Thứ Sáu, 22/11/2024
1010 năm Thăng Long - Hà Nội: Đầy thành, già trẻ mặt như hoa...

Kèm với quyết định này, vị vua đầu triều đại nhà Lý đã cùng hoàng gia vào ở hết trong Hoàng Thành rồi còn xuống một lệnh chưa từng thấy: Xây cho Khai Thiên Vương một cung riêng gọi là cung Long Đức, nhưng không phải ở cạnh cung Long Thụy của Hoàng đế, mà ra ngoài cửa Tường Phù, khu vực dân cư phía đông Hoàng Thành sống ở đấy.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ở thế kỷ XV chép việc này đã có lời bình luận rằng: “Ý của nhà vua là muốn cho thái tử hiểu biết mọi việc của dân”!

Phải hiểu biết mọi việc của dân, do đó thương dân thì mới nên và mới làm vua được - đấy là điều mà chính Lý Thái Tổ đã nghe, đã học được từ người cha nuôi và thầy dạy của mình (Đại thiền sư Lý Vạn Hạnh) vào năm 1009 ở Hoa Lư. Khi ấy chỉ mới là Tả Thân vệ tướng quân Lý Công Uẩn coi giữ kinh thành của triều Trần Lê, nhưng gặp cảnh vua cuối triều này (Ngọa Triều) là người chẳng ra gì. Đương chức chi hậu Đào Cụm Mộc đã theo ý Lý Vạn Hạnh mà khuyên mời Lý Công Uẩn lên ngôi thay thế nhà Lê, mở nghiệp nhà Lý với những lời lẽ và ý thức thân dân - trọng dân như sau: “Thân vệ là người khoan thứ, nhân từ, lòng người chịu theo. Hiện nay, trăm họ mỏi mệt, khiệt quệ, dân không chịu nổi. Thân vệ nên nhân đó, lấy ân đức mà vỗ về, thì người ta tất xô nhau kéo theo như nước chảy chỗ thấp, có ai ngăn được?”


 Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng đất Rồng thiêng”
tại Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội

Thấm thía lẽ sống còn, thành bại đó, lên làm vua và dời đô về Thăng Long, Lý Thái Tổ Công Uẩn chẳng những không có cách dạy lại cho người con kế vị của mình thật độc đáo mà còn luôn tự răn chính mình rất khẩn thiết. Câu nói sau đây là lời khấn nguyện của vị vua đầu triều nhà Lý: “Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân, nơm mớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu”.

Không chỉ có lời nói về việc lo sợ “lạm ở trên dân” mà còn cả việc làm nữa. Ấy là (vẫn như ghi chép của “Đại Việt sử ký toàn thư”) việc triều đình tổ chức Lễ Thiên Thành linh đình mừng sinh nhật Lý Thái Tổ năm 1022 ở mé ngoài cửa tây Quảng Phúc của Kinh Thành Thăng Long: “Mùa xuân, tháng Hai, vua thấy tiết Thiên Thành, làm núi giả để vui chơi gây khó nhọc cho dân, bèn cho bãi bỏ”.

Noi gương vua cha, thái tử Lý Phật Mã sau Lễ Kế vị - đăng quang ở cung Càn Nguyên lên ngôi hoàng đế Lý Thái Tông đã tuyên ngay lời huấn dụ bách quan, nhắc lại gần như nguyên văn điều tâm sự của Lý Thái Tổ: “Trẫm là người ít đức, đứng đầu thần dân, dậy sớm thức khuya, lúc nào cũng lo sợ như lội vực sâu…”.

Coi trọng việc “đứng đầu thần dân” như thế nên không lạ gì khi vào mùa xuân, tháng Hai năm 1038, nhà vua thân hành đi… cày ruộng trong Lễ Tịch điền. Gặp lúc các quan tả hữu có người nông nổi đứng ra căn ngăn, với lời lẽ: “Đó là việc của nông phu, bệ hạ cần gì phải làm thế?” Lý Thái Tông đã nói lời chấn chỉnh ngay: “Trẫm không tự cày ruộng thì lấy gì làm xôi cúng, và còn lấy gì cho bàn dân thiên hạ noi theo nữa?”.

Có những tấm gương trọng dân - gần dân của những người đứng đầu triều đình như thế, lịch sử đã chứng kiến một thời thịnh trị của kinh đô Thăng Long cũng như là cả nền văn hóa Thăng Long rực rỡ suốt hai thế kỷ XI và XII.

Sang đến thời nhà Trần, kinh thành Thăng Long thường xảy ra hỏa hoạn. Và tấm gương lo toan cho dân chúng kinh kỳ bị cháy nhà, thuộc về Hoàng đế Trần Thánh Tông. Sử cũ chép: Năm 1278, nhà dân ở Kinh Thành bị cháy vào ban đêm. Nghe tin dữ, Trần Thánh Tông liền đang đêm xuất cung, đem theo chức Nội thư gia là Đoàn Khung đi giúp dân chữa cháy. Khi đám cháy đã được dập tắt, nhà vua muốn khen thưởng những ai đã tích cực tham gia chữa cháy, bèn giao việc chọn người cho Đoàn Khung. Lúc viên quan này đem những người cần được khen thưởng đến trình diện, nhà vua đã cẩn thận kiểm tra:

- Sao nhà ngươi biết đây là những người xứng đáng?

- Muôn tâu - Đoàn Khung đáp - Thần đã cho tất cả những người có mặt ở đám cháy ngồi xuống, rồi nói là điểm số mà sờ vào đầu từng người một. Thấy ai mồ hôi thấm tóc và tóc nhiều tro bụi bám vào, thì biết đó là người đã đến sớm, và cố sức chữa cháy. Còn ai đầu tóc không có mồ hôi và tro bụi không bám vào thì rõ là người chỉ sau mới đến và chỉ chữa cháy cho có lệ.

Dễ hiểu, khi người đã chu đáo, cẩn trọng việc lo toàn cho dân như thế, thì cũng chính lại là người mà sau đấy mấy năm - vào tháng Chạp năm Giáp thân (1284), khi 50 vạn quân Nguyên xâm lược lần thứ hai vượt biên vào cõi, tràn đến trước Thăng Long - đã đứng ra chủ trương sự việc có một không hai: “Triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng trong Hoàng Thành, ban yến và hỏi kế đánh giặc” - như lời sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép.

Sử thần Ngô Sĩ Liên đối với sự kiện này đã có lời bình luận thật xác đáng về tinh thần trọng dân của vị hoàng đế nhà Trần: “Thánh Tông muốn làm như thế, là để xem xét lòng thành của dân chúng, cũng là để dân chúng nghe lời dụ hỏi mà cảm kích, hăng hái lên. Đó chính là giữ được cái lẽ của người xưa, nuôi mấy người già, để xin lời nói hay vậy”.

“Xin lời nói hay” của dân thì được ngay tiếng hô “trăm miệng như một”: “Đánh” trước kẻ thù xâm lược. Tiếng hô thể hiện ý chí của dân được tôn trọng và khéo léo phát động như thế đã hiển nhiên đóng góp lớn vào không chỉ chiến thắng ở thời có giao tranh mà còn cả ở thời hậu chiến - hòa bình nữa.

Người kế vị Trần Thánh Tông là “Phật Hoàng” Trần Nhân Tông cũng rất gương mẫu trong việc ứng xử - đối đãi với dân. Những năm cuối thế kỷ XIII, tắt được lửa chiến tranh, trong khi Trần Thánh Tông rời Thăng Long về hành cung Thiên Trường (ở Nam Định bây giờ) yên hưởng cảnh “trăng vô sự soi người vô sự” thì tại Kinh đô, Hoàng đế Trần Nhân Tông vô cùng bận rộn việc quốc sự, nhưng vẫn dành thì giờ, ra ngoài Hoàng Thành, gặp gỡ chúng dân. Đối tượng giao lưu thường xuyên, chủ yếu là những thân phận thấp kém nhất trong giới bình dân: các gia nô - nô tỳ của những quý tộc đại gia kinh kỳ.

Sử cũ chép: Trần Nhân Tông có biệt tài nhớ kỹ từng người dân mang thân phận thấp kém đó. Thậm chí còn biết rõ họ thuộc về các chủ nhân nào, nên “thường gọi lại gần mà thăm hỏi: “chủ các ngươi đang ở đâu?”.

Tuy nhiên, các vệ sĩ của nhà vua, đúng lúc đó, không hẳn là với “ý thức nghiệp vụ”, mà thực ra là vì non kém giác ngộ đã ra tay xua đuổi, nạt nộ những người đang được Trần Nhân Tông muốn bày tỏ sự thân thiết đó. Thành ra, ở giữa tình huống đang có phần căng thẳng, nhà vua chỉ nhẹ nhàng “răn các vệ sĩ không được thét đuổi” (như sử cũ đã chép) thôi. Đến khi đã hồi cung, trong môi trường “nội bộ”, Trần Nhân Tông mới tuyên rõ lời phân tích để đời của một đấng quân vương biết trọng dân: “Ngày thường thì có thị vệ tả phù hữu bật, nhưng đến khi quốc gia lâm hoạn nạn (ý nhà vua muốn nhắc đến những thời gian và tình huống khó khăn, thậm chí là nguy hiểm trong những cuộc kháng chiến vừa qua) thì chỉ thấy những người này có mặt mà thôi”.

Chung ý thức trọng dân như thế, ở thế kỷ XV - lúc mà Thăng Long đã được đổi gọi thành Đông Kinh - tòa đế đô nước Đại Việt có vị “Vua hiền” Lê Thánh Tông - như cách mệnh danh của Bác Hồ.

Câu chuyện Hoàng đế Lê Thánh Tông muốn “bảo đảm an toàn”, “văn minh trật tự” cho giao thông và cuộc sống của dân chúng kinh kỳ, được chép gọn vào biên niên sử cũ vào năm 1467 như sau: “Thu lại quân quyền của Tây quân Đô đốc Lê Thiệt, vì con Thiệt là Bá Đạt, đang giữa ban ngày, phóng ngựa ra phố, và dung túng cho tay sai đánh người!”.

Thật nghiêm minh, mãnh liệt và hữu hiệu, quyết định này của vị Vua hiền. Tây quân Đô đốc là một chức danh lớn của một đại quan. Nhưng nó đã phải bị “thu hồi” (tức là: cách chức) bởi bậc đại quan đó đã không dạy được con cái, để cho nó ngông cuồng “giữa ban ngày, phóng ngựa ra phố”, “gây nguy hiểm cho giao thông đô thị”, và lại còn “dung túng tay sai đánh người”, làm mất “văn minh trật tự đô thị”.

Chắc chắn, dân chúng Đông Kinh khi ấy đã hả lòng hả dạ trước quyết định vì dân như thế của vua Lê Thánh Tông. Và cũng chắc chắn, điều này đã góp phần làm nên sự thịnh trị bậc nhất của triều đại và thời đại lúc bấy giờ.

Ở một hướng tác dụng và tác động khác, còn có một ví dụ, một trường hợp thật điển hình ở tòa kinh đô nước Việt vào thời gian cuối thế kỷ XVIII trong việc giỏi và khéo quan hệ, vận động nên được dân chúng hài lòng, có ý nghĩa và giá trị lớn lao. Đó là lúc mà Thăng Long - tên gọi này, thời gian này, đã quen thuộc trở lại - bị 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh tràn sang chiếm đóng vào cuối năm 1788 và Quang Trung Nguyễn Huệ tổ chức và tiến hành “Chiến dịch giải phóng Thăng Long” vào đầu năm 1789.       Hai trận đánh lớn, cũng đồng thời làm nên một tên gọi khác của chiến dịch này là: Ngọc Hồi và Đống Đa.

Ở trận Ngọc Hồi, một điển hình chiến đấu đặc sắc, dùng 600 nghĩa quân xung kích, chia làm 20 toán, mỗi toán 30 chiến binh, trong đó, 10 người khiêng một chiếc mộc (khiên) lớn, do 3 tấm ván gỗ ghép lại, quấn thêm một lớp rơm ướt ở phía ngoài, che chắn cho 20 người cầm vũ khí, nấp ở phía sau mà tiến lên, vô hiệu hóa trận mưa tên đạn của giặc, mở đợt phá khẩu cho đại quân tràn vào, cả phá đại đồn binh Mãn Thanh.

Điểm mấu chốt của cuộc chiến đấu này là: Thời gian thì tốc quyết, mà rơm ướt và nhất là ván gỗ, lấy ở đâu? Câu trả lời là: Lấy ở trong dân. Chính dân chúng vùng Ngọc Hồi, do được khéo và giỏi vận động, đã hăng hái đem rơm rạ và những tấm ván giường phản, ván cửa nhà, cửa đình chùa… ủng hộ nghĩa quân đánh giặc thành công.

Ở trận Đống Đa, vai trò và sự đóng góp của nhân dân, còn đặc sắc hơn nữa. Từ các gia đình dân chúng trong quanh vùng, do khéo được vận động, những cây rơm rạ đã được rút ra, bện lại thành những con cúi khổng lồ, giống như hình rồng rắn, tẩm dầu vào, đem rải quanh tòa đại đồn của giặc, chờ đúng lúc nghĩa quân bắt đầu tấn công thì bật hồng, tạo nên một trận Hỏa long - Rồng lửa, vừa đốt cháy và uy hiếp quân giặc, vừa soi đường và giúp nghĩa quân đánh hạ đồn giặc thật nhanh gọn vào lúc nửa đêm về sáng.

Những câu thơ sau đây của nhà thơ Ngô Ngọc Du ở thế kỷ XVIII vừa tốc ký thật sinh động cảnh tượng kết thúc đại thành công chiến dịch giải phóng Thăng Long, vừa minh họa thật sâu sắc kết quả rực rỡ của cuộc vận động và vai trò của dân chúng kinh thành được vận động trong chiến dịch ấy:

“Mây mù đã tan, trời lại sáng

Đầy thành, già trẻ mặt như hoa

Chen vai, sát cánh, cùng nhau nói:

Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta”./.

Nhà sử học Lê Văn Lan

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi