(Danvan.vn) Tôi trở lại dòng sông cũ vào một buổi sáng mùa xuân lành lạnh, chiếc đò dọc xé nước băng băng trong sự mịn màng của cái nắng phương Nam những ngày cận Tết. Ngồi trên mũi đò, tôi nhìn thấy những chiếc ghe rộn ràng xuôi ngược trên sông. Ghe chở hoa, ghe chở trái cây, mít, xoài, khóm, dưa hấu,… toàn những thứ nông sản tươi rói trưởng thành bởi sự màu mỡ của phù sa châu thổ bạt ngàn. Tất cả đã điểm tô cho dòng sông mùa xuân những sắc màu rực rỡ, những thanh âm rộn rã mà ở những thời điểm khác không thể nào thấy được.
|
Sắc xuân trên chợ nổi miền Tây
|
Đò chạy chầm chậm. Đoàn khách du lịch từ thành phố về miệt sông nước trầm trồ náo động trong mui, có chị gái trờ người ra giơ ống kính ghi ảnh để rồi bị bác lái đò nhắc nhở: “Chị gì đó ơi, ngồi đàng hoàng chớ, sóng đánh một cái Hà Bá giật máy ảnh như chơi à nghen”. Cả đoàn cười vang. Thật ra thì cũng dễ hiểu thôi, trong số những người từ thành phố về miền sông nước Cửu Long để quan sát không khí mùa xuân ở nơi đây, có mấy ai như tôi - đã từng sinh ra và lớn lên ở chốn này để rồi từng ngõ ngách, từng hình ảnh đều trở thành quen thương, máu thịt? Có những người từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ vẫn chưa biết được miệt vườn là gì, chợ nổi ra sao… nghĩ đến đó, tự dưng tôi thấy mình tự hào quá đỗi vì được là người con của miền sông nước dung dị, hiền lành này.
“Chợ nổi kia rồi” - đồng nghiệp của tôi reo lên. Ánh nhìn của đoàn khách du lịch bắt đầu hướng về phía mấy chục chiếc ghe, xuồng lớn nhỏ họp lại giữa dòng sông rộng. Cuối năm, lục bình trôi nổi trên sông. Có tảng lục bình to bằng chiếc ghe, có cụm lục bình trôi đơn côi, nhìn thương đứt ruột. Những chiếc ghe nâu trầm neo lại giữa dòng sông, không thứ tự, nhưng chính cái sự tự nhiên ấy mới làm nên không khí náo nhiệt, chộn rộn và sôi nổi của một quãng sông khi Tết đến xuân về. Chợ nổi vốn là đặc trưng riêng của vùng sông nước Cửu Long. Ngày nào mà chợ nổi không họp. Dường như đời người thương hồ trên sông gắn liền với cái chợ nổi này, để rồi mỗi sớm mai họ lại thức dậy xởi lởi mời hàng, có gia đình hai, ba thế hệ sống trên ghe, mưu sinh ở cái chợ nổi quen thuộc này và rồi xem chợ nổi là linh hồn, là tất cả trong trái tim của họ. Mùa xuân, chợ nổi đông hơn mọi khi. Miền Tây mùa nào thức nấy nhưng cuối năm có lẽ là “điểm hẹn” của vô số loại hoa, trái, những mùi hương khác nhau trộn lẫn vào nhau làm thành một mùi hương ngọt ngào và dễ chịu bảng lên trên dòng sông nơi chúng tôi đi ngang qua. Bác lái đò cố chạy thật chậm, lướt thật nhẹ ngang qua những chiếc ghe neo đậu trên dòng. Đôi chỗ, nhận được yêu cầu của một vài vị khách hiếu kì, bác lái đò dừng ghe lại để khách mua ít trái cây, uống trái dừa xiêm và nghe cô gái miền Tây hò mấy câu ngọt lòng để thương để nhớ…
Quê tôi ở miền Tây, tuổi thơ tôi đã từng gắn bó với cái chợ nổi này. Bởi thế, hơn ai hết, tôi thấu hiểu được hoàn cảnh và tâm tư của những người trên mấy chiếc ghe nâu trầm, thinh lặng kia. Chú tôi đã từng đi ghe một thời, còn má tôi đã từng đi ghe suốt một đời xuôi ngược. Khi về già má tôi mới bán chiếc ghe, lên bờ ở luôn. Đời má là những chuyến ngược xuôi, rày đây, mai đó. Ghe má thường bán hàng bông, gạo tấm, vải vóc,… hễ thấy thứ nào bán “có lời” là má tôi bổ hàng về bán. Ba chạy ghe, má ngồi trước mũi rao hàng cho đến khi chiếc ghe họp ở chợ nổi, má tôi lấy cái cây sào dài cắm trước mũi ghe rồi treo lên đó mấy thứ rau trái mà ghe má bán thay lời mời khách. Những hôm nghỉ học tôi thường theo má đi ghe, cũng chỉ là năm ngày mười bữa chứ không đi lâu như hành trình của ba má tôi. Tôi nhớ nhất là lần đi ghe ngay dịp Tết. Một buổi sớm thức giấc, tôi nghe tiếng trả giá, tiếng nói tiếng cười rôm rả vang động cả một khúc sông. Tôi trờ người ra: “Chợ Tết” - tôi thốt lên. Chợ nổi ngày Tết đông lắm, mà chợ nổi xưa đông đúc và sầm uất hơn chợ nổi ngày nay nhiều! Ngồi sau lái ghe vốc nước rửa mặt, tôi nhìn thấy cảnh tượng mua bán sôi nổi diễn ra trên quãng sông này. Sông thành chợ nổi. Thương hồ chín dòng sông tụ họp khúc sông này mưu sinh, nói nói cười cười để rồi khi tan chợ mỗi người một phương. Có duyên gặp lại, không duyên sẽ mãi không bao gặp lại người bạn đường hôm nào gặp gỡ chỗ quãng sông nào, bến chợ nào. Biết vậy nên tôi không dám làm quen, sợ lỡ xa rồi lại buồn, lại nhớ…
Tết năm ấy, chúng tôi ăn Tết trên ghe. Chợ nổi chỉ đông đúc đến ba mươi Tết, độ chừng giao thừa là ai về nhà nấy. Chúng tôi như những kẻ lỡ đường, đành ở trên ghe đón năm mới. Ba bốn chiếc ghe khác cũng lỡ đường như ghe tôi neo cạnh nhau làm thành một “xóm ghe” nhỏ trên dòng sông bạt sóng. Ba tôi nhâm nhi rượu đế với mấy người đàn ông ở ghe khác, ngà ngà say, ba biểu má hò cho mấy cô chú nghe câu vọng cổ cho đỡ buồn, đỡ nhớ nhà trong khoảnh khắc đầu năm. Má tôi không hò, biểu “mắc cỡ”. Ba tôi cao hứng hò luôn, dù ba tôi hò không hay bằng má, giọng khàn hơn và để nhịp rớt lỡ làng hơn…
Ăn Tết thương hồ, ghe còn gì thì ăn nấy. Bởi có bán thêm được gì nữa đâu. Trên ghe còn mấy trái dưa hấu má tôi cũng bổ ra mời khách. Ghe bên bán khô nên trên ghe còn lại mớ khô sặc bổi họ cũng nướng than hồng để cánh đàn ông “lai rai”, cánh phụ nữ ngồi trò chuyện, kể cho nhau nghe về ngôi nhà nhỏ, mảnh vườn thân thuộc của mình, than nhớ đứt ruột bóng hình người già tảo tần ở nhà, ngày Tết không thấy ghe về chắc trông đứng trông ngồi, lòng chưa an ổn… Trong những câu chuyện đầu năm ấy, có chuyện vui, có chuyện buồn, có khi cười nắc nẻ, có khi lại rơm rớm nước mắt để rồi quay qua một bên quệt nước mắt hoặc nói đùa: “Tết nhứt mà gió quá xá, tui chảy nước mắt hết rồi nè”. Đó là câu chuyện về những năm tháng nổi chìm trên dòng sông, về những cuộc chia ly, dang dở, về những phận người cùng cảnh thương hồ vì cớ gì mà phải lang bạt một đời trên chín dòng sông…
Bây giờ, chợ nổi ngày Tết không còn đông đúc như xưa. Phần vì người ta không còn thiết tha với dòng sông, với chiếc ghe nâu trầm, với những chuyến hàng mang bao âu lo về cuộc mưu sinh gian khó. Phần vì chợ nổi bây giờ hoạt động với mục đích du lịch là chủ yếu chứ không còn là cái chợ mưu sinh như thuở nào chú tôi, ba má tôi đã từng đến và đi, và rồi gieo lại nơi này những kỉ niệm không thể nào quên được.
Sóng rào rạt sóng. Những cánh sóng vỗ vào chiếc đò dọc tôi đang đi. Những cánh sóng mùa xuân trôi về đâu mang theo cụm lục bình đi mải miết. Hồn tôi thả trôi theo sóng. Lòng tôi hướng về sông, về kí ức tuổi thơ bình dị, nghèo khó thuở nào… Sông ơi, xin hãy giữ giùm tôi tất cả những hình ảnh ngọt ngào, tuy có khi buồn nhưng vô cùng êm dịu đó…/.
Tạp bút của HOÀNG KHÁNH DUY