Chủ Nhật, 22/12/2024
Quê nhà thương nhớ



Về quê thích được đi làm cùng mọi người để lấy công chứ không có lấy tiền. Những đứa bạn thành phố cứ trố mắt nghe người nhà quê nói chuyện. Nhà cô Tám ngày mai dặm lúa, má và các cô gần đó ra làm phụ. Thì ít bữa nhà tôi tỉa đậu, tỉa bắp, đặt ớt, các cô chú lại qua giúp. Cái chái bếp nhà bà Bảy bị dột, không ai bảo ai các bác các chú phụ lợp lại mái (bà sống một mình), công được trả là nồi cháo hến. Có công có chuyện là hàng xóm xúm lại phụ một tay một chân. Cứ như vậy công chuyện không chỉ làm nhanh mà tình làng nghĩa xóm càng gắn bó bền chặt.

Ở quê ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh rất đỗi dễ thương khi các bà các mẹ thỉnh thoảng sai mấy nhỏ đem qua nhà hàng xóm ăn lấy thảo khi thì đĩa khoai đĩa đậu mới luộc, khi thì nải chuối chín bói, khi thì những chiếc bánh sắn có nhân đậu đen bên trong, lúc thì chén chè đậu xanh ăn giải nhiệt… tất cả thấm đẫm tình quê.

Người dân quê còn rất hiếu khách, lỡ đi lạc chỉ cần tấp vào lề đường hỏi đúng người bản địa là được chỉ rất tận tình, đến nơi đến chốn có khi đến tận nhà. Có những vị khách phương xa nhỡ đường, ghé vào xin miếng nước sẽ được chủ nhà đón tiếp pha trà mời nước, có khi còn biếu một chút đặc sản quê ăn dọc đường.

Quê hương là thế đó, hiền hòa dễ thương, ai đi xa mà quên cho đành. Mảnh đất này cha mẹ đã gặp nhau thành chồng thành vợ, làm lụng vất vả để nuôi những đứa con khôn lớn thành người. Cả khoảng trời tuổi thơ của con gắn bó với nơi này. Nơi có bờ sông với bóng mát của lũy tre rì rào, có bờ ruộng xanh với rặng phi lao vươn mình trong nắng, có hàng chè tàu trước ngõ vấn vít dây tơ hồng, có góc chợ quê mà ai cũng quen mặt quen tên, có chái bếp với những món ăn mới nghe đã rặc mùi quê.

Nếp nhà quê yên bình quá đỗi bên những hàng cau thẳng tắp xanh mướt mắt ai cũng hằng ước mong. Hàng cau che bóng mát, những tàu cau khô được cắt gọt thành những chiếc quạt nhỏ nhỏ xinh xinh xua tan cái nóng mùa hè, còn lá để nhóm lửa, thân để làm củi. Giờ đây, bếp ga, bếp điện đã nhiều rồi, chỉ cần nhấn nút là xong nhưng những bà mẹ xưa vẫn thích nấu bếp củi vì mùi cay nồng khóe mắt, thích cái giòn rụm của cháy dưới đáy nồi, thích nhất vẫn là lũ trẻ con vì được vùi củ khoai, củ sắn để lát thưởng thức.

Người ở quê nhiều lúc không cần tiện nghi quá hiện đại mà chỉ thích dân dã nhẹ nhàng và cuộc sống bình yên. Bạn tôi vẫn luôn hỏi câu xứ cậu ở quê ơi là quê, có gì đâu mà thương mà nhớ. Tôi nói với bạn chính cái rặc quê đó mới níu chân con người vương vấn mảnh đất này. Nhớ nhiều những ngôi nhà qua bao năm tháng vẫn còn giữ lại hình hài xưa cũ. Thích nhìn chiếc lu đựng đầy nước mát của tự nhiên, mỗi khi đi học về uống một ngụm mát ruột mát gan.

Người nhà quê không cho mình nghỉ ngơi, xong công việc đồng áng lại lo chăm chút cho vườn tược: những luống rau xanh mơn mởn, giàn bầu giàn mướp lúc nào cũng sai quả. “Cây nhà lá vườn” chủ yếu phục vụ cho gia đình, biếu hàng xóm ăn lấy thảo, dư ra mới đem ra chợ bán hoặc đổi con cá về cải thiện.

Sáng thức dậy đã nghe chim hót rộn rang, trời mưa tối nghe ễnh ương tấu khúc nhạc đêm ru ta vào giấc ngủ. Về quê nhìn đâu cũng thấy quê mùa cũ kĩ cơ cực nhưng lâu lâu người ta thấy nhớ muốn trở về. Về hít cho căng lồng ngực bầu không khí trong lành. Về cùng nhau nấu nướng thưởng thức bữa cơm nhà với những món rặc quê mà ngon đến lạ lùng.

Khi nhắc đến quê là người ta nghĩ ngay đến sự quê mùa vốn có trong cách gọi nhưng đối với người con vốn gắn bó lại thấy hai chữ “nhà quê” lại rất dễ thương. Nơi này đã nuôi dưỡng bao thế hệ thành tài. Về quê để được ăn cơm mẹ nấu, được tắm mát trên dòng sông, được bắt cá thả diều, được đi chân trần trên thảm cỏ, được thả hồn theo lời ru ngọt ngào, được đắm mình trong những suy tư. Về quê để thêm yêu quê hơn!

Phạm Thị Mỹ Liên (Tạp chí Dân vận số 9/2021)

 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất