Thứ Tư, 22/1/2025
Cây lanh trong đời sống của đồng bào Mông

Thiếu nữ dân tộc Mông trong các trang phục bằng vải lanh

Trải qua bao đời đến ngày nay, các thế hệ người Mông đã cùng nhau sáng tạo nên một nền văn hóa đặc sắc về lanh, từ kỹ thuật canh tác đến việc sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Trước tiên, nói về canh tác, người Mông rất có kinh nghiệm về trồng lanh. Yếu tố đầu tiên trong trồng lanh là việc chọn đất. Đồng bào thường chọn đất trồng lanh ở những nơi thoáng đãng và khuất gió, đất trồng phải thật tơi xốp, được chuẩn bị kỹ trước khi trồng (cày bừa ít nhất hai lần, nhặt sạch cỏ, phơi ải, đập tơi khô, bón phân chu đáo). Thứ đến là các khâu chọn giống, người Mông chọn những cây mọc xung quanh nương, những cây này không bị chen lấn về ánh sáng và chất dinh dưỡng nên cây phát triển tốt, có nhiều cành, nhiều nhánh và hạt mẩy. Hạt chọn làm giống có màu hơi đen, săn chắc. Sau khi thu hoạch, hạt được cho vào ống bương cất vào chum hoặc để nơi khô ráo.

Ngoài hai khâu chọn đất, chọn giống thì khâu gieo hạt cũng là điều được người Mông rất chú trọng. Đồng bào thường trồng lanh vào khoảng tháng hai (âm lịch), khi trồng phải chọn ngày, giờ tốt (không gieo đầu tháng, chỉ được gieo từ ngày giữa tháng đến cuối tháng). Khi đi gieo phải có đủ hai vợ chồng, chồng đi trước cuốc đất vun thành luống, vợ đi sau rải phân và gieo hạt, lấp đất. Trước khi tra hạt, người ta phải đập cho vỡ vỏ để hạt dễ trồi mầm, khoảng cách mỗi hạt khoảng 20cm, nếu tra mau quá, cây sẽ bé, cây bé thì vỏ sẽ ít.

Ngược lại, tra thưa quá, cây sẽ to, cây to thì vỏ nhiều hơn nhưng cứng, sẽ khó cho làm vải và vải sẽ không đẹp. Cây lanh mọc nhanh và khỏe, sau khi trồng khoảng từ 70 đến 75 ngày thì thu hoạch, nếu lấy giống thì phải để thêm khoảng từ 70 đến 90 ngày nữa. Cây lanh khi mang từ nương về nhà sẽ được phơi khoảng 10 ngày nắng và 4 đêm sương để vỏ lanh săn lại, mềm và dai. Trong khi phơi đồng bào phải tránh gió mùa đông bắc cho lanh vì gió sẽ làm cho lanh khô, giảm độ bền. Sau khi phơi xong, người phụ nữ Mông phải tranh thủ thời gian để tước sợi. Khi tước sợi xong, người ta cho lanh vào cối giã, xe thành sợi, rồi đem sợi đi luộc, ủ bằng nước tro bếp nhiều lần. Sau mỗi lần ủ, người Mông lại giặt sạch sợi, hong khô rồi cho vào ép để làm cho sợi lanh trắng mịn, săn bóng, mềm mại. Khi sợi lanh trắng, mềm, người ta cuốn sợi vào các ống, dùng khung cửi dệt thành các tấm vải.

Thông thường, mỗi tấm vải lanh có kích thước bề ngang khoảng 40 đến 45cm. Cùng với việc tìm cách làm ra vải thì khối óc tài hoa của người Mông cũng nghĩ ra cách nhuộm vải và trang trí vải lanh rất tuyệt diệu. Mỗi tấm vải được nhuộm đi nhuộm lại rất nhiều lần (ít nhất là 12 lần), mỗi lần nhuộm, người ta cho vải vào ngâm, đun sôi trong nước tro khoảng 30 phút, đến khi vải đạt được màu và mềm như ý muốn mới thôi. Khi nhuộm xong, đồng bào dùng sáp ong bôi lên mặt vải, lăn trên đá để vải được bóng mịn, bền, đẹp.

Từ tấm vải lanh, đôi bàn tay khéo léo, tinh xảo của người phụ nữ Mông đã tạo nên những bộ trang phục phù hợp với từng mục đích sử dụng khác nhau và mang tính thẩm mỹ rất cao, tạo thành bản sắc của tộc người. Với đặc điểm là đẹp, thoáng, ấm, bền, không bám bụi; phù hợp với đặc điểm địa hình (núi đá, đèo đốc), khí hậu vùng cao (lạnh), công việc (làm nương rẫy, nhiều bụi, ra nhiều mồ hôi) nên vải lanh rất được người Mông ưa dùng. Hơn nữa, với lòng tự hào và tự tôn dân tộc rất cao nên những bộ trang phục bằng lanh là những thứ không thể không có trong mỗi gia đình người Mông.

Cây lanh, ngoài mục đích chính lấy sợi dệt vải thì các công dụng khác còn được người Mông sử dụng cho nhiều mục đích trong đời sống hằng ngày, như làm thuốc chữa bệnh (lá, rễ), làm phân xanh (lá), thân cây phơi khô làm chất đốt, hạt để làm bánh hoặc đốt lanh lấy tro trộn với một số chất khác làm thuốc súng, chế tạo giấy than... Ngoài ra, lanh còn là một trong những vật linh thiêng được sử dụng trong hầu khắp các phong tục, tín ngưỡng của người Mông trong dựng vợ gả chồng, ngày giỗ, Tết, trong các đồ cúng của thầy mo.

Không chỉ là tiêu chí để đánh giá con người, lanh còn là hình ảnh tượng trưng cho khát vọng tình yêu của trai gái người Mông: "Giá thân em là sợi lanh, sợi tơ/ Anh quấn vào người để sợi cùng anh ở/ Giá mình em là sợi lanh sợi chỉ/ Anh sẽ cuốn vào người để sợi cùng anh đi". Không chỉ thế, lanh còn là khát vọng về một cuộc sống gia đình đầm ấm, yêu thương: "Em ạ đôi ta kết nghĩa bạn tình vừa đôi phải lứa/ Không có ăn em cày anh bừa/ Không có mặc em quay guồng em gỡ lanh/ Không có ăn em cấy anh san". Và trong yêu đương, nhất là xã hội thủa xưa, cảnh trái duyên trắc trở ắt là điều khó tránh. Bởi thế, lanh cũng còn được sử dụng cho một hình ảnh nhân duyên trắc trở, đầy xót xa, giận hờn. Tuy thế, vẫn quấn quýt yêu thương, hẹn hò gặp lại trong những phiên chợ tình vào ngày hai mươi Bảy tháng Ba ở Khâu Vai: "Xưa vì cha mẹ đắp nương bên đồi/ Ta bảo mình bừa mình không bừa/ Ta bảo mình hỏi mình không hỏi/ Bây giờ sợi lanh nối sợi đay/ Mình không chết ta không mất/ Đôi ta như mặt trời mặt trăng hội ngộ".

Những điều kể trên cho thấy, lanh là một vật thiêng, một trong những biểu tượng văn hóa và có một vị trí quan trọng trong đời sống của người Mông. Đồng thời, nó cũng cho ta thấy mối quan hệ gắn bó của người Mông với cây lanh. Từ đây, ta sẽ hiểu sâu hơn về các giá trị văn hóa và thái độ ứng xử của tộc người này với thiên nhiên ở nơi cực Bắc.

Nguồn: bienphong.com.vn/Giang Hiền Sơn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi