Thứ Hai, 23/12/2024
Mùa thu trong tân nhạc

Đó là nhận định của nhà văn Nguyễn Trương Quý trong cuốn Còn ai hát về Hà Nội, bản ấn hành năm 2013. Nguyễn Trương Quý là tác giả của cuốn Một thời Hà Nội hát nằm trong vòng đề cử tác phẩm giải Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao và văn hóa.

Với những cuốn khảo cứu của mình, Nguyễn Trương Quý đã luôn có những cách dẫn dụ duyên dáng nhưng cẩn trọng về một góc trầm tích văn hóa Hà Nội. Xin giới thiệu với quý vị về những mùa thu trong Tân nhạc qua góc nhìn của Nguyễn Trương Quý, phần trích từ "Còn ai hát về Hà Nội".

"Ngoài việc chịu ảnh hưởng chung của văn thơ lãng mạn Pháp và thơ Đường, thì mùa thu quả thực đã trở thành đặc trưng như một hương vị đặc sản của Hà Nội. Mùa thu Hà Nội dù không có dấu ấn rõ rệt như lá phong đỏ hay sương giá như xứ lạnh, nhưng cái sự nhè nhẹ tinh tế trong đổi thay của đất trời nơi đây, nơi những mặt hồ xao động chút trước lá rung rinh trong hơi sương cũng đủ để các nhạc sĩ trải lòng mình.

Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng
Ôi vừa thoáng nghe em mơ ngay bước chân chàng
Từ từ xa đường vắng
Đêm mùa thu chết, nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng.

Em ngồi đan áo lòng buồn vương vấn, em thương nhớ chàng. 
Người ơi còn biết em nhớ mong, 
Tình xưa còn đó xa xôi lòng. 
Nhờ bóng chim uyên, nhờ gió đưa duyên 
Chim với gió bay về, chàng quên hết lời thề.

Áo đan hết rồi, cố quên dáng người, 
Chàng ngày nào tìm đến? 
Còn nhớ đêm xưa kề má say sưa
Nhưng năm tháng qua dần, mùa thu chết bao lần. 
Thôi tình em đấy, như mùa thu chết rơi theo lá vàng.
(Trích Buồn tàn thu – Văn Cao, 1939)


 Nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh: tư liệu

Buồn tàn thu chính là ca khúc đầu tay của Văn Cao, viết năm 1939 khi ông 16 tuổi. Bài ca vẫn mang hơi hướng Đường thi quen thuộc trong hình ảnh người thiếu phụ ngồi đan áo chờ chồng. Sự xuất hiện của mùa thu trong âm nhạc Văn Cao trở đi trở lại như một chủ đề, làm đậm lên chất cổ điển trong âm nhạc của ông.

Ông đã tâm sự: “Mùa thu gợi một cái gì đó về nam nữ, có lẽ là mùa cưới. Mùa cưới của chúng ta cũng lại vào mùa thu. Cái lành lạnh của mùa thu và những chiếc lá thay đổi màu cũng khiến tâm tính con người trở nên khác lạ”.

Khác với Buồn tàn thu, một ca khúc thu khác của Văn Cao là Thu cô liêu lại mang giai điệu êm đềm, dịu dàng nữ tính, với nhịp ba của điệu valse nhưng đầy chất thôn dã, đem lại vẻ mới mẻ trong dòng nhạc đa phần tràn ngập âm hưởng bi ai, cho dù có cái tên “cô liêu”.

Thu cô liêu, tịch liêu
Cô thôn chiều
Ta yêu thu, yêu mùa thu

Vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi.
Một mùa thi, một mùa thi
Lá thu rơi rụng buồn chi lá vàng.
Sương ướt lạnh vai, sương ướt lá
Đã từng nghe gió biết thu sang
Hồn theo cánh gió lướt bay tìm em
Một chiều êm, một chiều êm
(Thu cô liêu – Văn Cao, 1940)

Mùa thu Hà Nội thường bắt đầu từ tháng Tám âm lịch, mùa của những mùi hương: hương cốm, hương hoa sữa, hoa sấu, mùa của màu vàng hoa cúc, màu trắng sương giăng, mùa của vị ngọt trái hồng, của trái bưởi, của bánh trung thu…

Thực tế, thời tiết thu không trải dài liên tục, mà là những đợt chuyển mùa với gió heo may và những cơn mưa thu sầm sập. Mùa thu và lá vàng, dường như là một cặp bài trùng trong thơ ca từ Đông sang Tây, hằn lên khung cảnh Hà Nội. Thậm chí cặp bài trùng này còn theo chân những nhạc sĩ vào miền Nam, nơi chỉ có mùa mưa và mùa khô, mùa thu chỉ có trong tưởng tượng.


Năm 1953, nhạc sĩ Cung Tiến mới 18 tuổi khi vào Sài Gòn đã nhớ về Hà Nội mà viết nên bài hát Thu vàng đầy lãng mạn.

Chiều hôm qua lang thang trên đường, 
hoàng hôn xuống chiều thắm muôn phương 
Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng 
có mùa thu về tơ vàng vương vương

Một mình đi lang thang trên đường 
buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng 
Lòng xa xôi và sâu mênh mông, 
có nghe lá vàng não nề rơi không?

Mùa thu vàng tới là mùa lá vàng rơi 
và lá vàng rơi khi tình thu vừa tới 
Nhặt lá vàng rơi xem màu lá còn tươi 
nghe chừng như đây màu tê tái.

Chiều hôm qua lang thang trên đường 
nhớ nhớ buồn buồn với chán chường 
Chiều hôm nay trời nhiều mây vương 
có mùa thu vàng bao nhiêu là hương
(Thu vàng – Cung Tiến, 1953)

Nói đến âm nhạc về mùa thu Hà Nội, phải nói đến Đoàn Chuẩn. Ông là một nhạc sĩ đã chọn mùa thu làm bối cảnh cho hầu hết ca khúc của mình. Mùa thu đã là cái cớ để ông trải lòng mình về những mối tình trong cuộc đời, mà nhiều cuộc tình chỉ là tình nghệ sĩ thoảng hương, như rất nhiều mối tình nghệ sĩ của tuổi trẻ thời bấy giờ.

Nhưng mùa thu của Đoàn Chuẩn không chỉ là những cảm xúc lãng đãng mơ hồ, đó là bối cảnh của những cuộc tình chóng phai nhưng để lại vết thương lòng không hàn gắn. Gửi gió cho mây ngàn bay được viết năm 1952 là một tuyệt tác về mùa thu, về tình yêu, về một không gian Hà Nội xa xưa, những tà áo xanh đi qua cuộc đời người nghệ sĩ, một nỗi buồn mênh mang về cõi đời bất toàn.

Với bao tà áo xanh đây mùa thu 
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ 
Lá vàng từng cánh rơi từng cánh 
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa

Gửi gió cho mây ngàn bay 
Gửi bướm muôn màu về hoa 
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư 
Về đây với thu trần gian

Gửi gió cho mây ngàn bay 
Gửi phím tơ đồng tìm duyên 
Gửi thêm lá thư màu xanh ái ân 
Về đôi mắt như hồ thu

Thấy hối tiếc nhiều 
Thuyền đã sang bờ 
Đường về không lối 
Dòng đời trôi đã về chiều 
Mà lòng mến còn nhiều 
Đập gương xưa tìm bóng

Nhưng thôi tiếc mà chi 
Chim rồi bay, anh rồi đi 
Đường trần quên lối cũ 
Người đời xa cách mãi 
Tình trần khôn hàn gắn thương lòng

Gửi gió cho mây ngàn bay 
Gửi bướm đa tình về hoa 
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư 
Về đây với thu trần gian.
(Gửi gió cho mây ngàn bay – Đoàn Chuẩn & Từ Linh, 1952)"

(vovworld.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi