Thứ Bảy, 20/4/2024
Nhã nhạc cung đình Huế - chỉ thoáng hương xưa

Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu đại diện nhân loại.

Nhã nhạc là loại hình âm nhạc cung đình nên lời lẽ tao nhã, điệu thức cao sang, quý phái, biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Vì vậy, Nhã nhạc được các triều đại quân chủ Việt Nam rất coi trọng. Theo sử sách, Nhã nhạc Việt Nam có từ thời Lý (1010 - 1225) nhưng phát triển mạnh và bài bản nhất là vào thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), kéo dài tới gần 150 năm, cũng vì thế mà Nhã nhạc Việt Nam thường được gọi Nhã nhạc cung đình Huế. 

Nhã nhạc cung đình Huế như một thành tố văn hóa nghệ thuật quan trọng của triều Nguyễn, vì thế mà Vua Minh Mạng đã viết câu đối trong Duyệt Thị Đường: "Âm nhạc tịnh trần, hòa kỳ tâm dĩ dưỡng kỳ chí/ Nghiên xuy tề hiến, thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi"- (Tiếng nhạc trong trẻo vang lên, cho tâm hồn được hòa hợp, ý chí được di dưỡng/ Xấu tốt cùng trình diễn, cho lẽ phải được giữ gìn, điều trái được né tránh).


 Nhã nhạc Cung đình Huế được phát triển với sự đa dạng và phong phú về thể loại(ảnh: thegioidisan.vn)

Nhã nhạc cung đình Huế - kiệt tác di sản âm nhạc nhân loại

Theo tài liệu triều Nguyễn ghi lại, quy định 7 thể loại âm nhạc, gần giống với các thể loại của triều Lê, bao gồm: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung nhạc. Dưới thời Nguyễn, Nhã nhạc được dùng trong các lễ tế đại triều 2 lần/tháng, thường triều 4 lần/tháng: Nam Giao, Tịch Điền, sinh nhật vua và hoàng hậu. Tế bất thường: Đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần. Tùy theo từng cuộc tế lễ mà có các thể loại khác nhau, như Đại triều nhạc dùng trong lễ Nguyên đán, Ban sóc. Đại yến cửu tấu nhạc dùng trong mừng thọ, chúc thọ, tiếp đãi sứ thần. Cung trung nhạc biểu diễn trong các cung hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu; Miếu nhạc sử dụng tại các nơi thờ vua, chúa; Ngũ tự nhạc dùng trong tế Xã tắc, Tiên nông. 

Thời Nguyễn, nhờ điều kiện kinh tế và xã hội phát triển mạnh nên các triều vua rất quan tâm đến Nhã nhạc. Nhã nhạc lúc này có hệ thống bài bản rất phong phú, với hàng trăm nhạc chương. Các nhạc chương đều do Bộ Lễ chủ trì biên soạn cho phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình. Sử sách của triều Nguyễn ghi lại có đến 12 cuộc lễ, mỗi cuộc lễ đều có ghi đầy đủ các bài ca chương và có 126 bài ca chương ghi đầy đủ lời ca nguyên gốc và bản dịch. Ví dụ Tế Nam Giao có 10 nhạc chương mang chữ “Thành” (thành công); Tế Xã Tắc có 7 nhạc chương mang chữ “Phong” (được mùa); Tế Miếu có 9 nhạc chương mang chữ “Hòa” (hòa hợp); Lễ Đại triều dùng 5 bài mang chữ “Bình” (hòa bình); Lễ Vạn thọ dùng 7 bài mang chữ “Thọ” (trường tồn); Lễ Đại yến dùng 5 bài mang chữ “Phúc” (phúc lành)… 

Nhã nhạc cung đình Huế thường đi đôi với múa cung đình. Múa cung đình triều Nguyễn rất phong phú gồm các vũ khúc: Bát dật, lục cung, song quang, tam tinh, chúc thọ, bát tiên hiến thọ, bát tiên quá hải, bát tiên đăng vân, trình tường tập khánh, vũ phiến (múa quạt), nữ tướng xuất quân, Tam Quốc, Tây Du, lục triệt hoa mã đăng, tứ linh, lân mẫu xuất lân nhi… Điển hình nhất là các điệu: lục cúng hoa đăng, trình tường tập khánh, phụng vũ, tứ linh, vũ phiến, lục triệt hoa mã đăng, lân mẫu xuất lân nhi… Các điệu múa còn lưu truyền có thể chia làm ba nhóm chính: múa nghi lễ, múa chúc tụng và múa theo tích sử, truyện. Múa nghi lễ có các điệu: Bát dật, lục cúng và song quang. Múa chúc tụng gồm có các điệu: tam tinh, chúc thọ, bát tiên hiến thọ, trình tường tập khánh, vũ phiến, lục triệt hoa mã đăng và tứ linh. Múa theo tích sử, truyện gồm: nữ tướng xuất quân, Tam Quốc, Tây Du… Đây là những điệu múa rất độc đáo thể hiện rõ bản sắc văn hóa Việt Nam. Tiết mục nào cũng trang nghiêm không có chút trần tục và đều mang tính nghệ thuật cao, cùng với Nhã nhạc tạo nên một sân khấu thiêng liêng và bác học khó có dàn nhạc nào sánh nổi.

Phần nhạc khí được quy định gồm 6 loại dàn nhạc. Đó là các dàn: Nhã nhạc, Nhạc huyền (bộ nhạc treo), Đại nhạc (Cổ xuý đại nhạc), Tiểu nhạc (ti trúc tế nhạc), Ty chung và Ty khánh (dàn nhạc chuông và khánh đá), Quân nhạc (đội bả lệnh). Các dàn nhạc trên đều có các nhạc khí cụ thể và không dưới 30 chủng loại với số lượng trên hàng trăm nhạc khí. Đại nhạc có 42 nhạc cụ của 4 chủng loại nhạc khí của 2 bộ gõ và hơi. Riêng bộ gõ thuộc về loại màng rung có 20 trống. Về bài bản cũng rất phong phú. Tiểu nhạc và Đại nhạc có các bài bản: Tiểu nhạc có 15 bài bản gồm Mười bản ngự (Thập thủ liên hoàn) và 5 bản: Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long Ngâm, Tiểu khúc; Đại nhạc có các bài bản: Tam luân cửu chuyển, Ngũ lôi (Đăng đàn cung), Đăng đàn cung đơn, Đăng đàn cung kép, Xàng xê, Kèn chiếu, Phú lục, Tẩu mã, Bông, Mã vũ, Man, Kèn bóp (Du xuân), Cung Nam, Nam Ai, Nam Bình, Nam Trĩ.

Về tổ chức Nhã nhạc thời Nguyễn, theo sách Khâm định Đại Thanh hội điển sử lệ xuất bản năm 1908, biên chế dàn nhạc cung đình Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII gồm có: 1 trống bản, 1 phách (sinh tiền), 2 sáo, 1 huyền tử (tức tam huyền tử, đàn tầm), 1 hồ cầm (đàn nhị), 1 song vận (nguyệt cầm), 1 tì bà, 1 tam âm là (chùm thành là bằng đồng 3 chiếc). Trong hệ thống Nhã nhạc cung đình Huế còn có tiết mục hòa tấu các nhạc khí thuộc bộ dây, gồm: nguyệt - tâm - tì bà - nhị cùng với sáo trúc kết hợp với bộ gõ (trống, não, sênh tiền) tạo nên những âm thanh trong sáng, thanh khiết có sức gợi cảm sâu xa. Các nhạc công thường trình tấu tác phẩm liên hoàn 10 bài ngự, hoặc còn gọi là “Thập thủ liên hoàn”, chủ yếu phục vụ các buổi yến tiệc, hoặc lúc đón tiếp các sứ thần.

Nhã nhạc, một thể loại của nghệ thuật cung đình Huế mà trong đó âm nhạc với một hệ thống kết cấu chặt chẽ đã đóng góp một phần hết sức quan trọng trên cả 5 lĩnh vực: Sự hoàn chỉnh của cấu trúc các dàn nhạc; Hệ thống bài bản nhạc không lời hòa tấu; Nhạc đệm cho phần múa hát; Ca khúc trong các loại múa có hát; Các ca chương hát trong các hình thức của buổi lễ.

Từ những năm 1990, Nhã nhạc bắt đầu bước vào giai đoạn phục hưng và được đưa đi giới thiệu ở nhiều nơi trên thế giới.

 Thoáng hương xưa trong Festival

Tính từ năm 2003, khi Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO phong tặng “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại”, Huế đã triển khai dự án biểu diễn Nhã nhạc phục vụ du khách. Các khúc, bài, bản… được phục dựng theo vốn cổ, được cái nào là mang ra biểu diễn. Dự án bảo tồn Nhã nhạc Cung đình Huế thực hiện từ năm 2005 - 2009 đã được UNESCO đánh giá là mẫu mực trong bảo tồn kiệt tác phi vật thể đại diện nhân loại.

Nhà hát đầu tiên mở cửa biểu diễn Nhã nhạc là Duyệt Thị Đường. Đây là không gian diễn xướng được xếp vào loại cổ nhất Việt Nam hiện nay, bởi từng được xây dựng cách đây gần 200 năm, dưới triều Nguyễn. Kể từ đó Nhã nhạc cung đình đã trở thành một phần không thể thiếu của du khách mỗi khi đặt chân đến Huế.

Festival Huế lần thứ 3 năm 2004, Nhã nhạc cung đình Huế đã lên ngôi, tạo dấu ấn đặc biệt cho du khách, như trở lại thời hoàng kim triều Nguyễn. Nhiều sân khấu đã tổ chức để trình diễn Nhã nhạc và có những thành công nhất định. Các kỳ Festival Huế tiếp theo và cho đến 2016 vừa diễn ra, Nhã nhạc được trình diễn tại các lễ tế đàn Nam Giao, lễ tế đàn Xã Tắc, lễ Truyền Lô, lễ thi tiến sỹ Võ, lễ lên ngôi hoàng đế Quang Trung, lễ Quảng Chiếu… Nhã nhạc còn được biểu diễn thường kỳ ở Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại nội Huế), Nhà hát Minh Khiêm Đường (Lăng Tự Đức). Ngày nay dàn nhạc, bài bản, ca chương, vũ khúc của Nhã nhạc có thể sử dụng ở các hình thức diễn xướng khác nhau trong các dịp như: Festival Huế, lễ hội dân gian, lễ hội Phật giáo, âm nhạc thính phòng, trong các nghi thức ngoại giao, biểu diễn phục vụ khách du lịch, biểu diễn phục vụ nhân dân trong các cuộc đại lễ hoặc tết cổ truyền dân tộc… Nhã nhạc có điều kiện và không gian diễn tấu phong phú hơn rất nhiều so với trước. 

Tưởng chừng Nhã nhạc đang thời thịnh, có thể “sống” lại trong hào quang triều Nguyễn, nhưng đi vào chiều sâu thì còn rất nhiều điều hạn chế, và Nhã nhạc vẫn chưa thoát ra được sự bấp bênh, sự vất vả để phục dựng, tồn tại và biểu diễn đúng với giá trị của nó. Cứ nhìn vào những tiết mục Nhã nhạc được biểu diễn trong các Lễ khai mạc, bế mạc Festival, hay trong các chương trình Nhã nhạc ở Duyệt Thị Đường tính từ năm 2004 đến nay, vẫn chỉ có chừng ấy bài bản được phục dựng từ hơn 20 năm nay, điệu thức nghèo nàn, chưa thấy phục dựng hay phát triển thêm điệu thức, bài bản mới nào. Ví dụ như điệu múa Lục triệt hoa mã đăng, bao năm nay vẫn chưa “phá” vốn cổ, chỉ mới tham khảo để phục dựng. Hay các điệu thức trong Đại nhạc, Tiểu nhạc vẫn chưa đầy đủ, việc khôi phục thể chế bát âm Nhã nhạc chưa hoàn thành, một số nhạc khí như biên khánh, biên chung, chúc, ngữ, huân... gần như thất truyền vì không có người sử dụng hay phục chế… Trong cả chương trình Nhã nhạc ở Duyệt Thị Đường cũng không có được nhiều bài bản vũ khúc, để có thể nhìn nhận tổng thể cái hay cái đẹp, giá trị của một thể loại âm nhạc bác học cổ điển, mà chỉ như món ăn lạ miệng, ngon nhưng quá ít để có thể thưởng thức cho tròn vị. 

Mặt khác, về chuyên sâu Nhã nhạc, cho đến Festival Huế 2016 này vẫn gây tranh cãi về cách thức biến đổi nhạc cụ giữ nguyên hay cải tiến, thêm vào vài loại nhạc cụ dân tộc khác như trống đồng, đàn đá… Hay trang phục nhạc công trong biểu diễn mặc gì - màu gì, theo xưa hay cải biên cho đương đại…

Đến với Huế, đến với Festival Huế là một dịp hòa mình vào thâm trầm cổ kính hoài niệm cố đô, để ngược thời gian sống trong khoảnh khắc quá khứ, và Nhã nhạc như chiếc cầu để đưa vào một cõi mộng. Nhưng vẫn như một thoáng hương xưa mỹ miều chỉ đủ để nếm qua chút mỹ vị cho biết, chưa kịp nhớ, chưa kịp thương để lại tìm đến, để yêu, để thưởng thức như một mối tình duyên với Huế và Nhã nhạc.

Nguồn: vannghethainguyen.vn, ngày 21/5/2016

 

 


 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất