Thứ Sáu, 22/11/2024
Nói lý, hát lý trong đời sống đồng bào Cơ Tu

Người Cơ Tu chủ yếu sống tập trung ở huyện Tây Giang, Đông Giang và 6 xã ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với nghề nương rẫy là chính, ngoài ra còn có trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ. Tập quán nói lý, hát lý trong cộng đồng người Cơ Tu đã có từ lâu đời. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian thổi hồn trong đời sống sinh hoạt của đồng bào nơi đây.

Độc đáo nghệ thuật nói lý, hát lý

Văn hóa tộc người Cơ Tu rất đa dạng và phong phú. Trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ và các lễ hội truyền thống như lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, mừng nhà mới hay cưới hỏi..., người Cơ Tu thường sử dụng nghệ thuật nói lý, hát lý truyền thống.

Đặc biệt, trong đám cưới người Cơ Tu thường sử dụng nghệ thuật nói lý, hát lý khá phổ biến. Đại diện nhà trai, nhà gái thông qua câu nói lý, hát lý để trao đổi, hai bên sui gia thông hiểu nhau hơn, giải quyết tốt đẹp những thủ tục cưới hỏi, thể hiện ý tứ những tình cảm sâu sắc được dành cho cô dâu chú rể, nhằm chúc mừng, bảo ban, tác hợp lứa đôi, để họ hạnh phúc bên nhau suốt cuộc đời.

Nói lý, hát lý còn được dùng như một phương tiện lý tưởng để giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong các mối quan hệ giữa gia đình, bạn bè, xã hội, công việc… Thông qua hình thức đối thoại mềm mại này, người ta hòa giải những xung đột, tranh chấp giữa các cá nhân với gia đình, cá nhân với cộng đồng hay giữa các cộng đồng với nhau một cách dễ dàng hơn. Nhờ lời ngâm nga chân tình, thâm thúy của già làng mà người với người xích lại gần nhau, từ mối bất đồng đến hòa giải, từ sự đấu tranh đến thương thuyết, từ sự giằng co đến lúc mọi việc được dàn xếp yên ổn. Lời hát lý của già làng khuyên hai bên phải nghe phân xử, hướng đến mối quan hệ tốt đẹp. Nói lý, hát lý chính là luật tục, là tập quán, là những chuẩn mực được đồng bào đặt ra để duy trì nếp sống tự quản của dân làng, hàm chứa những nội dung, tinh thần của pháp luật hiện hành. Chính điều này làm cho nói lý, hát lý mang tính nhân văn sâu sắc.

Tháng 10/2015, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa công bố Nói lý, hát lý của người Cơ Tu (huyện Đông Giang, huyện Nam Giang, huyện Tây Giang, Quảng Nam) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nói lý, hát lý là cuộc so tài đọ trí

Điều thú vị của nghệ thuật nói lý, hát lý là ở chỗ, nói lý, hát lý là cuộc so tài về văn nghệ giữa hai bên, là cuộc đấu khẩu lý lẽ, vì vậy hai bên đều âm thầm sắp xếp lực lượng, ai hát trước, ai hát sau, ai kết thúc. Bên này hát một câu, bên kia hát đáp lại một câu, bà con cùng nhau bàn luận, trao đổi ý nghĩa câu hát. Mỗi người chỉ hát một câu, nhưng lời hát điêu luyện, hình ảnh vừa đẹp, vừa mới, ý tứ sâu xa, tóm tắt được ý kiến của mọi người.

Cái khó của nói lý, hát lý là không có bài mẫu chung để học hát, học nói mà nó phụ thuộc vào việc ứng khẩu của người đưa ra, trình độ, khả năng kinh nghiệm của từng nghệ nhân, người hát. Các làn điệu làm nên âm hưởng cho hát lý là ka lơi, cha chấp, rơah, kalâu-kalênh và điệu nơơi. Muốn nói lý, hát lý hay, sâu sắc, ngoài việc ăn nói lưu loát, nhanh trí tìm ra vần, biết lên bổng xuống trầm đúng lúc, đúng điệu, thì điều cơ bản là phải hiểu cho rành rọt xã hội và con người ở vùng đất đó. Cái hay nhất của nói lý, hát lý chính là dùng một hình tượng để chỉ một sự việc với những hình ảnh ví von, vì thế ngôn từ của nói lý, hát lý luôn ẩn ý. Nói tên một con suối phải biết đó là con suối cát hay đá, nước trong hay đục, sâu hay cạn, có nước bốn mùa hay chỉ có trong mùa mưa. Biết tường tận như vậy thì khi nghe người hát nêu tên con suối là biết ngay họ nói đến cái tốt, cái trong sạch, cái bền bỉ thủy chung; hay cái xấu, cái dơ bẩn, cái không ổn định.

Hầu hết đồng bào Cơ Tu đều biết nói lý, hát lý từ lúc gùi được nước uống, biết cầm cán rựa, con dao làm rẫy. Nhưng nói lý, hát lý sâu xa, nhiều tầng, nhiều lớp, để đả thông tư tưởng, giải quyết được công việc thì mỗi bản, mỗi thôn chỉ có một vài người. Nói lý, hát lý xem ra đã khó, nhưng hiểu được nói lý, hát lý còn khó hơn.


 Các cụ già người Cơ Tu đối đáp bằng nói lý, hát lý

Vì vậy, trong các buổi nói lý, hát lý, chỉ có những người lớn tuổi có năng khiếu bẩm sinh, thường từ 50 tuổi trở lên và đặc biệt là già làng mới có được cái uy để tổ chức và tham gia nói lý, hát lý. Họ là những người đã được dân làng lựa chọn, hội tụ đủ yêu cầu cho một nghệ nhân hát lý như am hiểu phong tục tập quán, đĩnh đạc, tự tin... Do vậy, các “đối tác” phải ngang sức ngang tài với nhau, trước khi hát lý phải suy nghĩ cân nhắc và chắt lọc câu chữ thích hợp, để bên kia hiểu được nội dung và có cách đối đáp nhịp nhàng. Sự hứng thú, say mê của nghệ nhân tham gia hát lý được thăng hoa nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ, âm điệu, sự tán dương, khen ngợi của người nghe khi được thưởng thức lời ca và cảm nhận được những ý tứ sâu sắc từ người lĩnh xướng. Họ chính là linh hồn của buổi nói lý, hát lý.

Trong quá trình nói lý, hát lý, khi một bên nói lý đúng quá và đối phương không thể đối lại thì gọi là “hết lý” hoặc “chết lý”. Trong tập quán của người Cơ Tu, khi bị đối phương bắt lý và hết lý, dù là kẻ thù đi chăng nữa họ cũng tâm phục, khẩu phục và giảng hòa theo ý của đối phương.

Ngày nay, trong sinh hoạt lễ hội, giải quyết công việc trong nội bộ cộng đồng, người Cơ Tu vẫn không thể thiếu nói lý, hát lý. Đêm đêm, bên bếp lửa hồng, mọi người tụ tập để nghe già làng kể chuyện và tâm tình qua lại bằng lời hát lý thấm đẫm tình người. Đây là nét sinh hoạt văn hóa nghệ thuật độc đáo, có một không hai mà đồng bào dân tộc Cơ Tu vô cùng tự hào và luôn có ý thức gìn giữ, bảo tồn./.

Nguồn: quehuongonline.vn, ngày 12/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi