Thứ Tư, 22/1/2025
Chùa am Ngọa Vân - nơi tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông

Nơi lịch sử ngưng đọng

Ngọa Vân Tự nghĩa là “chùa nằm trên mây”. Ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển, chùa có địa thế đẹp, tựa lưng vào đỉnh Ngọa Vân mây phủ, có hai dãy núi ôm vòng hai bên, phía trước có ngọn núi nhỏ làm án, phía xa là thung lũng với dòng sông Cầm uốn quanh. Chùa được xây dựng vào thời Trần, được tôn tạo vào thời Hậu Lê. Kiến trúc của khu vực chùa có ba lớp. Trên cùng là am Ngọa Vân. Trong am có bệ thờ, trên đặt tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế nhập Niết bàn.


 Toàn cảnh chùa Ngọa Vân

Theo các tư liệu lịch sử thì ngay từ buổi đầu giành và củng cố quyền lực đất nước, triều Trần đã dựa vào Phật giáo, lấy Yên Tử làm cơ sở của mình. Trong thời gian tu khổ hạnh ở núi Yên Tử, Trần Nhân Tông đã chọn am Ngọa Vân trên ngọn núi Bảo Đài của dãy Yên Tử làm nơi tĩnh thiền.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 5 năm 1307, Trúc Lâm Đại Sĩ (tên hiệu của Phật hoàng) đã lên tu tại một am trên đỉnh Ngọa Vân - một đỉnh cao quanh năm mây phủ nằm trên núi Bảo Đài thuộc dãy Yên Tử linh thiêng. Ngày 1 tháng 11 năm 1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nhập niết bàn tại am Ngọc Vân (nay thuộc xã An Sinh và xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Sau khi đệ nhất tổ Trúc Lâm qua đời, các thế hệ sau đã xây dựng lại am Ngọa Vân để thờ cúng Ngài, đồng thời cũng xây dựng chùa và các công trình kiến trúc tôn giáo khác để thờ Phật và thực hiện việc hành đạo.

Di tích Ngọa Vân ngày nay là một quần thể chùa tháp lớn được bố trí thành 3 lớp trên núi Bảo Đài. Lớp thấp nhất là 15 di tích dưới chân núi như: khu rừng già Tàn Lọng, Phủ Am Trà, Đô Kiệu, Thông Đàn, Đá Chồng, Ba Bậc… Những di tích này được kết nối với nhau bằng một con đường uốn lượn chạy dần lên đỉnh núi.


 Tháp Phật hoàng- Nơi lưu giữ một phần xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Lớp thứ 2 của khu di tích là chùa Ngọa Vân Trung nằm ở sườn phía Nam của núi Bảo Đài. Sau khi được trùng tu xây dựng trên nền chùa cũ vào năm 2014, Ngọa Vân Trung ngày nay là một ngôi chùa khang trang với lối kiến trúc kiểu chữ Nhị (mô phỏng kiến trúc của chùa Ngọa Vân được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng) và được tạo thành bởi hai tòa chính: Tiền đường và Hậu đường. Chùa Ngọa Vân Trung cũng được xem là khu vực trung tâm của lễ hội xuân Ngọa Vân (diễn ra từ mùng 9 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm). Những nghi lễ quan trọng của lễ hội như lễ hội khai xuân, lễ cầu quốc thái dân an… đều được tổ chức tại chùa Ngọa Vân Trung.

Lớp thứ 3, cũng là lớp cao nhất của di tích Ngọa Vân, là nơi được người xưa ca tụng: “Vạn cổ anh linh tự/ Tứ thời cảnh sắc tân” (Dịch thơ: “Muôn thuở chùa linh ứng/Bốn mùa cảnh sắc tươi”). Đỉnh núi huyền ảo, quanh năm mây phủ này chính là nơi còn lưu giữ được nhiều dấu tích thiêng liêng liên quan đến những ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông, như chùa Ngọa Vân Thượng, Am Ngọa Vân - nơi mà theo truyền thuyết, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nhập cõi niết bàn trên một tảng đá lớn trong dáng nằm sư tử, Phật hoàng Tháp - nơi lưu giữ một phần xá lị của Phật hoàng và Bàn Cờ tiên nằm trên đỉnh cao nhất, nhìn ra xung quanh là một vùng núi nơn sơn thủy hữu tình.

Tuyệt tác của thiên nhiên còn nguyên sơ

Không chỉ lưu giữ những dấu tích thiêng liêng về Phật hoàng Trần Nhân Tông, khu di tích Ngọa Vân còn là một nơi có khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ và tuyệt đẹp. Nằm trong khu vực vòng cung Đông Triều, Ngọa Vân như được bao bọc, ôm ấp bởi những ngọn núi xanh mướt, trùng trùng điệp điệp. Thảm thực vật nơi đây gần như còn nguyên vẹn với rất nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm. Đến với Ngọa Vân, người ta có dịp được chiêm người những cây thông trăm tuổi, những rừng trúc bạt ngàn.

Đến am Ngọa Vân theo con đường cổ là đi dọc suối phủ Am Trà, lên dốc Đô Kiệu, qua khu Thông Đàn rồi lên chùa.


 Khung cảnh tuyệt đẹp trước chùa Ngọa Vân

Thông Đàn, cái tên này được giải thích do khi xưa, đây là một dải rừng chỉ trồng toàn thông. Khi đến đây, tiếng thông reo vi vu trong gió tựa có cả dàn nhạc đang được tấu lên. Từ xưa, các thiền sư đã lựa chọn nơi này để an táng sau khi viên tịch. Cũng giống như ở chùa Vân Tiêu bên Yên Tử (TP. Uông Bí) có một nét phong thủy rất đặc trưng, đó là khối kiến trúc gồm một tòa tháp mộ của các thiền sư đều tọa giữa hai gốc cây thông cao vút. Các thiền sư đã giải thích: Sở dĩ vậy vì theo quan niệm của người phương Đông, tùng vốn là cây thiêng, sống lâu năm, có khả năng hút linh khí của trời đất, việc tọa thiền dưới gốc tùng sẽ làm tăng công năng tu tập của mỗi thiền sư. Thêm một nguyên nhân nữa, theo kinh Phật, khi đức Phật Thích Ca nhập niết bàn ở Kushinagar (Ấn Độ), ngài nằm ở giữa hai cây Ta la song thọ đang nở hoa trắng...

Hành hương lên đỉnh Ngọa Vân, thắp một nén nhang chiêm bái Phật hoàng rồi bước ra sân tiền đường, cả một vùng núi non tuyệt đẹp nằm xen lẫn trong mây trắng mở ra trước mắt như một bức tranh thủy mặc. Đó là lúc con người ta như được trở về với tất cả những gì đẹp đẽ, nguyên sơ nhất trong tâm hồn. Cũng là món quà mà đất Phật Ngọa Vân ban tặng cho mỗi người khi có dịp thưởng ngoạn nơi này./.

(langvietonline.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi