Thứ Sáu, 22/11/2024
Niềm vui ngày Tết Độc lập

 Chương trình nghệ thuật "Âm vang mùa thu" chào mừng Quốc khánh 2/9
diễn ra tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ

Các di tích, điểm tham quan du lịch, khu vui chơi, giải trí tấp nập đón người dân đến tham quan, vui chơi trong không khí hân hoan, rộn ràng mừng ngày Tết Độc lập.

Kỳ nghỉ lễ 2/9 đúng vào dịp Hà Nội chuyển tiết thu, trời nắng đẹp, không quá nắng nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Sáng 1/9, Sở Du lịch phối hợp Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức chương trình diễu hành áo dài với tên gọi “Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội năm 2024”.

Do thời tiết thuận lợi, các địa chỉ du lịch, các khu vui chơi giải trí ngoài trời tấp nập khách du lịch từ sáng đến tối. Hồ Hoàn Kiếm luôn là địa điểm vui chơi “không thể bỏ lỡ” với người dân. Năm nay, dịp nghỉ lễ cũng gần với Tết Trung thu, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp các đơn vị, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa.


 Các cháu bé vui chơi tại Khu du lịch Tuần Châu-Quốc Oai (Hà Nội) trong kỳ nghỉ lễ

Khách du lịch đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám vừa tham quan các di sản văn hóa, vừa được chiêm ngưỡng hàng trăm bức thư pháp trong triển lãm “Nghiên bút còn thơm”. Những địa chỉ khác cũng luôn trong tình trạng khách phải xếp hàng mua vé...

Công viên Thiên đường Bảo Sơn (Hoài Đức) với chương trình “Lễ hội xứ sở thần tiên”, Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Dịp này, Sở Du lịch Hà Nội tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm nhằm bảo vệ an toàn cho khách du lịch.


 Khách tham quan vui lễ 2/9 tại Suối Tiên (Thành phố Hồ Chí Minh) trong ngày 31/8

Ngày 1/9, rất đông người dân Thành phố Hồ Chí Minh đổ về các khu vui chơi lớn trên địa bàn thành phố. Tại Khu du lịch Suối Tiên, thành phố Thủ Đức, du khách được hòa mình trong không gian nghệ thuật đầy sắc màu của show diễu hành “Suối Tiên Farm rẽ sóng vươn mình hội nhập”. Dịp này, nhiều bảo tàng ở thành phố đều mở cửa miễn phí phục vụ du khách đến tham quan trong ngày 2/9.


 Người dân trong tà áo dài truyền thống đạp xe diễu hành trên đường phố Hà Nội
 tạo khung cảnh đẹp trong những ngày tháng Tám lịch sử

Tại Đà Nẵng, từ sáng sớm ngày 1/9, rất đông người dân, du khách đã tập trung tại khu vực hai bên bờ sông Hàn, cầu Rồng để hòa mình vào không khí lễ hội, cổ vũ cho các đội tham gia Giải đua thuyền truyền thống thành phố Đà Nẵng mở rộng-Cup VTV8 do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với VTV8 tổ chức.


 Chương trình nghệ thuật đặc sắc "Tình Đất nước” tại thành phố Đà Nẵng

Ông Trần Ngọc Dũng, 65 tuổi cho biết, đã thành thói quen, cứ dịp Quốc khánh là ông cùng con cháu đi xe máy từ Quảng Nam ra thành phố Đà Nẵng chơi. Chưa khi nào ông thấy giải đua thuyền đông như thế, không khí rất sôi động. Đến Đà Nẵng trong dịp lễ này, du khách được thưởng thức những màn trình diễn độc đáo, đặc sắc của các nghệ sĩ tại show “Symphony of River” tại Danang Downtown.

Chào mừng Quốc khánh 2/9, thành phố Cần Thơ tổ chức chương trình nghệ thuật “Âm vang mùa thu” tại công viên Châu Văn Liêm (quận Ô Môn), tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, cùng các tiết mục văn nghệ ca ngợi quê hương, đất nước, vẻ đẹp của vùng đất Cần Thơ, thành phố bên bờ sông Hậu. Dịp này, thành phố Cần Thơ tổ chức Giải đua xe mô-tô toàn quốc tại sân vận động Cần Thơ, thu hút hàng chục nghìn người đến xem, cổ vũ.

Không khí đón mừng Quốc khánh không chỉ náo nức ở các thành phố lớn, tại các tỉnh miền núi với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều phong tục, tập quán văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước trong kỳ nghỉ lễ này.


 Hoạt động văn hóa nghệ thuật cộng đồng đường phố của đồng bào dân tộc Thái
trong dịp Quốc khánh 2/9 tại huyện Mộc Châu (Sơn La)

Dịp này, 12 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều chương trình hoạt động văn hóa, văn nghệ và chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực và điều kiện cần thiết để phục vụ du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đến ngày 1/9, các resort, khách sạn, nhất là các homestay đều đã kín khách. Đồng chí Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (tỉnh Sơn La) cho biết: “Từ ngày 28/8, xã tổ chức lễ hội mừng cơm mới với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động trải nghiệm đậm bản sắc dân tộc do các nghệ nhân và đội văn nghệ 15 bản biểu diễn, thu hút hàng nghìn người tham dự”.


 Du khách tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Dao ở Mộc Châu

Tại các xã vùng cao cũng diễn ra nhiều hoạt động như: Phiên chợ vùng cao, biên giới huyện Yên Châu tổ chức tại chợ trung tâm xã Phiêng Khoài từ ngày 31/8 đến 2/9 với sự tham gia của sáu xã vùng cao, biên giới và một số bản giáp biên của nước bạn Lào. Năm nay, huyện Mộc Châu tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh trật tự sẵn sàng phục vụ du khách về tham dự Tuần văn hóa, du lịch năm 2024 “Mộc Châu-Tiếng gọi mùa yêu” diễn ra từ ngày 28/8 đến 4/9 và “Phiên chợ Tiếng khèn gọi bạn” từ ngày 31/8 đến 2/9, mang tới không gian lễ hội độc đáo cho du khách.

Tại huyện Than Uyên (Lai Châu), năm 2024 là năm đầu tiên tỉnh Lai Châu tổ chức Tết Độc lập ở quy mô cấp tỉnh, với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ nhân dân địa phương và khách du lịch. Từ chiều ngày 30/8, đã có hàng nghìn lượt du khách có mặt tại trung tâm huyện Than Uyên với mong muốn được tham gia trải nghiệm các hoạt động đặc sắc của người dân Tây Bắc.


 Khách tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc
tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu

Anh Hoàng Lầm Giang, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Đây là lần đầu tôi tham dự một Tết Độc lập đông vui như vậy. Ban đầu tôi chỉ nghĩ đi để trải nghiệm không khí đón Tết Độc lập của đồng bào dân tộc vùng cao, đến đây thì tôi thấy mình may mắn vì đã lựa chọn đúng…”.

Theo ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Than Uyên, năm nay là năm thứ 12 chính quyền địa phương tổ chức Tết Độc lập để người dân và khách du lịch tham gia, vui chơi. Tuy nhiên đây là năm đầu hoạt động này được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, cho nên số lượng người tham gia tăng vọt. Dịp nghỉ lễ năm 2023, huyện đã đón hơn 85.000 lượt người, trong đó hơn 5.000 lượt người lưu trú. Do cơ sở hạ tầng của huyện còn hạn chế, cho nên năm nay dù đã có chuẩn bị, song Ban tổ chức và các cơ sở lưu trú chỉ đáp ứng được hơn 6.000 chỗ ở qua đêm.

Dịp này, tỉnh Đắk Lắk khai mạc Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3 năm 2024 và Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ 2 năm 2024, đông đảo người dân trong tỉnh và du khách đổ về đây tham gia các hoạt động của liên hoan và lễ hội. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại cho biết, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng năm nay thu hút gần 600 nghệ nhân, diễn viên quần chúng của các đoàn đến từ 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tham dự.

Không khí đón mừng Quốc khánh không chỉ náo nức ở các thành phố lớn, tại các tỉnh miền núi với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều phong tục, tập quán văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước trong kỳ nghỉ lễ này.

Liên hoan diễn ra từ ngày 31/8 đến 1/9 tại Buôn du lịch cộng đồng Ako Dhông, phường Tân Lợi và Khu du lịch sinh thái cộng đồng Kotam, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột. Trong sáng 31/8 và 1/9, tại khu vực trình diễn cồng chiêng ở buôn Ako Dhông, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột thu hút đông đảo du khách đến thưởng thức và tìm hiểu văn hóa cồng chiêng. Anh Nguyễn Trọng Hùng, một du khách đến từ Thủ đô Hà Nội chia sẻ: Tôi rất ấn tượng khi được tham dự Liên hoan Văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, bà con đã mang tới liên hoan rất nhiều các nghi lễ, lễ hội và trình diễn rất nhiều loại nhạc cụ, cồng chiêng của các dân tộc khác nhau trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ này.


 Một trong những hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ê-đê
tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng năm 2024 phục vụ nhân dân và khách du lịch

Cùng với Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, tối 31/8, tại thị trấn Phước An cũng diễn ra khai mạc Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc - phát triển và hội nhập”, thu hút hàng nghìn người dân trong tỉnh và du khách đến vui chơi. Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến phấn khởi cho biết, Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc năm nay có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như:

Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương với hơn 400 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã tới từ các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hội thảo Xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững nhằm chia sẻ, thông tin về một số vấn đề trọng tâm trong phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững tại tỉnh Đắk Lắk.

Trong đêm khai mạc lễ hội, vợ chồng anh Nguyễn Hồng Sơn và nhóm bạn đến từ tỉnh Tiền Giang có mặt từ rất sớm để tham quan các gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh và thưởng thức sầu riêng. Anh Sơn cho biết: “Lần đầu đến với Đắk Lắk, được tham gia các hoạt động của Lễ hội Sầu riêng, tôi thấy cuộc sống của người dân ở huyện Krông Pắc nói riêng, Đắk Lắk nói chung khởi sắc rất nhiều, ẩm thực ở đây rất ngon, ai trong đoàn cũng thích. Ngoài tham gia các hoạt động của lễ hội, đoàn chúng tôi sẽ tham quan một số khu du lịch, văn hóa khác ở Đắk Lắk để hiểu hơn về vùng đất hùng vĩ và kỳ bí này”./.

(nhandan.vn)

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi