Thứ Ba, 16/4/2024
Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Vừa qua, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (Chỉ thị 11), Ban Bí thư kết luận như sau:

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 11 đã đạt được kết quả quan trọng. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã có chuyển biến mạnh mẽ; chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng cao; tổ chức Hội khuyến học được củng cố và phát triển, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực trong cả nước. Tuy nhiên, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa phát triển theo chiều sâu; chất lượng và hiệu quả còn một số hạn chế, nhất là việc giáo dục cho người lớn.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp tiếp tục quán triệt sâu rộng, thực hiện nghiêm Chỉ thị 11, đồng thời quán triệt và thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước

Việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể nhân dân các cấp, trước hết là người đứng đầu. Phát huy và quy định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Chỉ thị 11, gắn với việc đánh giá kết quả công tác hằng năm. Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị 11 và Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân.

2. Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền

Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Lồng ghép một số chuyên đề về công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trong chương trình giáo dục chính trị tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, trung tâm bồi dưỡng chính trị. Phối hợp các lực lượng xã hội, các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia tích cực hơn nữa vào công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; kịp thời biểu dương gương sáng tự học, tự học thành tài để lập thân, lập nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và chất lượng, hiệu quả công việc, góp phần phát triển bền vững gia đình, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới; tuyên dương và nhân rộng các mô hình hay, phong trào hoạt động tốt về công tác này.

3. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội

Mỗi tổ chức cần có biện pháp phù hợp thúc đẩy việc học tập suốt đời của các thành viên, hội viên trong tổ chức để góp phần cùng với gia đình, dòng họ, thôn bản, tổ dân phố, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu, bệnh viện, đơn vị lực lượng vũ trang… không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, coi đó là nội dung quan trọng trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Hội khuyến học tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” trong các cơ quan, trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… và trong lực lượng vũ trang.

4. Phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập, chú trọng đào tạo từ xa

Củng cố và phát triển các tổ chức hội khuyến học ở các cộng đồng dân cư; phát triển tổ chức khuyến học trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu và trong lực lượng vũ trang, tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời sôi nổi và rộng khắp trong cả nước, gắn kết, các tiêu chí công nhận mô hình học tập, công dân học tập, gia đình học tập, đơn vị học tập… với việc công nhận các mô hình văn hóa, với các danh hiệu thi đua.

Phát huy, sử dụng có hiệu quả các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường, các thiết chế văn hóa ở cơ sở theo hướng chú trọng các hoạt động học tập; đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân.

Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên; giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá trong các cơ sở giáo dục thường xuyên phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Chú trọng phát triển đào tạo từ xa theo hướng coi trọng chất lượng và hiệu quả phù hợp với xu thế phát triển giáo dục trên thế giới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy và học; hỗ trợ cho người học có thể học từ xa, tự học, tạo điều kiện thuận lợi cho người học có thể học tập suốt đời.

5. Tiếp tục xóa mù chữ cho người lớn, thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động

Nâng cao tỷ lệ và chất lượng xóa mù chữ cho người lớn gắn với việc phổ cập nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối với người dân tộc thiểu số và phụ nữ. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, củng cố kết quả mù chữ, chống tái mù để mọi người, mọi lứa tuổi đều có quyền học tập suốt đời phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân, với yêu cầu phát triển của địa phương, đất nước.

Nghiêm túc thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh phù hợp với đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị. Khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã học ngoại ngữ; cán bộ công tác tại vùng có đông đồng bào dân tộc thì bắt buộc phải biết tiếng dân tộc. Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, phải đổi mới chương trình, tài liệu giảng dạy, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, người lao động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu đồi mới công nghệ, lao động năng động, sáng tạo trong điều kiện nền kinh tế số hiện nay. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề và kỹ năng sống cho người lao động.

6. Đổi mới cơ chế tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng công dân học tập, đơn vị học tập và tỉnh, thành phố học tập

 Rà soát và bổ sung cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập; tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, tôn vinh các tập thể, cá nhân đóng góp các nguồn lực cho giáo dục và đào tạo, cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí để củng cố, phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã; tạo thuận lợi cho các trung tâm học tập cộng đồng tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, đào tạo nghề, xây dựng xã hội học tập thật sự hiệu quả.

Từng bước tổ chức xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” ở cấp quận, huyện, ở cơ quan, đơn vị; mô hình “Tỉnh học tập”, “Thành phố học tập”, “Công dân học tập” theo các tiêu chí được Chính phủ phê duyệt. Thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với những tài năng trẻ trong học sinh, sinh vien để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành của đất nước.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là đối với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO); nghiên cứu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan nghiên cứu quốc tế về công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Chủ động, tích cực tham gia mạng lưới “Thành phố học tập” do UNESCO điều hành.

Mở rộng, tăng cường liên kết đào tạo với những cơ sở đào tạo của nước ngoài có uy tín, đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo. Khuyến khích việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước. Vận động đội ngũ trí thức tài năng là người Việt Nam ở  nước ngoài đóng góp với hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.

8. Tổ chức thực hiện

- Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp tổ chức thực hiện và động viên nhân dân tích cực thực hiện tốt Kết luận này.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và  tổ chức triển khai thực hiện Kết luận; định kỳ báo cáo tình hình và khi cần thiết đề xuất với Ban Bí thư.

Kết luận này được phổ biến đến chi bộ.

                                                                                                         T/M BAN BÍ THƯ

                                                                                                                (Đã ký)

                                                                                                       Trần Quốc Vượng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất