗ trợ.
Những bất cập, hạn chế nêu trên có các nguyên nhân cơ bản là: Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý đơn vị hành chính chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, nhiều văn bản không còn phù hợp nhưng chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chậm được điều chỉnh, bổ sung. Cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội đã thúc đẩy đô thị hoá, tạo nên tâm lý muốn chia tách, thành lập đơn vị hành chính mới.
II- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Quan điểm chỉ đạo
- Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ; thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm, cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, chắc chắn, nơi đã rõ, có điều kiện thuận lợi thì làm trước; phù hợp với quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, không gây xáo trộn lớn. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng; tuân thủ Hiến pháp.
- Gắn sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội trong từng địa phương và trên phạm vi toàn quốc; nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của nhân dân.
- Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền; kiên trì vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
- Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vừa căn cứ theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số; đồng thời, phải chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội.
- Trong quá trình thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải đồng thời giải quyết chế độ, chính sách hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức có liên quan và có lộ trình bố trí, sắp xếp hợp lý đểbảo đảm đúng số lượng quy định.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
b) Mục tiêu cụ thể
- Từ nay đến năm 2021: Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Ngoài đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn trên, khuyến khích việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu của địa phương, khi bảo đảm yếu tố thuận lợi và được đa số nhân dân đồng thuận.
- Từ năm 2022 - 2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019 - 2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp vớiQuy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.
3. Lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2021
a) Năm 2019
- Sửa đổi và ban hành mới các quy định pháp luật (trong đó có quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã) làm cơ sở cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; bố trí nguồn kinh phí xây dựng đề án và giải quyết các chế độ, chính sách cho những đối tượng bị tác động do sắp xếp đơn vị hành chính.
- Cơ bản sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Đồng thời, sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp và giải quyết chế độ, chính sách đối với những đối tượng bị tác động do sắp xếp các đơn vị hành chính.
b) Năm 2020 và năm 2021
- Lãnh đạo, chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp.
- Tổng kết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch, lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn cho giai đoạn tiếp theo.
4. Nhiệm vụ, giải pháp
a) Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm đồng bộ, đơn giản hoá thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng chính đáng, hợp lý của đa số nhân dân. Trước mắt áp dụng cho các đơn vị thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021; sau tổng kết, tiếp tục hoàn thiện phục vụ cho giai đoạn tiếp theo.
b) Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản quy định pháp luật về sắp xếp tổ chức bộ máy; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các chế độ, chính sách cho những đối tượng bị tác động khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tạm dừng việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với những địa phương trong kế hoạch thực hiện đề án sắp xếp lại.
c) Xây dựng và phê duyệt Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm đến năm 2030 các đơn vị hành chính trong cả nước cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
d) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
đ) Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu đề cao trách nhiệm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức triển khai thực hiện. Kết quả thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp theo quy định là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu.
e) Xây dựng khung danh mục vị trí việc làm để các địa phương tiến hành xây dựng vị trí việc làm. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước và phù hợp với thực tế. Thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch trong việc rà soát, đánh giá, xếp loại, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các tổ chức trong bộ máy hệ thống chính trị, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực để đảm nhận những vị trí công việc tại những đơn vị hành chính mới. Quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do sắp xếp. Chậm nhất sau 5 năm kể từ khi cấp có thẩm quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất thì biên chế và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định.
g) Các ban, bộ, ngành có liên quan kịp thời hướng dẫn chính quyền địa phương các cấp triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan nhân thân hoặc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
h) Chính phủ bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho các địa phương trong việc xây dựng đề án và thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra bảo đảm việc sử dụng kinh phí đạt hiệu quả cao nhất.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các tỉnh ủy, thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết; xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án, kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết này và phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương.
2. Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương có liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Nghị quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kịp thời đề xuất, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện.
3. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trước mắt, nghiên cứu, kịp thời ban hành các văn bản cần thiết theo thẩm quyền phục vụ cho việc sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021, nhất là việc ban hành văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cụ thể hoá Nghị quyết này và kịp thời ban hành Nghị quyết cho các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được sắp xếp lại theo đề nghị của Chính phủ.
4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, vận động trong đoàn viên, hội viên và nhân dân để tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và tổ chức giám sát quá trình triển khai thực hiện.
5. Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, hướng dẫn việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
TỔNG BÍ THƯ
Nguyễn Phú Trọng
|
Tải file tại đây: Nghị quyết số 37-NQ/TW