Thứ Ba, 28/1/2025
Khám phá tục múa sắc bùa của người Mường ở Thanh Hóa

 Đoàn nghệ thuật huyện Bá Thước - Thanh Hóa trong tiết mục biểu diễn tại Hà Nội 

Múa sắc bùa của người Mường tại Thanh Hóa hay còn được gọi với tên đầy đủ là “múa sắc cồng bùa”. “Sắc” theo tiếng Mường nghĩa là “đánh”, “bùa” là làn điệu của điệu múa, nghĩa là đánh cồng theo làn điệu.

Trong một lần tham gia sự kiện về bảo tồn tri thức bản địa của người dân tộc thiểu số diễn ra tại Hà Nội, đoàn nghệ thuật huyện Bá Thước – Thanh Hóa mang đến cho khán giả tiết mục múa sắc bùa truyền thống vô cùng ấn tượng. Anh Trương Văn Quyết cho biết, một phường bùa của người Mường Thanh Hóa sẽ gồm 9 hoặc 12 người. Nếu là 12 người thì tượng trưng cho 12 tháng, 9 người sẽ tượng trưng cho 9 bậc cầu thang. Người ta thường múa trong những dịp lễ tết, cưới hỏi, ngày quốc khánh, hoặc những dịp lễ kỉ niệm do chính quyền tổ chức...

Trong phường bùa sẽ có 3 người cầm 3 chiếc cồng nhỏ nhất, được gọi là cồng cái, 3 người này đều là những người có uy tín và kinh nghiệm, họ sẽ gõ cồng theo làn điệu để 9 người còn lại cầm 9 chiếc cồng lớn nhất gõ vang theo.

So với Hòa Bình thì múa sắc bùa ở Thanh Hóa không khác nhiều, chỉ khác nhau ở điệu hát và nhịp điệu khi đánh 3 chiếc cồng cái. Còn so với những tỉnh miền Trung như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi...thì múa sắc bùa ở Thanh Hóa khác hẳn ở số lượng người và không có sự xuất hiện của trống cơm, sinh tre, sinh gỗ...

“Vào dịp đầu năm mới mọi người thường mang cồng đi khắp đầu làng ngõ xóm để chúc Tết, những người trẻ như mình thì xách cồng to đi sau, những người trung niên hoặc cao tuổi xách cồng cái đi trước, vì họ thuộc nhiều bài hát nên đi trước mới có thể hát đối được”, anh Quyết cho biết.

Khi múa sắc bùa chỉ có một người đi đầu hát, người này được gọi là trưởng phường. Nếu người Mường ở Hòa Bình có điệu “hát Thường Đang” thì người Mường Thanh Hóa có hai điệu hát là “hát Mường” và “hát Xường”. “Hát Mường” là những bài hát ngẫu hứng, tự sáng tác, hoặc có thể cải biến từ những bài hát quen thuộc để phù hợp với bối cảnh đang diễn ra. “Hát Xường” là hát có làn điệu, có rất nhiều bài xường nổi tiếng như: bài xường đón dâu, bài xường đưa dâu, xường về những tích lâu đời... Sự tích hát Xường của người Mường gắn liền với câu chuyện về mụ Dạ Dần gánh một gánh xường đi qua sông nhưng chẳng may bị đứt gánh, xường rơi xuống sông và dạt vào làng gần đó, nên từ đó có điệu hát Xường như ngày nay.

Ví dụ trong một phường hát đám cưới, người hát Xường hay nhất là mẹ già – trưởng đoàn đưa dâu hoặc đón dâu. Hay những người đàn ông có thể ngồi cả ngày hát đối để chúc rượu đôi bên.

Người ta không giới hạn không gian hay thời gian hát, có thể hát trong một cuộc rượu cần hoặc các ngày lễ tết. Theo tục lệ của người Mường, vào ngày đầu tiên của năm mới phường bùa sẽ gõ cồng đến chúc tết từng nhà, tiếng cồng của năm mới bao giờ cũng rộn ràng hơn để ngày đầu xuân thêm khởi sắc, chủ nhà sẽ ra mời phường bùa vào nhà rồi hát với trưởng phường, hai bên hát đối qua lại mời nhau uống rượu, chúc nhau năm mới an lành.

Nét đặc sắc trong múa sắc bùa đó là tất cả đều được thể hiện qua giai điệu, những câu hát đối qua lại thể hiện sự hiểu biết và sáng tạo, cùng với đó là tiếng cồng sôi động khơi gợi sự hào hứng cho mọi người.

Múa sắc bùa là một di sản văn hóa vô cùng thiêng liêng giúp gắn kết cộng đồng và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Cùng là múa sắc bùa nhưng mỗi nơi lại có một sự thể hiện khác nhau, điều này nhằm tạo nên sự đa dạng trong văn hóa vùng miền của đất nước. Dù là ở địa phương nào cũng cần được bảo tồn và phát triển./.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi