Thứ Hai, 14/10/2024
Gặt từ ký ức đồng quê


Bước qua cổng làng là cánh đồng; khi nục nạc luống cày, khi lênh loang mặt ruộng, khi xanh mởn lúa thì thiếu nữ, khi rộm vàng mùa gặt dâng dâng... Ra đi, trở về đều nhớ, nao nao nhớ cái mùi đồng quê, xa gần, mờ tỏ nhưng thân thiết vô cùng.

Mùi đồng quê là mùi đất mùa màng được bồi lên từ những dòng chảy mấy triệu năm. Dòng chảy giữa đôi bờ hoang vắng của những thiên thu chưa có dấu chân người đã tạo đắp nên những miền đồng ẩm ướt. Rộng là châu thổ. Châu thổ mênh mang như đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ bây giờ. Châu thổ mang tên những dòng chảy lớn lao, được gọi sông Hồng, sông Cửu Long. Hẹp thì chỉ là những cánh ruộng nằm xen giữa nhấp nhô núi đồi; bóng của những đỉnh chóp đổ xuống mùa màng nơi không bát ngát.

Lạ là rộng hay hẹp thì mùi đồng vẫn mang thương nhớ. Cái mùi đất ngai ngái, thênh thênh sau hồi cày vỡ. Cũng cánh đồng ấy, thửa ruộng ấy nhưng mùi đất chiêm, mùi đất mùa cũng chẳng thể giống nhau. Đất chiêm hanh hao và se buốt. Đất mùa nồng nã, chứa chan. Đất sau đêm không giống đất chiều buông và khi hoàng hôn dần phủ cánh đồng thì mùi đất dường như cũng ngập ngừng, bối rối. Đất lên mùi oi ả theo cái nắng chói chang, đất dịu hương khi trời lâm thâm mưa rắc hạt. Ngọn gió heo may lang thang qua đồng mang theo hơi đất man mác. Tôi thích ngủi mùi đất trong tiết giao mùa từ thu sang đông giữa cánh đồng the the gió sớm. Lớp sương mỏng lam mờ phảng phất quanh ta vừa hiện hữu vừa mơ hồ xao xuyến.

Cây lúa đương thì con gái. Ai là người đầu tiên nghĩ ra hình tượng này thật xứng danh là thi sĩ tài danh. Lúa con gái mởn xanh, tươi tắn như nét duyên thôn nữ quê nhà. Lúa con gái mảnh mai, mềm mại mà chứa chan bao hy vọng. Xưa nay đều thế cả, cấy ghé mạ hay gieo hạt thóc giống xuống bùn cũng phải trông trời, trông đất, trông mây... Ngọn sấm tháng ba ì ầm trổ cũng là lúc cây lúa rủ rỉ làm đòng. "Lúa chiêm ngấp nghé đầu bờ. Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên". Dân gian đúc kết kinh nghiệm rồi chuyển tải vào ca dao cho dễ nhớ, dễ thuộc, dễ lưu truyền từ đời này qua đời khác. Kinh nghiệm sản xuất mà ngân nga như một lời ru đất Việt. Bà ru. Mẹ ru. Em ru. Câu ru theo người lính vượt biển băng rừng, tình yêu quê hương đất nước đồng hành khôn nguôi cùng chiến sĩ.


Trong chớp bể mưa nguồn người lính vẫn không quên mùi đòng đòng tinh khôi nhè nhẹ. Trên cánh đồng ký ức. Muôn vàn ngọn đòng đòng mang trên nó ức triệu giọt sữa đất, tinh khôi thơm tho mùi ngọc ngà của đất trời ban tặng. Tôi hình dung ra một ban mai có tiếng chim chiền chiện lảnh lót lưng trời và không thể không có dáng hình em trong đó. Hình dung ấy gần gũi lắm, "Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát / Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông / Thân em như chẽn lúa đòng đòng / Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai...". Tôi yêu nhiều dân ca, ca dao quê mùa bởi trong đó ẩn chứa tâm hồn đất Việt. Mộc mạc mà thanh tao. Chân chất lại sâu đằm.

Tháng Năm. Tháng Mười. Mùa gặt. Cánh đồng rực vàng màu lúa chín. Bức tranh đồng quê no ấm hiện lên trước mắt. Cánh đồng dâng dâng mùi lúa sắp gặt. Bông lúa chín thơm lan tỏa vào trời đất, có trong từng cơn gió, có trong mỗi con người. Bông lúa chín uốn cong cong như một cử chỉ khiêm nhường, lễ phép, biết ơn bùn đất. Hương thơm bay gần, thoảng xa từ nửa vòng tròn có màu vàng ấm đó. Những hạt lúa chín nói với đất lời chia tay khi mùi hương đến độ căng đầy. Liềm hái rộn ràng mùa gặt. Khi những chiếc máy gặt đập liên hợp chưa xuất hiện trên đồng làng. Có máy rồi, tôi vẫn không hết nhớ thương liềm hái của mẹ, của những người nông dân chân lấm tay bùn. Mồng một lưỡi trai. Mồng hai lá lúa. Mồng ba câu liêm. Mồng bốn lưỡi liềm... Đến trăng cũng lưỡi liềm cơ đấy. Liềm trăng gặt được những gì giữa lồng lộng trời đêm. Cây liềm của mẹ gặt về cho chúng tôi bát cơm, manh áo, trang sách, quyển vở... Cây liềm của mẹ gặt về cho chúng tôi những tung tăng thơ ấu, những háo hức học trò và những bịn rịn khi mình đã lớn. Xa hơn và chưa khuất lấp giữa thế giới phẳng bây giờ, cây liềm của mẹ, của làng vẫn là hiện vật tri kỷ của tôi, bởi lẽ giản đơn cấy và gặt vẫn là hành trình vĩnh hằng của cuộc sống. Ở hiền gặp lành. Gieo gió gặt bão. Thì vẫn thế. Gieo nhân nào gặt quả nấy. Tôi thấm thía điều này, "Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn". Mẹ cho ta cánh đồng nhân hậu; này ngũ cốc, rau quả, này tục ngữ ca dao, này hồn nhiên tinh tế... gói lại trong hai chữ Thương yêu.

Có lẽ, ai cũng đã một lần đi qua cánh đồng lúa chín. Hương đồng thơm thảo bay lên từ những bông lúa uốn câu báo hiệu một mùa gặt đang về. Ký ức trong tâm hồn càng sâu thì hương lúa đọng vào ta càng đậm. Hương lúa gợi nhắc về những năm tháng đã xa, khi tôi còn là cậu học trò ở vùng quê nắng gió, những cánh đồng van vát miền Trung, neo vào Trường Sơn để không trôi ra biển..., khi tôi mang ba lô qua những vùng miền đất nước, nơi ruộng mật bờ xôi, chỗ cỗi cằn phai bạc để cảm nhận đủ đầy hơn vị mặn giọt mồ hôi của dân tộc mình. Vâng, những giọt mồ hôi thấm xuống ruộng cày, bờ đất; thấm qua rất nhiều câu lục bát quê mùa dân dã mà mỗi lần đọc lên ta cứ rưng rưng. "Cày đồng đang buổi ban trưa. Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần". Chao ôi, nghe mà nao lòng, cơn mưa ruộng cày chính là muôn vàn giọt mồ hôi thánh thót rơi. Cái chữ thánh thót nghe như một cố tình làm nhẹ sự lam lũ của người chân lấm tay bùn. Những nốt nhạc đồng quê cũng lấp lánh mồ hôi không chỉ một người mà của nhiều người, không chỉ một đời mà của nhiều đời. Thi vị nào cũng thấm mặn tình đời người làm ruộng, cũng da diết qui trình cấy và gặt trong nền văn minh lúa nước lâu đời.

Có một hoàng hôn tôi ngồi với những gốc rạ lô xô trên cánh đồng thưa vắng bóng người. Phần làm nên dẻo thơm của cây lúa còn ở lại với cánh đồng. Rễ. Thân. Rễ nằm dưới đất. Thân chĩa lên trời. Lặng im giữa lặng im của cánh đồng đã gặt vãn. Tôi cũng lặng im trông xa ngó gần, cao là mây lang thang giữa mênh mang bầu trời còn sót lại chút ít ánh chiều, thấp là một cánh chim vội vàng tìm về tổ, xa là vệt làng với những ngôi nhà cao thấp của thời đô thị hóa và gần là những thân rạ hong hao. Mùi rạ đấy. Vẫn vương thơm cái mùi mùa gặt. Chuyện của ngày xưa... "Rồi mùa toóc rạ rơm khô. Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm". Bạn gặt, áo nâu chân đất, tay hái tay liềm đã xa rồi, thế mà can cớ chi rơm khô toóc rạ vẫn cứ nhắc hoài. Dân tộc mình sao ân tình đến vậy. Bởi chăng, vì từng muối mặn gừng cay, vì từng trông cho chân cứng đá mềm...

Chuyện của hôm nay. Tháng Mười. Tôi đi xuyên qua thành phố nhiều ồn ào, bụi bặm để ra vùng ngoại ô trò chuyện với buổi chiều hoàng hôn mùa gặt. Cánh đồng ký ức của tôi đang được hòa nhập vào cánh đồng thực tại như một thi khúc ân nghĩa khôn nguôi.

Ta trở về hoàng hôn mùa gặt, nơi chân rạ thơm mùi ký ức, mặt trời quê lặn vào hạt thóc, chín giấc mơ trên ngực cánh đồng.

Cuối ngày, tắm gió mênh mông, sương bùn thấm lòng chân rười rượi, lặng im nghe mùa gọi, lặng im nghe mùa đi.

Tiếng chiều lan mặt ruộng rầm rì, những gốc rạ đội trên đầu chạng vạng, ta cúi nhặt câu thơ rám nắng, mắt cay cay ngọn khói thật thà.

Mùi khói rạ, chao ôi, mùi khói ra, sao cứ ngẩn ngơ như mới lần đầu, và có lẽ hoàng hôn còn giấu, một cánh đồng con gái trong em...

Và, tôi hiểu, đây chưa phải là lần cuối cùng tôi trở về gặt hái trên cánh đồng ký ức muôn vàn thương nhớ của mình./.

Tản văn của Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi