Thứ Sáu, 22/11/2024
Gia đình và sự gắn kết nhân tâm
 
 Ảnh minh họa

Trên con đường trưởng thành, tìm kiếm và khẳng định bản thân, mỗi cá thể đều thuộc về một gia đình nhỏ và một cộng đồng lớn. Mô hình gia đình truyền thống thường là đại gia đình nhiều thế hệ. Tính kỷ cương, khuôn phép của gia đình ngay từ đầu đã trang bị cho cá nhân cách đối nhân xử thế, rèn luyện nhân cách. Việc kính trên, nhường dưới, lễ phép và xử lý đúng với từng danh phận đã góp phần vận hành trôi chảy “cỗ máy” đại gia đình. Những quy tắc ảnh hưởng của Nho giáo như: Tiên học lễ hậu học văn; Tiên trách kỷ hậu trách nhân; Tôn sư trọng đạo; Hiếu kính… đã góp phần xây dựng một nền tảng nhân tâm và đặt nền móng cho sự vững chắc, ổn định của cả gia đình nhỏ và gia đình lớn.

Tính trách nhiệm có thể coi là công cụ căn bản gắn kết các thành viên trong gia đình, dòng họ. Nó kéo con người lại gần nhau để cùng cộng sinh và hoàn thành các công việc chung. Tuy nhiên, một cách vô thức, lễ giáo cộng với các quy tắc về mặt hình thức, ít nhiều đã triệt tiêu tính sáng tạo và tình cảm cá nhân. Bên cạnh đó, do sự khác biệt về khả năng, đôi khi chính những trách nhiệm đối với gia đình, dòng họ lại tạo một áp lực không nhỏ lên các cá nhân khiến cho yêu thương và học hỏi… trở thành nghĩa vụ.

Mặc dù vậy, về cơ bản, có thể thấy tính bền vững của mô hình gia đình truyền thống tạo ra sự an toàn nhất định cho các thành viên trong mối quan hệ của các vòng tròn đồng tâm.

Đối với xã hội hiện đại, nơi mà dấu ấn cá nhân được ghi nhận và xác lập, sự rạn nứt của mô hình đại gia đình truyền thống không phải là sự phá vỡ tính kết dính của các thành viên. Ở đây, chính sự phân chia lại về mặt ngoại diên của gia đình dẫn đến sự tách biệt các thế hệ về mặt không gian, tạo tính độc lập nhất định. Xã hội hiện đại đang chứng kiến mô hình gia đình đơn với kết cấu lỏng lẻo và dễ đổ vỡ. Số lượng các cặp đôi ly hôn tăng đáng kể, số vụ liên quan đến các thành viên gia đình cũng tăng theo cấp số nhân… Các giá trị truyền thống đang có xu hướng bị mai một và thay thế bằng lối sống cá nhân, hưởng thụ. Khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu… vì thế đang bị kéo dãn và tình cảm giữa người với người đang dần trở thành món quà xa xỉ trong xã hội mà sự vô cảm được ngụy trang một cách khéo léo. Xã hội hiện đại cuốn con người vào vòng quay sinh tồn để rồi không ít người khi đã đạt được mọi thứ, mới ngỡ ngàng nhận ra, mình đang cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Căn bệnh tự kỷ thứ phát đang lan truyền với tốc độ như một đại dịch nhờ sự trợ giúp của công nghệ. Giá trị ảo vì thế mà có xu hướng lấn lướt các giá trị thật. Không thể phủ nhận một thực tế, giá trị gia đình đang có sự lung lay nhất định.


Hình ảnh gia đình quây quần gói bánh chưng ngày một vắng dần khi Tết đến

Vẫn biết sự đào thải trong quá trình vận động để phát triển là tất yếu, nhưng có những thời khắc trong cuộc sống, chúng ta sẽ phải dừng lại, tĩnh tâm và quay về với những giá trị nhân luân đích thực. Việc lựa chọn mô hình gia đình như thế nào không quan trọng bằng việc ta nhận thức giá trị gia đình ra sao.

Trong bộn bề cuộc sống, quay về gia đình là để tận hưởng không gian tuổi thơ, nuôi dưỡng nhân tâm và được thật sự là chính mình. Sự sẻ chia và nương tựa lẫn nhau giữa các thành viên không bị quy định bởi phạm vi không gian nhưng sẽ bị giới hạn bởi phạm vi thời gian. Một khi cuộc sống trôi nhanh hơn so với cảm giác mà con người có thể cảm nhận, các thành viên trong gia đình càng cần trân quý từng phút giây được ở bên nhau. Những khoảnh khắc cùng quây quần bên mâm cơm ấm cúng, chén trà ngát hương, trẻ con chạy nhảy nô đùa, ông bà kể chuyện xửa xưa… sẽ làm cho thời gian dường như trôi chậm lại… Hẳn nhiên, đó là khi ta nhận ra, gia đình đối với mỗi người quan trọng và thiêng liêng đến nhường nào. Ấy là nơi chốn đã, đang và sẽ mãi mãi nuôi dưỡng và gắn kết nhân dân./.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 20/1/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi