Thứ Hai, 23/12/2024
Nét văn hóa trong phong tục khai xuân

Từ xưa, ông cha ta đã có lệ vào dịp đầu xuân năm mới, người có chức tước thì khai ấn, học trò khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở hàng lấy ngày… Dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hanh thông, làm ăn suôn sẻ, đầu xuân chọn ngày tốt đẹp bắt tay lao động sớm, tránh tình trạng hội hè đình đám, vui chơi sa đà. Ngày xuân được chọn là thời điểm của mọi sự gửi gắm hy vọng, sự bắt đầu cho những điều tốt lành. Vì vậy, mùa xuân là mùa của những hoạt động khai mở, mang đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam.

Việc đầu tiên mang tính khai mở đó là vào những ngày áp Tết, các gia đình đều có động tác “Tống cựu nghinh tân”, quyét dọn sạch sẽ nhà cửa, mở rộng cửa, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế, ấm chén, vật dụng lao động sản xuất… Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò cháu con từ phút giao thừa trở đi không quấy khóc, cãi cọ nhau, không nói tục, chửi bậy… Đối với bà con xóm giềng, dù trong năm cũ có điều gì bất hòa, xích mích thì sau phút giao thừa người ta vẫn “chuyện cũ cho qua” để chúc nhau những điều tốt lành. Ngày Tết, việc mở rộng cửa, mở ngõ ở các gia đình để đón khách tỏ lòng hiếu khách còn có ý nghĩa cho linh hồn tổ tiên về hưởng mấy ngày Tết và mở cửa chào đón thần tài, thần lộc.

Ngay những ngày trước Tết, những người làm ăn buôn bán đã tính chọn ngày tốt để mở cửa hàng lấy may, khai trương việc buôn bán, gọi đó là ngày “khai nghề”, “làm lấy ngày”. Đối với người thợ thủ công thì tự làm cho gia đình mình sản phẩm, hay một dụng cụ gì đó. Người buôn bán mở cửa bán hàng lấy may, lấy giờ, nếu hàng nào đông khách thì coi đó là sự may mắn.

Khai bút là một tục hay được ông cha ta rất coi trọng. Thời điểm cầm bút viết những dòng đầu tiên mang ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt. Khai bút là nắn nót, thận trọng viết những dòng chữ đầu năm. Giao thừa xong, khai bút chữ tốt văn hay tức là báo hiệu sang năm học hành tấn tới, thi cử gặp may.

Mùa xuân là mùa của lễ hội. Nhiều lễ hội được khai mở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất như hội xuống đồng thi cấy, hội thi vật để rèn luyện sức khỏe, hội làng, hội đền, hội chùa… Đặc biệt, mùa xuân năm nào ở nước ta cũng có lễ hội trồng cây, tạo ra một không khí khai mở thật sinh sôi.

Với những ý nghĩa nhân văn đó, phong tục khai xuân ngày nay vẫn được duy trì, tạo thành những nét đẹp văn hóa góp phần phát huy thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc.

 Kim Ngân

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi