Thứ Tư, 22/1/2025
Tiếng đàn từ đại ngàn

 Già A Phênh với cây đàn ting ning

Đàn ting ning góp phần tạo nên sự đa dạng và đặc sắc trong trình diễn nghệ thuật khi có thể dùng độc tấu, hòa tấu với các nhạc cụ khác. Với âm hưởng du dương thánh thót, lúc cao vút, lúc trầm bổng, cây đàn ting ning như thay lời mến thương của người con trai gửi người yêu. Theo thời gian, ting ning trở thành nhạc cụ gần gũi, xuất hiện trong sinh hoạt hằng ngày và lễ hội, là nét đẹp không thể thiếu trong các sự kiện văn hóa của đồng bào các dân tộc cư trú ở vùng bắc Tây Nguyên như Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng hay Gia Rai.

Công đoạn chế tác không khó nhưng để tạo ra những chiếc ting ning dáng đẹp, tiếng hay và sử dụng bền lâu còn phụ thuộc tài năng của nghệ nhân. Giống như đàn t’rưng hay klông pút, thân đàn làm bằng ống nứa hay lồ ô thật già, được hong khô trên bếp, to bằng cổ tay, dài chừng 70 đến 80cm trên đó có lỗ để gắn những thanh tre, gỗ hoặc dây mây làm cần đàn, có tác dụng "lên dây đàn" để điều chỉnh nốt nhạc và hợp âm. Mỗi chiếc ting ning, tùy theo thiết kế, có từ chín đến 13 cần đàn, tương đương với số dây đàn được nối vào. Thân đàn được gắn với một quả bầu khô tạo dáng nhỏ xinh, thường được nhuộm đen để trông đẹp hơn.

Già A Phênh ở xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), người biết chơi và chế tạo đàn ting ning cho biết: "Ngày xưa, cha ông tôi thường làm dây đàn từ lõi dây cáp điện thoại, giờ đây mọi người có thể thay bằng sợi phanh dây xe đạp hay dây kẽm. Đàn thô sơ nhưng âm thanh phát ra trong trẻo, không ồn ào mà nhỏ nhẹ như tâm sự đôi lứa". Ting ning là loại đàn dành cho nam giới. Khi chơi, người ta có thể cầm đàn trên tay hoặc kê vào đùi, tựa vào người nhưng vẫn đòi hỏi sự khéo léo, phối hợp nhịp nhàng của người cầm đàn vì phải đánh bằng hai tay. Âm thanh phát ra từ dây đàn truyền đến thân đàn rồi tới quả bầu cộng hưởng.

Đàn ting ning độc đáo vì có thể được độc tấu, mang đến những giai điệu dịu êm, ngọt ngào của tình yêu, nhưng cũng có thể dùng đệm dân ca, làm cho bài hát thêm cuốn hút. Tiếng nhạc vui tươi hay sâu lắng tùy thuộc vào giai điệu của bài hát cũng như tâm trạng của người chơi đàn. Tuy nhiên, loại nhạc cụ truyền thống này đang đứng trước nguy cơ mai một, bởi hiện nay, số người biết chơi đàn thuần thục như già A Phênh đã ít dần. Để bảo tồn và gìn giữ nét đẹp văn hóa của các nhạc cụ Tây Nguyên, trong đó có cây đàn ting ning, mong rằng thời gian tới sẽ có nhiều chương trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên địa bàn; xây dựng chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân để họ tiếp tục truyền dạy cho thế hệ sau, cùng gìn giữ nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình./.

(nhandan.vn)

Gửi cho bạn bè