Thứ Bảy, 23/11/2024
Yêu lắm chợ Tết quê tôi
 
 Chợ Tết luôn ngập tràn sắc màu

Sáng nay thức dậy, mở cửa bước ra đường, hơi lạnh sẽ lùa qua làn tóc, theo gió, vài hạt mưa bay thoảng qua lướt nhẹ trên má, rét mơn man… Mưa Xuân đã đến, vậy là Tết sắp về rồi! Những hình ảnh về Tết nơi quê nhà cứ lần lượt hiện về trong suy tưởng. Trong tôi bỗng có sự háo hức lạ kì khi nghĩ về Tết quê, trong đó là sự mong chờ một trong những hoạt động nhiều màu sắc nhất của Tết – phiên chợ vùng cao quê tôi - một vùng miền núi Tây Bắc Nghệ An, nơi tập trung văn hóa của nhiều vùng miền, nhiều dân tộc, tạo nên sự đa dạng và đặc sắc cho quê tôi.

Chợ Tết bắt đầu từ khoảng 20 tháng Chạp, ngoài khu chợ chính, hai bên đường tấp nập bà con từ các làng bản xa gần cùng nhau bày bán những thực phẩm, vật dụng do nhà tự sản xuất hoặc tự vào rừng tìm kiếm. Đông đảo nhất có lẽ là những gánh lá dong xanh mướt. Lá dong quê tôi to bản, mịn màng, thân lá dày hơn rất nhiều so với lá dong dưới xuôi. Đơn giản vì đây không phải là người dân tự trồng mà họ đã phải vất vả lặn lội vào trong rừng sâu, nơi cây dong mọc tự nhiên thành từng vạt lớn, người ta cắt, bó lại thành từng bó lớn, quang gánh đưa về. Có lẽ vì thế mà vị bánh chưng Tết quê tôi mang hương thơm đặc trưng từ lá dong rừng và nếp nại. Ăn miếng bánh, vị ngon và thơm dẻo làm người ta nhớ mãi không quên.

Bên cạnh những hàng lá dong là hàng nếp nại. “Nại” là danh từ đặc trưng, chỉ những cánh đồng lúa hoặc hoa màu của người dân nơi đây. Nếp nại có thể xem là một đặc sản của quê tôi. Hạt nếp trắng ngần, đều tăm tắp, vốc lên ngửi đã thấy hương thơm mà chưa cần đồ chín hay gói thành bánh. Nếp nơi đây có đặc điểm là càng vắt sẽ càng dẻo. Khi đồ lên, hạt nếp dẻo và khô ráo, không bị nát, cầm lên tay, càng vắt nếp sẽ càng kết dính vào nhau và dẻo lạ kì. Cứ mỗi dịp Tết đến, người ở các huyện khác lại hối hả đặt hàng, vì qua nhiều năm trao đổi hàng hóa, tiếng lành đồn xa, người ta đã biết đến loại nếp này. Bên cạnh nếp trắng, nguời ta còn bày bán nếp cẩm hay còn gọi là nếp tím. Bánh chưng được gói bằng nếp cẩm mang một màu tím rất lạ mắt. Nếp cẩm thơm và bùi nên còn được dùng để ủ rượu. Tết đến, nhà nào cũng chuẩn bị một hũ rượu nếp cẩm thơm lừng để đãi khách quý. Trong men rượu nồng là những lời thăm hỏi ân cần, ấm tình làng nghĩa xóm.

Quê tôi còn có một món ăn đặc trưng của Tết mà người Thái, người Thanh hay làm đó là dưa muối ống. Nguyên liệu chính là “dưa nại”, thân nhỏ, lá nhỏ, hơi cay, lúc muối chín dưa có vị nồng, nhưng sau đó lại ngọt, ăn kèm với thịt cá ngày Tết rất thơm ngon. Dưa vào vụ Tết được bày bán hai bên đường, trong những chiếc gùi nhỏ, người ta bán dưa bán kèm cả ống nứa, dù bây giờ hũ sành, hộp nhựa nhiều thì người dân quê tôi vẫn lựa chọn cách muối dưa truyền thống đặc sắc này vì nó có hương vị đặc trưng thơm ngon không cưỡng lại được!

Tìm đến sâu trong góc chợ là nơi huyên náo nhất, không chỉ ngập tràn màu sắc mà còn rộn ràng âm thanh, bởi đây là nơi bán các loại lợn, gà, vịt… Đặc biệt ở đây, người ta bán lợn nguyên con, mỗi con lợn rất bé, tầm 7-10 kg, vì thế thường được gọi là “lợn cắp nách” hay “lợn cỏ”. Tuy nhiên hiện giờ, giống lợn này rất hiếm, thường thì trước Tết người mua đã vào từng nhà dân để đặt, nên ở chợ không còn bán nhiều. Loại lợn thứ hai to hơn, toàn thân nâu xám, con lớn nhất nặng tầm 20-25 kg, đây cũng là loại lợn ngon vì được nuôi theo kiểu thả rông hoàn toàn. Thường thì vào mỗi dịp Tết, hai đến ba gia đình ở gần nhau sẽ cùng chung tiền mua một con lợn này về thịt, vừa an toàn, vừa tiết kiệm, lại vừa vui vì có dịp để quây quần bên nhau trong không khí Tết đang về.  Quê tôi còn có một đặc sản nữa là vịt bầu, thịt vịt dai, chắc, ngọt, nuôi tự nhiên ở khe suối lớn, có lẽ do “ngọt nước, ngọt đất” mà vịt mới có vị đậm đà như vậy. Gà ở đây cũng rất bé, mỗi con lớn nhất cũng chưa đến 1 kg, độ ngon thì khỏi bàn.

Bên cạnh đó, do sự đa dạng về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, chợ quê tôi còn bán những hàng hóa ngày Tết đặc sắc chỉ vùng cao mới có, các gian hàng lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp. Nào là câu đối Tết đỏ thắm, lịch Tết nhiều màu sắc, những chum đèn nhấp nháy trang điểm cho căn nhà thêm tươi sáng… rồi đến những gian hàng bán thực phẩm như hành khô gói bánh, dưa muối, trầu cau, hoa quả thắp hương… Các món hàng cũng đầy đủ như bất kì một khu chợ “dưới xuôi” nào khác.

Nói đến chợ Tết, tôi hứng thú và ấn tượng nhất là khu bán hoa Tết. Trước đây, chợ chỉ bán những loại hoa người dân tự trồng, khi kinh tế ngày càng phát triển, giao thông đi lại thuận lợi, thì người ta còn nhập hoa ở nhiều vùng miền khác về. Nhiều loại hoa, nhiều màu sắc, nhiều hương thơm càng tô điểm thêm cho hương sắc ngày Tết quê tôi. Phổ biến nhất là các loại cúc, cúc được trồng nhiều trong chậu để trưng trong nhà, ngoài sân. Cúc đại đóa, cúc li ti, cúc vàng, xanh, đỏ đủ cả… Ngày Tết, người dân quê tôi thường lựa chọn cắm mấy cành tầm xuân, lay-ơn… trưng trong phòng khách, cả phòng như sáng lên bởi sự rực rỡ của các loại hoa.

Nhắc đến hoa Tết mà quên mất đào thì là một sai lầm lớn. Như đã thành tập tục, nhà nào cũng cố tìm cho nhà mình một cành đào thật đẹp, thật ưng ý. “Đào bản địa” ở đây là đào phớt, mọc tự nhiên, cành đào đẹp là đào có nhiều nhánh đối xứng, lá nhỏ, xanh, mới ra nụ, mùng 1 Tết đào bắt đầu nở, trên cành có cả hoa cả nụ là ưng ý nhất. Người dân quê tôi có một câu chuyện rất hay, đó là vào những ngày Tết, nhà nào tìm được bông đào có 6 cánh thì nhà đó năm nay sẽ phúc lộc sum vầy. Chính vì thế, niềm vui của những đứa trẻ khi đến nhà nhau chơi là thi nhau ngắm và tìm hoa đào mang nhiều may mắn, đó cũng là niềm hân hoan chung trong cái Tết sum vầy! Ngoài đào phớt, hiện nay ở chợ cũng bán đào thắm, quất cảnh, mai vàng… nhập từ nơi khác về, giờ thì mỗi nhà có thể trưng hoa, trang trí theo ý thích của mình, làm cho Tết quê thêm muôn màu, muôn vẻ.

Dạo quanh chợ, không chỉ thấy ấm áp và rạo rực bởi màu sắc của Tết, mà tôi còn bị rung động bởi hương vị đặc trưng ngày Tết. Đó là hương trầm lan tỏa trong không khí với mùi hương thơm nồng đặc sắc. Hương trầm người ta đốt để giới thiệu, để bán, từng bó hương trên nền giấy trắng có nhuộm viền hồng cũng chính là một trong những nét đẹp của chợ quê.

Tết là cả một sự háo hức chờ mong của nỗi niềm thơ trẻ. Lớn khôn, lại xa quê hương, chợ Tết càng in đậm trong nỗi nhớ quê da diết. Chợ Tết là nét văn hóa mang đậm hồn quê hương để những người đi xa như tôi luôn trân trọng, muốn níu giữ, muốn tìm về…

Nguồn: quehuongonline.vn/Thủy Trang, 9/2/2016

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi