Thứ Tư, 22/1/2025
Mừng cơm mới

 

Ngày mùa ở quê, nhà nhà tấp nập, nhộn nhịp, sân chất đầy thóc. Để nhanh có được nồi cơm gạo mới cúng tổ tiên, mẹ tôi đã dành riêng một gánh thóc chỉ cần phơi ba nắng là có thể đem xay sát được. Những hạt gạo mới, trắng trong, thơm hương, mười hạt như cả mười. Nhưng để nấu được nồi cơm ngon thật không dễ. Mẹ tôi vừa hướng dẫn cô cháu gái cách khéo đổ nước sao cho vừa đủ, cách đun lửa sao cho cháy đượm, tay đảo nhanh sao cho nồi cơm sôi đều, để khi cơm chín, nhà này mở vung, nhà kia cũng thấy mùi thơm ngào ngạt của cơm gạo mới. Mẹ tôi bảo, những người nông dân quanh năm một nắng hai sương, nhà nào cũng mong sớm được quây quần quanh nồi cơm gạo mới.

Sau bữa mừng cơm mới, các con tôi ngồi nghe bà kể sự tích Lễ mừng cơm mới. Chuyện rằng, đã thành thông lệ, hằng năm, cứ vào độ tháng 10 dương lịch, khi những cách đồng lúa trải tấm thảm vàng óng cũng là lúc các gia đình trong bản tất bật với công việc chuẩn bị cho Lễ mừng cơm mới. Người Tày quan niệm, để có một vụ mùa bội thu thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng. Do vậy, nhà nào cũng làm Lễ mừng cơm mới với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, đất trời. Từ bao đời nay, người Tày rất coi trọng Lễ mừng cơm mới, bởi nó vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa biểu hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng mang tính nhân văn sâu sắc. Lễ mừng cơm mới còn là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết qúy trọng sức lao động và đạo lý sống ở đời. Vì thế, dù công việc có bận rộn đến đâu, con cháu vẫn cố gắng sắp xếp thời gian về xum vầy cùng gia đình trong ngày Lễ mừng cơm mới. Trong Lễ mừng cơm mới, bao giờ cũng phải có mâm cúng tổ tiên, gồm cá suối đồ, canh khoai sọ, xôi nếp mới gặt, cá chua, 5 chén rượu, 5 đôi bát đũa, hoa quả, trầu cau… Đặc biệt, mâm cúng cơm mới của người Tày không dùng thịt gà, vịt vì họ cho rằng những con vật này cũng ăn gạo ăn thóc như người. Ông mo (Thày cúng) được mời đến mo các bài mo bằng tiếng Tày với ý nguyện cầu cho mùa màng năm tới được mùa, gia đình được ấm no có của ăn của để và mời các bậc tổ tiên về cùng dự Lễ mừng cơm mới với con cháu. Sau khi mo xong, mâm cỗ cúng được dọn ra, chủ nhà và họ hàng cùng nâng chén rượu mừng một năm sản xuất được mùa, bội thu, cầu chúc cho vụ mới mưa thuận gió hòa, gia đình an vui. Lễ mừng cơm mới, ngoài thể hiện đời sống tâm linh còn mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bởi, đây cũng là dịp để anh em trong gia đình, họ tộc hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình thuận hòa và thắt chặt thêm tình đoàn kết, cùng bảo ban nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Kể đến đây, mẹ tôi hạ giọng trầm ngâm, nói: Những năm đất nước bị chiến tranh, giặc dã, mất mùa, đói kém triền miên, người ta mong mùa gặt vừa là để được ăn cơm mới vừa là báo hiệu đã hết những ngày giáp hạt, đói kém. Những ai đã qua thời đó, rơi vào cảnh thiếu ăn mới thấu hiểu hết ý nghĩa của mùa gặt. Vì thế, nồi cơm gạo mới thời ấy dễ gì mà quên được, dù chỉ  ăn với muối cũng ngon tuyệt rồi, các cháu ạ!

Bọn trẻ nghe xong chuyện, hớn hở rủ nhau ra đồng xem máy gặt lúa. Nhìn bọn trẻ tung tăng, mẹ tôi bảo: Bây giờ ngày mùa không còn cảm giác háo hức với nồi cơm gạo mới như xưa nữa bởi cuộc sống đã đủ đầy hơn. Tục cúng cơm mới chỉ còn rất ít nơi duy trì, lưu giữ được. Dù rằng nhiều người có lúc, có khi vẫn chợt nhớ về nguồn cội, rủ nhau đi nhà hàng ăn cơm niêu, canh cua, cá rô đồng… nhưng xem ra, hương vị đã khác xưa rất nhiều!

Kim Ngân

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi