Thứ Bảy, 23/11/2024
Lưu giữ nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc H'Mông
Người dân H'Mông thối khèn đón Tết.

Đây cũng là dịp khởi đầu cho nam nữ thanh niên vui Xuân, thổi khèn gọi bạn, ném pa pao, đánh tu lu (đánh quay), chơi kéo co, trò chơi rồng ấp trứng.

Phụ nữ dân tộc H'Mông được dịp trổ tài chế biến các loại bánh bằng bột ngô, bột gạo, giã bánh dày, làm bánh mèn mén. Người già thì cùng nhau uống rượu ngô, thăm hỏi, chúc tụng nhau trong ngày đầu năm mới mọi sự tốt lành.

Nét văn hóa độc đáo

Người dân tộc H'Mông ở tỉnh Sơn La hiện nay chiếm 13% dân số của tỉnh (khoảng 130.000 người) sinh sống ở hầu khắp các huyện, nhưng tập trung đông nhất ở các huyện vùng cao Bắc Yên, Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã và Sốp Cộp.

Trang phục của họ rất sặc sỡ, đa dạng, hội tụ đầy đủ những nét tiêu biểu, đặc trưng của đồng bào dân tộc H'Mông.

Chị Giàng Khánh Ly, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La), giải thích nhìn vào trang phục của phụ nữ là người ta có thể nhận thấy sự khác biệt giữa các nhóm trong đồng bào dân tộc H'Mông.

Phụ nữ H'Mông Trắng với chiếc váy màu trắng đặc trưng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay, yếm sau. Họ thường cạo tóc, để chỏm, đội khăn rộng vành.

Còn phụ nữ H'Mông Hoa mặc váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu. Họ để tóc dài, vấn tóc cùng tóc giả (lông đuôi ngựa).

Phụ nữ dân tộc H'Mông Ðen mặc váy đen nhuộm chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực.

Nếu là phụ nữ dân tộc H'Mông Xanh, khi đã có chồng thì cuốn tóc lên đỉnh đầu, cài bằng lược móng ngựa, đội khăn ra ngoài tạo thành hình như hai cái sừng. Họ trang trí trên y phục chủ yếu bằng đắp ghép vải màu, hoa văn thêu chủ yếu hình con ốc, hình vuông, hình quả trám, hình chữ thập.

Còn trang phục nam giới, nổi bật là chiếc quần xanh sĩ lâm ống rất rộng, đũng trễ so với các tộc khác trong vùng, đầu thường chít khăn tổ ong màu trắng, áo cánh ngắn ngang thắt lưng, thân hẹp, ống tay hơi rộng.

Hành trang của người đàn ông dân tộc H'Mông bao giờ cũng có chiếc khèn, được chế tác từ sáu ống nứa ghép với nhau qua một chiếc bầu gỗ.

Chiếc khèn có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân tộc H'Mông. Trước đây, nó là công cụ “gọi hồn” để người chết biết tìm đường về với tổ tiên, họ hàng. Bây giờ chiếc khèn còn là thứ nhạc cụ để múa hát trong những ngày lễ hội, Tết cổ truyền và là phương tiện để tỏ tỉnh đối với chàng trai dân tộc H'Mông.

Anh Tráng A Chứ, ở xã Vân Hồ, nói vui: “Đồng bào dân tộc H'Mông coi chiếc khèn như người bạn tâm tình, đặc biệt là những ngày Tết. Thanh niên dân tộc H'Mông ai cũng biết thổi, nếu chưa biết thổi khèn thì coi như chưa phải là đàn ông dân tộc H'Mông đích thực.”

Rồi A Chứ lấy khèn ra thổi. Lúc đầu, tiếng khèn trầm bổng, ngập ngừng. Sau đó có Giàng Páo, A Nếnh, Bả Mua, những thằng bạn thân của Chứ cùng mang khèn ra cùng thổi. Họ vừa thổi vừa “tha kềnh” làm cuốn hút mọi người xem.

Theo tiếng H'Mông, “Tha” là nhảy, “kềnh” là khèn, “tha kềnh” nghĩa là nhảy khèn. Chiếc khèn được coi như biểu tượng cho văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc H'Mông, được các nghệ nhân tài hoa chế tác một cách khéo léo, sắp xếp, có sự tính toán để âm thanh phát ra đủ cung bậc trầm bổng.

Chiếc khèn gắn với “tha kềnh” như hai yếu tố không thể tách rời, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào H'Mông trên miền núi cao.

