Đối với người dân xã Quảng Điền (huyện Krông Ana), hát bài chòi không
chỉ là trò chơi dân gian không thể thiếu vào mỗi dịp lễ, tết mà còn là hoạt động
để giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của người dân xứ Quảng nơi đây.
Với chủ trương bảo tồn và phát huy những giá trị
văn hóa của nhân dân, năm 2008, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền
địa phương, Hội Người cao tuổi xã Quảng Điền đã thành lập Hội hát bài chòi tại
địa phương. Để hoạt động được bài bản, Hội đã cử người về quê hương của bài chòi
là Hội An (Quảng Nam) để học hỏi. Ông Trần Phong Lưu, đội 3, thôn 3 cho biết:
Quê gốc của những người dân ở đây chủ yếu là Thăng Bình, Điện Bàn (Quảng Nam),
vào đây lập nghiệp cũng đã hơn 40 năm. Do đó, về cách thức hát bài chòi chủ yếu
là những người lớn tuổi ngày nhỏ được xem, nghe hội bài chòi ngoài quê chứ không
được truyền đạt bài bản. Khi thành lập Hội hát bài chòi, mỗi thành viên nhớ được
một ít nhưng vẫn chưa đủ và đúng với truyền thống nên Hội đã cử người về lại Hội
An, Quảng Nam để sưu tập và học lại cách thức tổ chức hát bài chòi. Ông Lưu hào
hứng: “Hiện Hội đã có đầy đủ bộ bài chòi gồm 3 pho là: pho văn, pho vạn và pho
sách. Mỗi pho có 10 lá và thêm vào 3 lá nữa là: ông ầm đen, tử cẳng đen và cửu
điều đen. Do đó bộ bài chòi đã đầy đủ 33 lá”.
|
Một buổi biểu diễn của hội viên Hội hát bài chòi Quảng Điền
|
Thường thì hội hát bài chòi của xã sẽ được tổ
chức vào những ngày lễ, tết, nhưng các thành viên trong Hội vẫn thường xuyên tập
luyện để biểu diễn. Đặc biệt là vào những ngày Tết, khi khởi trống khai hội bài
chòi, người dân trong xã tập trung về hội trường thôn để cùng tham gia ngày hội.
Hội bài chòi của xã thường được dựng 3 chòi gồm 2 chòi hai bên và 1 chòi ở giữa.
Khi vào hội, luôn có từ 4 đến 5 người luân phiên nhau hát biểu diễn cho bà con.
Bắt đầu một hội bài chòi, ai có tên quân cờ trên thẻ trùng với tên quân cờ người
hiệu vừa xướng thì hô to báo hiệu, lập tức một người mang cờ chạy đến trao cho
người đó một lá cờ nhỏ màu vàng. Ván chơi kết thúc khi một trong những người
chơi có đủ 3 lá cờ vàng. Người chiến thắng sẽ nhận được một món quà từ ban tổ
chức. Nhạc cụ của chương trình diễn xướng hô hát bài chòi gồm: đàn cò, kèn, một
trống chiến… Cách chơi đơn giản cùng với những câu hô hò, vè vui nhộn nên hầu
hết người dân ở đây ai cũng biết và thích chơi. Bà Nguyễn Thị Cúc, thôn 3, chia
sẻ: “Vào các dịp lễ, tết, khi ngoài thôn có tổ chức hội bài chòi là tui cùng mọi
người ra góp vui, chơi bài chòi và sinh hoạt văn nghệ thấy vui lắm. Có những gia
đình dẫn cả nhà từ 10 đến hơn 20 người cùng đến chung vui khiến không khí tại
đây luôn vui nhộn và háo hức”.
Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch HĐND xã Quảng Điền cho
biết, hiện toàn xã có 1630 hộ với 7736 khẩu, chủ yếu là người Quảng Nam lên xây
dựng kinh tế mới từ những năm 1976, 1977. Những năm gần đây, đời sống kinh tế
của nhân dân đã được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 là 23,4
triệu đồng. Do đó cùng với việc phát triển kinh tế, xã hội, chính quyền địa
phương đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của
nhân dân, trong đó có hội bài chòi truyền thống trong các dịp lễ, tết và tham
gia hội đua thuyền truyền thống. Đây là một trong những hoạt động để giữ gìn,
phát huy nét đẹp truyền thống của miền quê xứ Quảng mà cha ông đã để lại cho con
cháu.
Nguồn: baodaklak.vn/Hoàng Gia, 28/5/2015