Nhà văn Sơn Tùng (trong ảnh) tên khai sinh là Bùi Sơn Tùng (8/8/1928 - 22/7/2021), quê ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu (Nghệ An), sinh ra trong một gia đình nhà nho sớm tham gia cách mạng.
Năm chín tuổi, nhà văn Sơn Tùng đã mồ côi cha và chứng kiến những đồng chí của cha bị Pháp bắt, dần hình thành trong ông những ưu tư trước nỗi đau khổ của con người và bi kịch của người dân mất nước. Ông ôm mộng viết văn từ rất sớm và là một tấm gương về nghị lực phi thường.
Năm 1971, ông bị thương nặng ở chiến trường B2, mất 81% sức khỏe, 14 mảnh đạn còn trong người, (có ba mảnh đạn còn găm trong sọ não không thể giải phẫu lấy ra được).
Nhà văn Sơn Tùng cho biết, những ngày đầu sau khi bị thương, tai ông bị rách phải vá lại; tay và chân đều trúng mảnh đạn, không đi lại được; tay phải co quắp trước ngực; thị lực còn 1/10. Mảnh đạn trong đầu ông thỉnh thoảng dội lên những cơn đau kinh hoàng. Mỗi lần có tiếng sấm chuyển mưa, lại bị động kinh, lên cơn co giật vật vã. Thế mà sau khi ra bắc, ông từ chối việc điều trị dài hạn ở Trung Quốc, tự mình luyện tập hằng ngày, sức khỏe phục hồi dần, cứ 3 giờ sáng là ông dậy, tập thiền, rồi cột bút vào những ngón tay co quắp mà tập viết. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, những trang viết về Bác Hồ, về các danh nhân, về nhân dân… lần lượt được hoàn thiện và ra mắt bạn đọc.
Tháng 12/1972, máy bay B52 Mỹ ném bom Hà Nội, nhà văn Sơn Tùng vừa ở chiến trường ra, dù vết thương còn nặng, đi lại khó khăn, nhưng ông vẫn xông pha vào những nơi ác liệt sớm nhất và viết nhiều bài báo xúc động để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong người đọc. Khi miền Nam vừa giải phóng, ngay trong những tháng ngày bề bộn sau 30/4/1975, ông cùng vợ là bà Phan Hồng Mai đã có mặt ở Huế, Phan Thiết, Sài Gòn, Cao Lãnh, Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) để lấy tư liệu về Bác Hồ, về cụ Nguyễn Sinh Sắc. Ông phải tiết kiệm, thậm chí bán cả những vật kỷ niệm để có tiền đi tìm tư liệu cho những trang viết của mình...
Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần đã khen ngợi ông: “Một người chỉ còn ba ngón tay mà bám được vào đời bằng nghề viết”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trìu mến ôm nhà văn Sơn Tùng và nói trước các nhà văn đến thăm ông trong dịp mừng thọ Đại tướng tuổi 90 rằng: “Nhà văn Sơn Tùng là một tấm gương về nghị lực phi thường mà tôi học được rất nhiều”.
Ngày 22/7/2011, ông là nhà văn duy nhất đến thời điểm đó được phong danh hiệu Anh hùng Lao động vì những cống hiến đặc biệt xuất sắc vào sự nghiệp văn học, vì ý chí, nghị lực và nhân cách của một người cầm bút.
Trong cuộc đời cầm bút của mình, nhà văn Sơn Tùng đã cho xuất bản gần 30 tác phẩm và để lại những tiếng vang, làm xúc động nhiều tầng lớp độc giả cả trong nước và nước ngoài. Trong đó, tiêu biểu là các tác phẩm như: Nhớ nguồn; Kỷ niệm tháng năm; Con người con đường; Người vẽ cờ Tổ quốc; Trần Phú; Anh thương binh tạc tượng Bác Hồ; Búp sen xanh; Bông sen vàng; Trái tim quả đất; Lõm; Hoa râm bụt; Bác về; Vườn nắng; Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh; Nguyễn Ái Quốc qua ký ức của bà mẹ Nga; Tấm huy hiệu Bác Hồ…
Quan trọng nhất, được bạn đọc chú ý nhất là những sáng tác của ông về đề tài Bác Hồ. Với khoảng 20 đầu sách về lãnh tụ, các tác phẩm của ông liên tục tái bản và có tác động sâu sắc vào tư duy, tình cảm của nhiều tầng lớp độc giả, góp phần hình thành nhân cách cho giới trẻ.
Nhà văn Sơn Tùng có lần viết: “Các bậc thiên tài không có sẵn. Chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người và đi vào đời”. Chính cách nhìn nhận này đã trở thành cơ sở phương pháp cho nhiều cuốn sách, nhiều bài viết của ông về Bác Hồ.
Tiêu biểu cho hướng lý giải của nhà văn Sơn Tùng về quá trình hình thành nhân cách của Bác phải kể đến cuốn Búp sen xanh. Cho đến nay, có lẽ Búp sen xanh là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất về đề tài Bác Hồ, được tái bản nhiều nhất (hơn nửa triệu bản) trong suốt 36 năm qua từ khi tác phẩm ra đời. Búp sen xanh đã khiến cho hàng triệu người xúc động, được dịch sang tiếng Anh, trở thành tài liệu tham khảo cho nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, được chuyển thể thành phim, thành kịch, thành truyện thơ...
Đó là một áng văn đẹp đẽ, với ngôn từ trau chuốt, khắc tạc sự tinh anh, khát vọng và tình đất nước, dân tộc sâu sắc của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Đồng thời, chúng ta cũng thấy ở đó những truyền thống lớn, những vẻ đẹp tuyệt vời của văn hóa và con người quê hương xứ Nghệ, xứ Huế và tinh hoa văn hóa dân tộc nói chung đã ảnh hưởng, đã trở thành nguồn sống nuôi dưỡng, hun đúc tâm hồn người thanh niên yêu nước trước khi trở thành lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc.
Ngoài đề tài Bác Hồ, danh nhân cách mạng, Sơn Tùng có hai tác phẩm về đề tài chiến tranh là Vườn nắng và Lõm. Trong đó, Lõm là một cuốn tiểu thuyết giàu tính triết luận, hàm súc. Viết về chiến tranh, Sơn Tùng không sa vào miêu tả quá nhiều những cảnh súng đạn mà ông đã chọn cách khai thác mặt khuất lấp của nó, những hy sinh thầm lặng, những nỗi đau không nói thành lời, những vẻ đẹp bị vùi lấp, băng hoại…/.
(nhandan.vn)