“Tha kềnh” bắt nguồn từ việc làm đám ma tiễn đưa người đã khuất về cõi âm. Nhưng cũng có thể là múa khèn trong dịp đón Xuân.

Những lúc vui Tết như thế này, người thổi khèn sẽ thổi những bài nhạc có giai điệu tươi vui, kể về đời sống lao động, sản xuất, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình bạn bè thắm thiết.

“Tha kềnh” ngày càng cuốn hút, gọi mời nhiều người đến xem và tham gia tạo thành vòng trong, vòng ngoài. Họ nhảy quanh những người thổi khèn, từng bước nhún nhảy, xoay vòng theo nhịp khèn.

Các cô gái trong áo váy mới súng sính, điệu đà cầm chiếc khăn voan mỏng, chiếc ô nhỏ màu sắc hòa vào điệu nhảy, váy hoa bồng bềnh theo nhịp bước. Theo tiếng khèn, họ hát cho tâm hồn trẻ lại, cho trai gái tìm đôi:

“Gió thổi về lá cây bên khe/Nếu ta là hạt mưa sương/Ta xin tan trên bàn tay nàng/Gió thổi lá cây lật ngả nghiêng bên suối/Nếu ta là hạt mưa sương/Ta xin tan dưới bàn chân nàng.”

Người H'Mông say đắm dân ca dân tộc mình. Những bài dân ca không chỉ được truyền miệng từ đời này sang đời khác, mà cái chất thơ trong Tiếng hát tình yêu (gầu plềnh), Tiếng hát cưới xin (gầu xuồng), Tiếng hát làm dâu... vẫn được bảo tồn cùng thời gian.

Những ngày Tết, hội Xuân này không thể thiếu vắng những lời hát đó. Đặc biệt, hội Gầu tào (đón năm mới), những bài hát dân ca này không chỉ dành cho người có tuổi hát, mà còn được nam thanh nữ tú, thiếu nhi người dân tộc H'Mông hát.

Nếp sống mới

Năm 2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La chuyển thể nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" thực hiện trong vùng đồng bào dân tộc H'Mông sao cho ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện, cụ thể hóa bằng câu nói cửa miệng của người dân tộc H'Mông: "Chi mùa, chi khoong" tức là năm có, năm không.

Thực hiện “năm có” là có áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; có tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, các dân tộc; có nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội; có ý thức xây dựng bản làng phát triển toàn diện; có nhiều người hiếu học, biết chữ.

Cam kết “năm không” là không du canh du cư, vượt biên trái phép; không truyền, học đạo trái pháp luật, trái với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; không để người chết nhiều ngày trong nhà; không trồng cây thuốc phiện, không buôn bán, vận chuyển, sử dụng các chất ma túy và không tảo hôn, sinh nhiều con.

Những nội dung này được tuyên tuyền, phổ biến đến từng bản, giúp bà con nhận thức rõ tầm quan trọng của bản cam kết và thực hiện một cách có hiệu quả.

Ông Tráng A Lứ, một cán bộ có uy tín trong đồng bào dân tộc H'Mông giải thích trước đây trong gia đình dân tộc H'Mông có đám tang thường mổ rất nhiều trâu bò, lại không cho người chết vào áo quan và để nhiều ngày mới mang đi chôn, thì nay với cam kết “năm có, năm không,” nhiều dòng họ đã tổ chức tang lễ gọn nhẹ, không tốn kém, chỉ mổ một con lợn, nhà có điều kiện lắm cũng chỉ mổ 1-2 con trâu hay bò. Người chết không để quá 48 giờ và được đưa vào áo quan. Đặc biệt tục thách cưới bằng bạc trắng cũng được xóa bỏ.

Ông Giàng Khưa Nếnh, Trưởng dòng họ Giàng, bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú (huyện Bắc Yên) cho biết trước đây con cái mới 13-14 tuổi bố mẹ đã lấy vợ, gả chồng cho và thách cưới từ 20-30 đồng bạc trắng.

Từ khi thực hiện cam kết “năm có, năm không,” người họ Giàng đã hạn chế việc tảo hôn, không thách bạc trắng. Trong đám cưới nhà gái chỉ lấy từ 1-2 triệu đồng, đa số các cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con.

Dân tộc H'Mông là một trong những dân tộc giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Để bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc H'Mông, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền địa phương các cấp cần có kế hoạch cụ thể nhằm tổ chức, khai thác, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, độc đáo của đồng bào dân tộc H'Mông./

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi