Ít người biết rằng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cùng nhiều kiến trúc đặc sắc như chùa Một Cột, chùa Thiên Mụ (với tỷ lệ 1/1)… của Việt Nam đã xuất hiện tại Paris, Marseille, Lyon (Pháp), New York, San Francisco (Mỹ) hay Bruxelles (Bỉ) cách nay hơn một trăm năm trong các cuộc đấu xảo.
|
Một góc không gian triển lãm “Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ”
|
1/Đấu xảo là cách gọi cũ của hoạt động hội chợ, triển lãm, được tổ chức để giới thiệu và quảng bá các tác phẩm, sản phẩm hàng hóa, từ đó tạo cơ hội cho thị trường, thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Hơn 300 tài liệu và hiện vật trong triển lãm “Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I vừa tổ chức cho thấy, sự góp mặt của các hình ảnh mang tính biểu trưng và các loại hàng hóa đặc sắc tại các hội đấu xảo trong nước cũng như quốc tế đã giúp cho thế giới biết đến bản sắc và tinh hoa Việt trong nhiều lĩnh vực.
Tại Việt Nam, hội đấu xảo Gia Định tổ chức năm Tự Đức thứ 19 (1865) được coi là hội đấu xảo lớn đầu tiên tại Nam kỳ. Còn tại Hà Nội hội đấu xảo đầu tiên được tổ chức năm 1887 chủ yếu để giới thiệu nghề thủ công và trao đổi hàng hóa. Tài liệu sưu tầm có viết, các sản phẩm kỹ nghệ An Nam được bố trí một cách thông minh thành hai dãy lán để khách tham quan có thể dễ dàng xem công việc của những người thợ: làm quạt, trống tam-tam, làm nhạc cụ, làm lọng, sơn mài và đồ vật bằng giấy... Lán ở bên dành cho thợ làm mành, làm giấy, dệt lụa… người xem có thể quan sát thao tác sản xuất của người thợ. Có 50 thợ của các xưởng nghề bản xứ của Hà Nội tham gia đấu xảo. Các sản phẩm trưng bày đều được chấm điểm và đề nghị tặng thưởng. Nhiều huy chương được đề nghị trao cho các sản phẩm thủ công của Việt Nam. Thợ khắc Nguyễn Văn Ngân được đề nghị trao Huy chương bạc. Thợ dệt lụa Nguyễn Văn Du cũng được đề nghị trao Huy chương bạc…
|
Áp-phích đấu xảo Hà Nội năm 1902
|
Năm 1902, cùng với việc khánh thành Cung Đấu xảo (nằm phía bên trái của đại lộ Gambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay) dẫn đến nhà ga trung tâm hội đấu xảo Hà Nội mở cửa, đã khắc họa một dấu mốc đặc biệt về sự góp mặt của hàng hóa từ nước Pháp, từ các thuộc địa Pháp và một số quốc gia châu Á, trở thành một trường đấu mang tính quốc tế.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, người Pháp rất bài bản, họ xây dựng một trung tâm để quảng bá hình ảnh và nguồn lực kinh tế của Việt Nam ngay bên cạnh đầu mối xe lửa lớn là Ga Hàng Cỏ sau này. Cũng tại khu vực này, những họa sĩ đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng đã phục vụ cho các cuộc đấu xảo. Đấu xảo trở thành nơi giao lưu, đặc biệt là dạy nghề. Có nhiều nghề được đưa vào nước ta từ các cuộc đấu xảo bởi lợi thế từ lực lượng lao động nông nhàn lớn. Như nghề làm ghế mây, đan mũ cói panama, hay thêu ren… Đây là hoạt động rất quan trọng để thúc đẩy tay nghề cũng như sự sáng tạo trong việc phát triển nghề thủ công lúc đó.
2/Trong các cuộc đấu xảo quốc tế tại Pháp, Mỹ, Bỉ… cuối thế kỷ 19 đều có sự tham gia của các nghệ nhân Việt Nam. Năm 1866, triều đình nhà Nguyễn đã cử một phái đoàn sang Pháp để tham quan hội đấu xảo thế giới tổ chức lần thứ hai tại Paris vào năm 1867. Người phương Tây đã bị chinh phục bởi nét tinh xảo, vẻ tao nhã, độc đáo và mới lạ của các sản phẩm đến từ Việt Nam. Trong số các hội đấu xảo có sự tham gia của Việt Nam thời kỳ đó, hội đấu xảo thuộc địa năm 1931 đã giới thiệu hình ảnh, tiềm năng và các sản phẩm hàng hóa của Đông Dương một cách phong phú và đa dạng nhất nhưng cũng tạo nên làn sóng phản đối dữ dội nhất.
Theo bà Đỗ Hoàng Anh, Trưởng phòng Phát huy giá trị tài liệu, năm 1931, Pháp đã tổ chức cuộc đấu xảo có quy mô lớn giới thiệu những tinh hoa ở tất cả các thuộc địa của mình. Mỗi thuộc địa có một khu trưng bày riêng. Khu giới thiệu đất nước Việt Nam có kiến trúc tiêu biểu của ba miền Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ như chùa Một Cột (Hà Nội), chùa Thiên Mụ (Huế)… Trong vòng sáu tháng tổ chức, cuộc đấu xảo thu được thành công lớn với hơn 8 triệu khách tham quan.
Nhìn lại, các cuộc đấu xảo thời xưa đóng vai trò rất quan trọng bởi đây là hoạt động hầu như duy nhất để giới thiệu sản phẩm, kỹ thuật của các làng nghề, nghệ nhân với các địa phương, các quốc gia khác. Nhà sưu tầm báo chí Nguyễn Phi Dũng cho biết, thông qua công việc sưu tầm, tôi bắt gặp những mẩu rao về các hoạt động đấu xảo trên báo cũ. Qua đó để biết rằng ý thức chuyên nghiệp khi tổ chức các hoạt động đấu xảo đã có từ rất lâu.
Triển lãm “Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ” như tiếng vọng của bản sắc Việt vang lên từ quá khứ. Sự kiện mang tới không gian khám phá di sản ký ức, bên cạnh đó còn là dịp để “đánh thức” thế hệ thời nay cần duy trì, tiếp nối và phát huy các hoạt động “đấu xảo” trong thời kỳ hội nhập sao cho thật sự có hiệu quả. Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, quay trở lại thời điểm hiện nay, tôi nghĩ rằng đã lâu chúng ta lạm dụng chữ hội chợ. Chúng ta mới chỉ quan tâm tới việc bán hàng chứ chưa tính đến động lực để sản xuất và thương mại phát triển.
(nhandan.vn)