Thứ Hai, 23/12/2024
Múa sư tử, nét văn hóa của người Tày, Nùng xứ Lạng

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vi Hồng Nhân, ở thôn Khòn Lèng, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn cho biết: Xưa nay, đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn thường quan niệm, sư tử là chúa sơn lâm, vua của các loài vật. Đầu năm sư tử xuất hiện là điềm lành, biểu hiện của thiên hạ thái bình. Nó còn được đồng bào ưa thích vì có nhiều vũ điệu khỏe khoắn, phù hợp tinh thần thượng võ của người miền núi. Vì vậy, người dân quan niệm múa sư tử sẽ xua đuổi được tà ma, diệt mọi ôn dịch làm chết gia súc; giúp chăn nuôi, làm ăn dễ dàng, đời sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt bội thu…

 
 Múa sư tử của đồng bào Tày tại lễ hội Lồng Tồng xã Hải Yến, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn)

Dụng cụ để múa sư tử gồm: Trống, thanh la, não bạt, chũm chọe, riêng đầu sư tử phải có một đầu lớn và một đầu nhỏ, đều được trang hoàng sặc sỡ. Những tua chỉ vàng lóng lánh được bà con cầu kỳ gắn dưới hàm sư tử, những quả bông ngũ sắc lên đỉnh đầu và tai sư tử, trông rất dữ dằn. Ngoài ra có thêm mặt nạ, đười ươi, khỉ, vẽ rất ngộ nghĩnh, cùng các thứ vũ khí như: gậy, tay thước, côn, đinh ba, mã tấu, hai đôi đèn lồng lớn để múa ban đêm…

Tiết mục múa sư tử thường chia làm hai phần: phần múa sư tử và phần biểu diễn quyền thuật, võ thuật và một số tiết mục như: nhào lộn, nhảy cao, trồng cây chuối, đi bằng tay. Người đội đầu sư tử phải rất khỏe, nhanh nhẹn để diễn những cú “vồ mồi”, uốn lượn.

Tuy nhiên, hiện nay múa sư tử không được biểu diễn nhiều trong mùa lễ hội. Để gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa truyền thống, ngành văn hóa tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều biện pháp đầu tư, phục dựng nghi lễ múa sư tử ở các lễ hội. Tại một số thôn, bản, người dân tự góp tiền xây dựng đội múa sư tử, để khi vào mùa lễ hội, các đội sư tử này đến các bản, làng cùng trình diễn, thi đấu tạo không khí lễ hội thêm tươi vui...

 Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 10/4/2016

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi