Chủ Nhật, 22/12/2024
Nhịp điệu no ấm ở buôn làng

Chày cối là dụng cụ gần gũi với người phụ nữ, giã gạo là công việc thiên tính nữ. Đây cũng là công việc có từ lâu đời của các cư dân nông nghiệp khi con người biết trồng lúa. Trên trống đồng Đông Sơn, người Việt cổ đã chạm khắc cảnh đôi trai gái giã gạo cùng với hai người múa thổi khèn rất sinh động, như cảnh ngày mùa vui thôn trang.


 Cụm tượng gỗ giã gạo chày ba của người Bahnar

Với nền nông nghiệp nương rẫy, lúa gạo là nguồn sống chính của nhiều tộc người sinh sống ở miền núi. Sau khi thu hoạch, người ta cho lúa vào kho và dùng dần đến ngày giáp hạt. Mỗi lần nấu cơm đồng bào lấy ra một ít lúa để giã thành gạo. Bầu cơm gạo mới thơm hương cám cũng từ những cối gạo, nhịp chày của các chị, các mẹ mà có. Nếu người miền núi phía Bắc thường giã gạo bằng sức nước thì ở núi rừng Tây Nguyên - Trường Sơn, đồng bào dùng cối gỗ. Mỗi buổi sáng, người phụ nữ thường thức dậy sớm để nấu cơm, nấu nước chuẩn bị đi rẫy và sau đó người ta tranh thủ giã gạo. Tuy có hơi tốn sức lực một chút nhưng giã gạo bằng chày tay lại nhanh hơn, gạo mau trắng, nấu cơm được vài ngày. Nhà đông, có nhiều lao động, con gái lớn thường giúp mẹ giã gạo, từ đó sinh ra nhịp chày đôi, chày ba. Có khi một mình người mẹ, người bà cần mẫn giã lúa một mình với nhịp chày đơn.   

Trong nghệ thuật trang trí của nhiều tộc người, ta thường bắt gặp hình tượng giã gạo. Đặc biệt, trong nghệ thuật trang trí các dân tộc Tây Nguyên, hình tượng người giã gạo và chiếc cối giã gạo khá tiêu biểu. Tượng gỗ Tây Nguyên phản ánh ở nhiều thể tài, trong đó hình ảnh của người phụ nữ thường đậm đặc nhất. Trước tiên, ta có thể thấy loại hình biểu trưng của sinh tồn và phồn thực liên quan đến giới tính, nữ giới: phụ nữ mang bầu, cho con bú, các tượng đặc tả bầu vú, đề tài lao động sản xuất như làm nương, giã gạo... Trong kho tàng nghệ thuật dân gian Cơ Tu, những hoa văn, hình vẽ, tác phẩm phù điêu, khắc chạm nói về đề tài giã gạo, chày cối cũng khá phổ biến. Trên cây nêu (sinuar) và cột cái nhà gươl (r’mâng), luôn có hình tượng chiếc cối gạo và nồi đất, nồi đồng tượng trưng cho hồn lúa (yang haroo), người mẹ, nguồn sống. Hoa văn chày (chapan), cối (tơpal) khá phổ biến trên trang phục Cơ Tu, nhất là trên váy nữ. Hoa văn chày, cối trên trang phục, cột lễ Cơ Tu là điểm nhấn miêu tả bộ ngực căng phồng đầy sức sống hay cái eo hông nhỏ thon đầy nữ tính, tượng trưng cho hình ảnh phụ nữ, người mẹ.

Ngày nay, máy xay xát đã thay sức người, nhiều nơi, đồng bào miền núi không còn nhọc công giã gạo nữa. Tuy nhiên, ở một số vùng cao, vùng sâu, bà con vẫn giã gạo chày tay, vẫn tạo nên âm thanh, nhịp cuộc sống hằng ngày. Những phụ nữ, thiếu nữ thoăn thoắt nhịp chày thể hiện sự khỏe khoắn, cần mẫn. Đàn gà tíu tít, quẩn quanh cối gạo nhặt thóc rơi vãi là cảnh sống giản dị, hòa mình với thiên nhiên và sức sống của buôn làng.

(baodaklak.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất