Thứ Hai, 23/12/2024
Bản sắc văn hoá của dân tộc M’Nông
Nghi lễ cắm nêu cúng lúa của người M’nông, Đắk Nông
Là cư dân bản địa, sống gần gũi với thiên nhiên, cho đến nay, người M’Nông vẫn tồn tại niềm tin vào tín ngưỡng đa thần. Họ tin rằng, thần linh trú ngụ khắp nơi: Thần đất phù hộ cho gia đình; thần đá bếp giữ lửa ấm, nấu ăn; thần rừng nuôi chim thú cung cấp lương thực cho con người; thần núi; thần suối, thác nước giữ nguồn nước cho bon (buôn) làng; thần lúa và thần hoa màu cho vụ mùa bội thu, cây cối tươi tốt; thần sét ở trên trời trừng phạt kẻ làm điều xấu. Theo phong tục, cứ sau một mùa rẫy là các bon làng người M’Nông lại tổ chức các nghi lễ - lễ hội, nhằm tạ ơn các vị thần linh, trời đất, tạ ơn tổ tiên ông bà đã phù hộ cho mọi người lúa thóc đầy bồ, heo bò đầy sân, chật bãi. Những lễ hội như: lễ hội rượu cần, mừng lúa mới, lễ cưới hỏi, lễ trưởng thành, lễ cúng voi ...mang bản sắc của một cộng đồng sinh sống bằng nông nghiệp trồng lúa nước, săn bắn, hái lượm…Bà Lương Thị Sơn, Giám đốc Bảo tàng dân tộc tỉnh Đắc Lắc, cho biết: “Bây giờ còn tồn tại nhiều lễ hội như: lễ cúng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ cầu mùa. Tuy nhiên, có một nghi lễ lớn được đồng bào coi trọng là lễ bỏ mả. Lễ bỏ mả hiện vẫn phổ biến ở vùng Ea sup và Buôn Đôn của tỉnh Đắc Lắc. Một lễ hội lớn nữa là lễ hội đua voi của người M’Nông, đến nay gần như trở thành lễ hội của cả tỉnh. Ngoài ra còn có lễ hội tắm cho voi, cúng sức khoẻ cho voi..”

Lễ bỏ mả (nghi lễ tiễn biệt người chết) được người M’Nông rất coi trọng, vì theo quan niệm của người M’Nông, một người vừa qua đời thì linh hồn của họ vẫn giữ mối liên hệ với người sống. Do vậy, sau khi người chết được an táng, gia đình vẫn làm lễ cúng cơm. Phải sau 3-5 năm sau, dân trong Bon làng mới tổ chức lễ bỏ mả. Theo phong tục: sau lễ bỏ mả tiễn biệt người chết, người ta không bao giờ nhắc đến người chết nữa và cho rằng người chết đã đến một thế giới khác. Nghi lễ bỏ mả gồm các nghi lễ diễn xướng tổng hợp: đánh cồng chiêng, múa, hát, múa rối và cả các các trò chơi dân gian… Bà Nguyễn Thị Ngọc, chuyên viên nghiên cứu dân tộc ở tỉnh Đắc Lắc, cho biết: “Tuỳ điều kiện kinh tế của gia đình mà họ làm lễ bỏ mả. Gia đình mổ heo, gà đãi dân làng, phân công người vào trong rừng lấy gỗ tạc tượng (gọi là tượng nhà mồ). Các tượng này luôn gắn với cuộc sống của người chết như: tượng voi, chim thú, người giã gạo, cho con bú, tượng người ôm mặt khóc hay tượng người đánh trống… thể hiện tình cảm với người chết.. .

Cho đến bây giờ dân tộc M’ Nông vẫn bảo lưu được nhiều nét bản sắc văn hoá đặc trưng của mình, trong đó người M'Nông ở Buôn Đôn vẫn duy trì nghề thuần d­ưỡng voi nổi tiếng. Đặc biệt là họ vẫn bảo tồn được những làn điệu dân ca giàu chất trữ tình và các bộ sử thi. Trong đó bộ sử thi “Ót N’Rông” của dân tộc M’ Nông được coi là bộ sử thi lâu đời và cổ xưa nhất, phản ánh tiến trình phát triển của xã hội các dân tộc Tây Nguyên trong đó có người M’Nông.

Cộng đồng người M’Nông nhiều nơi hiện vẫn giữ gìn được những sinh hoạt văn hoá đặc trưng của dân tộc mình và chính quyền, các ngành chức năng ở các địa phương cũng rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống này. Bà Lương Thị Sơn, Giám đốc Bảo tàng dân tộc tỉnh Đắc Lắc cho biết thêm: “Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp hình thức để bảo tồn, ngành văn hoá phục dựng các lễ hội truyền thống, tổ chức truyền dạy nghề, dạy múa, đánh chiêng, các lớp truyền dạy sử thi. Điều quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bà con để người dân cảm thấy yêu văn hoá truyền thống của mình”.

Tại các địa phương, các cơ quan chức năng còn mở các trại sáng tác âm nhạc, văn học, hội họa, nhiếp ảnh, hội thi dân ca, dân vũ, thi hát kể sử thi... Các hoạt động thiết thực này đã và đang giúp đồng bào dân tộc M’Nông giữ gìn được nét đặc trưng của văn hóa của dân tộc mình trong xu thế hội nhập và phát triển./.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi