Chủ Nhật, 22/12/2024
Triều Lý - Âm vang lịch sử

 Di tích lịch sử Đền Đô - nơi thờ 8 vị vua nhà Lý

Từ công tích vua đầu tiên Lý Thái Tổ, người xây dựng nền độc lập cho đất nước và sự nghiệp của triều Lý đến các vua kế nghiệp: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông là những vị vua không chỉ kế tục ý chí độc lập tự chủ của vua cha mà còn đề cao tên nước Đại Việt, đem trí tuệ và tài năng của mình, vì dân vì nước, sánh vai với các nước láng giềng như Đại Tống lẫy lừng thủa ấy, giữ mối bang giao hòa thuận, chấn chỉnh thể chế, kỷ cương… Không bài ngoại mà lập trạm Hoài Viễn (năm 1040) để đón khách nước ngoài. Nâng nghệ thuật cái mặc cho quan lên trình độ dạy dân dệt gấm, khỏi nhập gấm của nhà Tống. Ban bố Luật Hình Thư (năm 1042), tăng lương bổng cho các quan thanh liêm, trị rất nặng tội tham nhũng. Quy định thành luật đã là quan thì ai nấy đều có trách nhiệm bảo vệ đất nước. Đã là lễ nghi thì phải đẹp, phải đúng với phong tục và lòng dân, không bắt chước, luân thường đạo lý phải được dân coi trọng. Việc làm này vua giao cho quan. Quan phải dạy dân, gương mẫu với dân, làm hại dân, yếu nước, lỏng lẻo kỷ cương thì phép nước nghiêm trị bất kể thân sơ, nghiêm minh, thẳng thắn… Việc nước là việc trọng, quan làm việc nước, quan phải có trách nhiệm với phần việc được giao, phẩm tước được phong phải chiểu theo phép nước… Phẩm tước dành cho những người được giao nhiệm vụ đáng tin cậy. Bổng lộc dành cho các vị quan thanh liêm, không chỉ khen thưởng từng việc, mà có cả tăng lương. Phát triển văn hóa phải phổ cập toàn dân, lành và mạnh. Đào tạo nhân tài phải thông kim quán cổ, mở trường Đại học, xây Văn Miếu (năm 1070). Thi cử, lựa chọn chỉ là việc cụ thể như trồng cây, hái quả. Tuyển lựa làm quan là do nhu cầu của Nhà nước.

Từ nhiều thế kỷ, dân tài hoa của làng Đình Bảng đã nổi tiếng về làm kinh tế, văn hóa và nổi tiếng về những sự kiện lịch sử, lấy ngày Rằm tháng Ba mở hội kỷ niệm lễ đăng quang của vua Lý Thái Tổ. Cổ Pháp điện quanh năm ngát hương của quan và dân tỏ lòng ghi nhớ công ơn Nhà Lý…

Tùy duyên cảnh, Phật sự của từng người mà họ nhận lãnh những gì mà trời đất giao phó, cộng đồng tin tưởng. Thiền sư Định Không, năm 785 khi dựng chùa Quỳnh Lâm ở bản hương đã đào được một bình hương và mười chiếc khánh đồng đem ra sông Tiêu Tương rửa thì một chiếc rơi xuống nước. Nhân đó, Sư giải rằng: mười chiếc (thập khẩu) ghép lại là chữ “cổ”, một chiếc rơi xuống nước (thủy khứ) ghép lại là chữ “Pháp”, vì thế ông đã đổi hương Diên Uẩn là hương Cổ Pháp. Và ghi lại sự kiện này bằng bài thơ: Địa trình pháp khí/ Nhất phẩm tinh đồng/ Trì Phật pháp chi hưng long/ Lập hương danh chi Cổ Pháp/ Pháp khí xuất hiện/ Thập khẩu đồng chung/ Lý hưng vượng, tam phẩm thành công (Đất trình bày ra pháp khí/ Đưa Phật pháp đến thuở hưng long/ Đặt tên làng là Cổ Pháp/ Pháp khí xuất hiện/ Mười chiếc chuông đồng/ Nhà Lý hưng vượng, tam phẩm thành công).

Thiền sư Định Không trước lúc viên tịch đã dặn học trò Thông Thiện rằng: "Cổ Pháp là đất quan trọng, ắt sau này có dị nhân đến phá hoại, ngươi phải bảo vệ cẩn thận. Sau khi ta qua đời, ngươi khéo giữ đạo pháp của ta để sau gặp người họ Đinh thì truyền lại. Thế là ý nguyện của ta được toại thành". Quả nhiên Cao Biền khi đắp thành Đại La bên sông Tô Lịch đã biết “đất Cổ Pháp là đất có khí vương giả” nên đã cho đào sông Điềm Giang, đầm Phù Chẩn và yểm 19 huyệt nhằm triệt long mạch cuộc đất.

38 năm trước khi Lý Công Uẩn ra đời, thấy rõ dã tâm của kẻ thù, Thiền sư Đinh La Quý An đã cho san lấp hết các huyệt "yểm" của Cao Biền, phục hồi long mạch theo nguyên trạng. Ông đã tiến hành đúc tượng Lục Tổ Huệ Năng - Tổ thứ 6 của dòng Thiền phương Nam bằng vàng ròng, chôn ở gần tam quan chùa để khỏi bị trộm cắp và di chúc rằng khi nào có đấng minh quân ra đời thì lấy đó làm phương tiện tài chính hỗ trợ đại sự quốc gia ở thời điểm cần thiết. Năm Bính Thân (936), trước khi viên tịch, Thiền sư Đinh La Quý An cho trồng cây gạo ngầm đánh dấu tọa độ cất kín pho tượng Lục Tổ bằng vàng ròng và căn dặn đệ tử là Thiền Ông phải đắp nền xây tháp và yểm tàng không cho người ngoài biết. Khi trồng cây Gạo, Thiền sư để lại một bài sấm vĩ: “Đại sơn long đầu khởi/ Xà vĩ ẩn minh châu/ Thập bát tử định thành/ Miên thọ hiện long hình/Thố, kê, thử nguyệt nội/ Định kiến nguyệt xuất thanh” (Núi lớn khởi đầu Rồng/ Đuôi Rắn ẩn minh châu/ Nhà Lý lên ngôi/ Nhất định thành công/ Hình Rồng hiện từ gốc cây gạo/ Trong tháng chuột, ngày gà, giờ thỏ/ Mặt trời rực rỡ trên mây xanh).

Việc lựa chọn đào tạo nhân tài và việc vận động tuyên truyền để đưa người hiền tài lên ngôi không phải là chuyện một sớm một chiều.

Sau vụ sập Thái Đường nhà Lý ở Mai Lâm thì Cổ Pháp điện lúc còn lúc mất với tên mới Lý Bát Đế cho tới Nhà Hồ. Rồi giặc Minh xâm lược nước ta, đền đã bị chúng phá trụi cùng xã hội biến cải thăng trầm. Phải tới năm 1602, Nhà Lê sau khi lên ngôi đã khôi phục lại đền trên khoảng đất rộng 31.259m2. Đền vẫn giữ tên Lý Bát Đế, bố cục cân đối, kiến trúc hài hòa, quy mô hoành tráng, giữ nét trang trọng của triều đình hòa với trang nhã dân gian, mặt trước có hồ bán nguyệt - dấu vết của sông Tiêu Tương, lại còn có Thủy Đình (nhà Múa Rối) vuông vắn, mái đền chồng diềm đẹp đẽ. Tam quan với những mái đao uốn cong vừa duyên dáng vừa mạnh mẽ. Bậc tam cấp có đôi Rồng chầu bằng đá chạm khắc tinh xảo. Ở trung tâm có nhà Tiền tế 8 mái uy nghiêm và điện để bài vị, tượng các vua. Bên phải có văn chỉ, bên trái có võ chỉ. Trong đền mọi lễ vật đều là những công trình kiến trúc và điêu khắc có giá trị nghệ thuật như hương án, kiệu rước, ngựa gỗ, voi đá, tượng người hầu, đồ tế khí, bộ cánh cửa chạm rồng và cành trúc, bát mã quần phi…

Nơi đây, ngày 13/9/1945, Bác Hồ đã đến thắp hương sau ngày tuyên bố độc lập toàn quốc. 10 năm sau cuộc kháng chiến thành công, Bác trở lại lần 2 thì ngôi đền đã bị giặc Pháp phá trụi, chỉ còn là những đống gạch vụn hoang tàn. Con cháu đối với tổ tiên rất công bằng và kẻ địch cũng chọn nơi để phá… Năm 1952, Đền Đô chỉ còn lại trong bức ảnh ghi lại trong tạp chí của Viễn Đông Tồn Tích Hội.

Cách đền Lý Bát Đế khoảng 1 cây số là Đền Rồng (thờ Lý Chiêu Hoàng - vị vua nữ duy nhất của Đại Việt), tuy nhỏ bé hơn, nhưng quanh năm vẫn ngát hương và những cây Nhội cổ thụ xanh tươi một cõi đi về.

Không ít lần, tôi ngắm nhìn cánh đồng làng Đình Bảng mà lòng rưng rưng, thành kính. Tương truyền các vua nhà Lý sau khi chết đều hỏa táng theo đạo Phật. Xá lỵ (hài cốt thiêu thành tro) đưa về làng, rắc rộng khắp đồng ruộng trên thế đất “Liên hoa khai bát diệp” (hoa Sen sinh tám cánh)… với quan niệm vô cùng nhân văn là “người chết không tranh phần đất của người sống” mà các bậc đế vương đã tiên phong thực thi.

Trong âm vang lịch sử, nhớ đến bản Tuyên ngôn độc lập “Nam quốc Sơn hà Nam đế cư”, nhớ đến tư tưởng của vua Lý Anh Tông dặn lại Thái Tử khi vua lâm chung: “Nước ta non sông gấm vóc, nhân tài tuấn kiệt, đất nước anh linh, châu ngọc bảo bối, không có cái gì là không có. Nước khác không thể nào bì được. Con nên giữ nước cho cẩn thận”.

10 thế kỷ sau, tư tưởng này được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn lại các chiến sĩ quân đội nhân dân ở đền thờ các vua Hùng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Nhớ đến lời vua Lý Thái Tông: “Việc đánh dẹp từ phương xa làm tổn hại đến công việc nhà nông may sao năm nay lại được mùa lớn. Nếu trăm họ đều no đủ thì trẫm còn lo gì thiếu thốn. Vậy xá cho thiên hạ một nửa tiền thuế năm nay để an ủi nỗi khó nhọc lội suối trèo đèo. Và “Chiếu hối lỗi” của vua Lý Cao Tông: “Trẫm còn bé đã phải gánh vác nghiệp lớn như ở trong chốn cửu trùng không biết nỗi khó nhọc của đời sống muôn dân, lại nghe bọn tiểu nhân mà gây oán với người dưới. Dân đã oán than thì trẫm còn biết dựa vào ai. Nay trẫm sẽ sửa chữa lỗi lầm, cùng trăm họ bắt đầu canh tân. Ai có ruộng đất, sản nghiệp bị xung công trái pháp sẽ được hoàn lại”. Nhà Lý, rồi Nhà Trần, trong lúc giao tranh quyền lực có những hành động tàn sát… Nhưng Nhà Trần đối với dân với nước đã xứng đáng với nước với dân, đã xứng đáng với công đức Nhà Lý là cùng đề cao nền độc lập tự chủ, có những cống hiến mà nền văn minh của thế giới đời sau ghi nhận, được nhân dân trong nước gắn nền văn minh, văn hóa của mình thủa ấy là thời đại Lý - Trần.

Tôi đã chứng kiến các bô lão và trai tráng trong làng Đình Bảng xây dựng lại đền thờ Lý Bát Đế vào những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, được nhìn tận mắt, được nghe dịch văn bia tâm huyết của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Tôi cũng được biết sự đóng góp công sức tiền của nhiều người yêu nước ở khắp nước, trong đó có những người mà tên tuổi gắn liền với nhiệm vụ nặng nề, có chức tước cao vì dân vì nước. Có những người ở rất xa, không phải chỉ là kiều bào mới di tản trong chiến tranh mà là con em nhiều đời của Nhà Lý ở Hàn Quốc và các châu lục.

Cơ hội vàng trong tiến trình lịch sử với sự Từ Bi - Trí Tuệ của dân tộc ấy còn mãi những âm vang thanh cao trong tâm hồn xứ sở. Xin chắp tay đảnh lễ trước ngàn Xuân mang hồn thiêng Đại Việt - Việt Nam./.

Trương Thị Kim Dung

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất