Thứ Tư, 22/1/2025
Bà Chúa Thơ Nôm

 

Chế độ phong kiến trọng nam, khinh nữ với quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nghĩa là một nam đã là có, mười nữ cũng là không, nên tên nữ sĩ tài danh Hồ Xuân Hương không có trong gia phả họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, quê hương Bà. Bởi vậy, muốn tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của Bà, nhiều khi người ta phải đi con đường vòng, gián tiếp, có khi đem lại kết quả khả quan, như trường hợp khảo sát gia phả Quang Trung Nguyễn Huệ (Hồ Thơm) mà chúng ta biết được, Bà là con gái ông đồ Hồ Phi Diễn. Và như thế, Nguyễn Huệ và Bà cùng đời thứ 12 của họ Hồ ở Quỳnh Đôi, hai người chung nhau cụ tổ năm đời là Hồ Sĩ Anh, Xuân Hương gọi Hồ Thơm (Nguyễn Huệ) là anh họ.  Nhưng dù sao, bằng các con đường gián tiếp, lắm khi đem lại sự không thống nhất giữa các nhà nghiên cứu nên cuộc đời và sự nghiệp của Bà còn có chỗ chưa rõ, mỗi người lý giải một cách.

Là người khá am tường về Nguyễn Du, nhưng lâu nay mơ hồ về Hồ Xuân Hương, nên khi Bà được UNESCO tôn vinh là Danh nhân Văn hóa Thế giới, tôi tìm đọc lại các công trình của các nhà nghiên cứu, cộng thêm phần nhận thức và suy đoán của bản thân, cố phủ lấp khoảng mơ hồ để cuộc đời của Bà được hiện lên rõ nét.

Người xưa từng nhận xét: “Bắc Hà - Hành Thiện, Hoan Diễn - Quỳnh Đôi” để ca ngợi làng Hành Thiện ở Nam Định cũng như làng Quỳnh Đôi của Xứ Nghệ, là hai mảnh đất nổi tiếng khoa bảng ở nước Nam này. Làng Quỳnh Đôi thuộc huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An là đất học, đất quan mà trong đó họ Hồ là điển hình. Kể từ cụ tổ Hồ Hồng về dựng làng, lập nghiệp ở đây vào năm 1378 đến trên chục đời tiếp theo, nhiều người đậu Trạng nguyên, Hoàng giáp… làm đến chức Tể tướng, còn số người đậu Tiến sĩ, Cử nhân, Tú tài làm nghề dạy học thì không kể xiết.

Đến đời thứ 11 của họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, có ông Hồ Phi Diễn (1703 - 1786) là một nhà nho thanh bạch chuyên dạy học ở địa phương. Hai vợ chồng ông Đồ ăn ở với nhau đã nhiều năm, nhưng chưa sinh được mụn con nào, thì bà Đồ lâm bệnh qua đời. Để tránh nỗi buồn thương khi nhìn những kỷ vật có liên quan đến người vợ tần tảo, mãn tang vợ xong, ông Đồ khăn gói xa quê đi ra Bắc tiếp nghề dạy học ở Hưng Yên, Hải Dương và Thăng Long.

Sau một thời gian, ông xe duyên cùng cô gái nhan sắc họ Hà, quê Hải Dương, rồi vợ chồng đưa nhau về sinh sống ở làng Nghi Tàm, chồng mở lớp dạy học, vợ trồng rau, chợ búa và lo việc nội trợ. Năm 1772, một cô bé kháu khỉnh ra đời. Khó tả hết niềm vui của cụ Đồ Diễn, đã bảy mươi tuổi mới trông thấy đứa con gái đầu lòng. Ông đặt tên con gái là Hồ Phi Mai, một bông hoa mai biết bay của nhà họ Hồ, còn biểu tự là Xuân Hương.

Xuân Hương lớn nhanh, khôn sớm. Mới biết nói đã lân la nơi bố dạy học, không phải để nghịch mà để học chữ. Chả bao lâu cô bé đã nhận mặt được nhiều chữ Hán, ngay cả những chữ nhiều nét, làm cho cụ Đồ cùng đám học trò hết sức ngạc nhiên. Giờ giải lao lớp học, những đứa trẻ hiếu động cũng không muốn chạy ra ngoài, mà ở lại thi nhau đố chữ Hán với Xuân Hương!

Thời phong kiến, con gái không được đi học. May mắn thay cho Xuân Hương, bố là ông đồ dạy học ngay tại nhà mình, nên việc học của cô bé hết sức tự nhiên, không bị ngăn cản. Thời ấy trong một phòng học, cùng một lúc thầy đồ có thể dạy các lớp có trình độ khác nhau. Xuân Hương không chỉ nhớ bài của lớp mình, mà thuộc luôn bài của lớp trên, làm cho ai nấy nể phục, còn ông Đồ già hạnh phúc nghĩ về tương lai của con gái mình.

Mới bảy, tám tuổi, Xuân Hương đã đọc được nhiều sách trong thư viện của bố. Có gì thắc mắc thì hỏi bố. Chính từ những câu hỏi của Xuân Hương mà ông Đồ Diễn nhận biết con gái mình ngoài sự thông minh ra, có tính cách khác thường. Có lần Xuân Hương hỏi bố: “Sao con gái lại không được đi thi”? “ Thì quy chế trường thi như thế”! Bố trả lời. “Vô lý, bất công, trọng nam khinh nữ! Sau này con sẽ cải trang và đi thi như bà Nguyễn Thị Duệ cho mà coi”! Nguyễn Thị Duệ là nữ Trạng nguyên duy nhất trong lịch sử nước ta, do bà cải trang thành nam giới mới được đi thi và đã đậu Trạng nguyên. Nghe con gái bảo thế, ông Đồ vừa vui mừng, vừa e ngại.

Năm 1783, ông Đồ Diễn mừng thượng thọ 80. Mến mộ đức độ và kiến thức của ông Đồ đã truyền thụ cho con em mình, phụ huynh học sinh và dân quanh vùng Nghi Tàm quyên góp tiền, gom góp vật liệu, dựng cho ông ngôi nhà mới. Tuy cũng chỉ là ngôi nhà lá, nhưng so với ngôi nước trước thì rộng rãi và khang trang hơn nhiều. Nhà làm xong đang còn dịp nghỉ hè, ông Đồ có một quyết định đột ngột làm Xuân Hương vô cùng thích thú: Về thăm quê nội! Xuân Hương đã mười một tuổi rồi mà chưa về quê lần nào, chỉ biết cảnh quê qua lời bố kể. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ và thấy có sự giống nhau với Hồ Xuân Hương. Cả ba đều có bố quê Xứ Nghệ, mẹ đều là dân Bắc, sinh ra các vùng giáp kinh đô Thăng Long và cùng sinh ra và lớn lên trên đất bắc: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương sinh ra ở Thăng Long, Nguyễn Công Trứ sinh ở Thái Bình. Về thăm quê cha lần đầu khi Nguyễn Du vừa sáu tuổi, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Công Trứ đều mười một tuổi. Để trở thành nhà thơ lớn của dân tộc cần nhiều yếu tố, đối với ba nhà thơ này trong dòng máu có sự pha trộn hai vùng văn hóa lớn, phải chăng là một yếu tố quan trọng?

Ở quê vài tuần, hai bố con ông Đồ trở lại Thăng Long. Ông Đồ Diễn tiếp nghề dạy học, Xuân Hương lại làm học trò của bố cùng bọn trẻ quanh vùng. Ba năm sau, năm 1786, một buổi chiều đang dạy học thì ông Đồ ngã bệnh, Xuân Hương cùng bạn học khênh ông vào phòng ngủ. Mặc dù được vợ con, học trò và xóm giềng chăm sóc, nhưng vì tuổi cao, bệnh nặng, ông đã qua đời, thọ 83 tuổi. Ông được mai táng tại nghĩa trang Đồng Táo, gần bờ hồ Tây, đám tang rất đông người đưa tiễn.

Ông giáo qua đời nhưng lớp học không tan, mà do trưởng tràng Tử Minh đảm trách. Tử Minh hơn Xuân Hương dăm tuổi, là trưởng tràng, học rất giỏi. Bên cạnh Tử Minh, Xuân Hương nhờ tủ sách của bố để lại và thói quen đọc sách, nhanh hiểu, nhớ lâu nên trình độ cũng vượt trội so với đám trẻ trong lớp. Ngoài công việc học ở lớp và tự học, nàng thích làm thơ, lúc đầu là thơ chữ Hán, sau đó là thơ Nôm. Khi say thơ, có thành tựu về thơ rồi, nàng thấy khoa bảng đối với mình cũng không quan trọng nữa, nên từ bỏ ý định cải trang nam giới để đi thi như trước đây bao lần nàng đã thổ lộ với bố.

Lạ kỳ thay, người con gái tài năng, nhan sắc từng được ngợi ca “Người tiên rạng rỡ từ mây đến”; hay “Như dáng cây mai xinh cốt cách, mười phần xuân sắc rạng trời xanh” ấy mà cứ để tuổi xuân dần dà trôi. Bạn thơ văn xướng họa, tán tỉnh thì nhiều, có người làm cả tập thơ trên 30 bài tặng nàng, còn bạn trăm năm thì mờ mịt, để nàng mãi “trơ cái hồng nhan với nước non”!

Năm 1802, số phận run rủi đưa nàng về làm lẽ ông Nguyễn Bình Kình, có biệt danh là Tổng Cóc. Ông này cũng có tâm hồn thi ca, đã làm đến chức Đội, nên còn gọi là Đội Kình, chỉ có tội nhu nhược trước bà vợ cả, không dám nói gì, mặc cho bà ta hành hạ Xuân Hương. Không chịu được sự đối xử tàn tệ của bà vợ cả, bụng mang dạ chửa, Xuân Hương đã bí mật trốn đi khỏi nhà. Vào một nơi xa lạ, hẻo lánh, Xuân Hương đã tự mình sinh con nhưng đứa trẻ sơ sinh chết yểu. Sau đó nghe nói Tổng Cóc có đi tìm nàng, nhưng nàng lánh mặt, chỉ gửi lại cho ông ta bài thơ bốn câu: “Chàng Cóc ơi, chàng Cóc ơi/ Thiếp bén duyên chàng có thế thôi/ Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé/ Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi”!

Năm 1804, dứt tình với Tổng Cóc, Xuân Hương đi khắp đây đó để làm thơ và giao lưu cùng các thi nhân đương thời. Năm 1811, Tử Minh qua đời ở tuổi bốn mươi, Xuân Hương được dân làng Nghi Tàm mời về thay Tử Minh dạy học. Lớp học Xuân Hương dạy, học trò ngày càng đông, vì tài thơ và danh tiếng của nữ sĩ. Cũng năm đó, Xuân Hương dựng Cổ Nguyệt Đường bên Hồ Tây, vừa làm nơi ở, vừa là nơi hội ngộ của 28 danh sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ như Phạm Quý Thích, Nguyễn Huy Tự, Tốn Phong, Mai Sơn Phủ… Có người lầm tưởng trong “nhị thập bát tú” này có Nguyễn Du, nhưng không phải thế, thời kỳ ấy Nguyễn Du đang ở nơi xa..

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng được UNESCO tôn vinh là Danh nhân Văn hóa thế giới, cùng đợt với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhân 200 năm ngày sinh của Ông (1822 - 2022).

Năm 1813, nghe tin Nguyễn Du được vua Gia Long phong Cần chánh Học sĩ ở Phú Xuân, và được nhà vua cử làm Chánh sứ đi sứ Trung Quốc, Xuân Hương rất muốn gặp nhưng không thể vì đường sá quá xa xôi, mà đã lâu hai người không có tin tức qua lại. Trong thâm tâm, Xuân Hương rất có tình cảm với Nguyễn Du, nhưng Nguyễn Du, lúc đầu coi Xuân Hương như đứa em gái bé, gặp lại khi nàng  trưởng thành thì Nguyễn Du đã yên bề gia thất nên sợ! Lúc này nàng chỉ biết thể hiện tình cảm của mình vào bài thơ: “Nhớ chuyện cũ, viết gửi Cần chánh Học sĩ Nguyễn Hầu”: “Dặm khách muôn nhìn nỗi nhớ nhung/ Mượn ai tới đấy gửi cho cùng/ Mối tình chốc đã ba năm vẹn/ Giấc mộng rồi ra nửa khắc không…”. Mối tình của Xuân Hương với Nguyễn Du diễn ra trong khoảng thời gian nào là một ẩn số, chưa có lời giải đáp.

Năm 1814, bà mẹ qua đời, Xuân Hương cùng đám học trò và dân làng Nghi Tàm đã đưa Bà Đồ về an nghỉ bên cạnh Ông Đồ ở nghĩa địa Đồng Táo. Nhớ thương cha mẹ, nhiều lần Xuân Hương một mình ra nghĩa địa thắp hương cho bố, mẹ và làm thơ ghi lại chuyện này: “Dàu dàu hai nấm lẫn vàng xanh/ Kìa nấm thâm ân, nọ nấm tình/ Mấy giọt sa thầm rơi khoáng dã/ Trăm đường tẻ ngắt kiếp phù sinh…”.

Thời gian này bà có tình cảm với ông Trần Phúc Hiển, một người quê Đàng Trong, làm quan Tham hiệp Quảng Yên. Đợi đoạn tang mẹ, năm 1816, hai người mới nên vợ nên chồng. Bà theo chồng về Quảng Yên sinh sống. Ông quan này cũng đã có vợ ở quê, nàng chịu phận làm lẽ, may mắn là không gần bà vợ cả nên đó là những ngày tháng hạnh phúc, nhất là khi du ngoạn trên vịnh Hạ Long để làm thơ. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ hai năm sau, chồng Bà can tội nhận hối lộ, bị tử hình vào năm 1819. Lo ma chay cho chồng xong, từ bỏ ngôi nhà ở Quảng Yên, bà trở lại Cổ Nguyệt Đường bên bờ hồ Tây. Ba năm sau, bà lâm bệnh qua đời hưởng thọ 50 tuổi. Bạn thơ, học trò cũ và dân làng đưa bà về mai táng tại nghĩa địa Đồng Táo, nằm gần cùng song thân của bà...

Đúng hai mươi năm sau, 1842, nhà thơ Tùng Thiện Vương (1819 -1870) thăm hồ Tây, viếng mộ Bà, viết bài thơ “Long Biên trúc chi từ” qua bản dịch của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn:

Đầy hồ rực rỡ hoa sen

Sai người xuống hái để lên cúng dàng

Chớ trèo qua mộ Xuân Hương

Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng

Sen tàn, phấn rữa, mồ hoang

Xuân hương đã khuất bên đàng cỏ xanh

U hồn say tít làm thinh

Gió xuân mấy độ vô tình không hay.

Cái kết của bài thơ như một lời thầm trách ai đó quên lãng nơi an nghỉ cuối cùng của Nữ sĩ.

Hồ Xuân Hương qua đời để lại khoảng 150 bài thơ, bao gồm tập thơ “Lưu Hương Ký” có 24 bài thơ chữ Hán, 28 bài thơ chữ Nôm cùng ngót 100 bài thơ khác  theo phong cách dân gian, phóng túng, thể hiện sự đặc sắc, phong phú của tiếng Việt. Hồ Xuân Hương tự hào dân tộc mình, tự hào ngôn ngữ dân tộc mình, nên dù xuất thân từ Hán học, nhưng Bà quý trọng chữ Nôm và phần lớn sáng tác bằng thơ Nôm. Lòng tự hào dân tộc còn thể hiện qua việc coi thường bọn xâm lược phương Bắc, qua bài “Đề đền Sầm Nghi Đống”: “Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo/ Kìa đền Thái thú đứng cheo leo/ Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”. Sầm Nghi Đống là Thái thú của nhà Thanh, đã treo cổ tự tử khi không thể chống lại quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long năm 1789.

Bà là người phụ nữ tiên phong dùng thơ ca để đòi nữ quyền và bình đẳng giới. Thơ Bà thâm trầm, sâu lắng khi diễn tả nỗi cô đơn của kiếp người, nhưng trước bất công xã hội, bất bình đẳng giới, Bà như muốn thét lên “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”. Qua thơ Bà, ngôn ngữ Việt Nam phong phú và giàu có biết dường nào! Các nhà thơ cùng thời nhìn nhận: “Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoa”...

Đời sau, nhân dân tôn vinh Bà là “Bà Chúa thơ Nôm”. Nhiều trường học, đường phố, khu Văn hóa, Giải thưởng thơ… mang tên Bà. Tượng chân dung Bà được dựng lên trang trọng ở vườn hoa trung tâm làng Quỳnh Đôi, nơi thường xuyên có người đến dâng hương hoa với lòng thành kính ngưỡng mộ.

Thơ Hồ Xuân Hương được dịch ra nhiều thứ tiếng của nhân loại. Nhiều nhà thơ lớn nước ngoài ngợi ca Bà là một trong những nữ sĩ hàng đầu châu Á, là nhà thơ Việt Nam độc đáo nhất trong nền thi ca thế giới./.

Vương Trọng

 

 

Gửi cho bạn bè