Thứ Sáu, 22/11/2024
Trẩy hội Chợ Viềng - rước lộc đầu năm

 Chợ Viềng - phiên chợ cầu may chỉ diễn ra một lần trong năm

Vùng Nam Sơn hạ xưa kia vẫn truyền nhau câu ca dao cổ:

“Chợ Viềng năm có một phiên
Em đi trẩy hội chợ Viềng vui Xuân”

Chợ Viềng - Nam Định, có lẽ là một trong những loại hình chợ phiên đậm chất văn hóa vùng Bắc Bộ nhất còn lưu truyền đến ngày nay. Mỗi độ Tết đến Xuân về, đã thành thông lệ, từ đêm mồng 7 đến sáng mồng 8 tháng Giêng Âm lịch, không chỉ người dân Nam Định và các tỉnh phía Bắc, mà cả du khách ở miền Trung và miền Nam cũng nô nức rủ nhau đi chợ Viềng du Xuân - phiên chợ chỉ diễn ra một lần trong năm.

Chưa một chợ phiên nào mà việc “thuận mua, vừa bán” lại thành một nét đẹp độc đáo như ở chợ Viềng. Người ta đến đây với tâm niệm “bán điều rủi, mua điều may”, mang may mắn về nhà cho năm mới bình an, thuận lợi. Dù người mua hay người bán, bất cứ ai đã đặt chân đến chợ đều không đặt nặng vấn đề lời lãi, người bán không nói thách, người mua cũng không mặc cả, bởi quan niệm nỗi “băn khoăn” về giá cả sẽ làm mất đi tính tâm linh của phiên chợ này, cũng là điềm không may cho cả năm.

Thật ra, chợ Viềng không phải là tên một chợ mà có tới bốn, năm khu chợ thuộc hai chợ cùng tên Viềng của Nam Định, cùng họp một phiên vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng Giêng. Đó là hội Viềng Phủ ở Kim Thái, huyện Vụ Bản (là chợ đã nổi tiếng trong sử sách, thi ca) và hội Viềng Chợ tại xã Nam Giang, huyện Nam Trực. Ấy thế là thành chợ Viềng “2 chợ, 1 phiên” cho cả năm. 

Cả hai chợ Viềng đều gắn với những di tích lịch sử, tâm linh đặc trưng cho nét văn hóa của người Việt cổ cách đây mấy trăm năm. Hội Viềng Phủ thường được tổ chức trên một địa điểm dài hơn 3 km từ thị trấn Gôi qua xã Kim Thái đến xã Trung Thành (huyện Vụ Bản). Sở dĩ gọi là Viềng Phủ vì chợ nằm trên địa bàn xã Kim Thái – nơi có quần thể di tích Phủ Dầy với hơn hai mươi di tích lớn nhỏ thờ mẫu Liễu Hạnh - một trong “tứ bất tử” của Việt Nam. Trong khi đó, Hội Viềng Chợ được tổ chức tại đất Nam Giang, huyện Nam Trực, nơi gìn giữ những di tích gắn liền với nghi lễ thờ Từ Đạo Hạnh tại chùa Bi cùng với tín ngưỡng thờ Khổng Minh Không tại chùa Cổ Lễ. Có lẽ vì thế mà chợ Viềng qua mấy trăm năm lịch sử vẫn được lưu truyền và gìn giữ đến tận ngày nay như một nét tinh hoa văn hóa mà ông cha ta truyền lại. 

Theo các bậc cao niên trong vùng, chợ Viềng Nam Định có từ xa xưa và chỉ có một phiên trong năm. Vì chợ Viềng là nét văn hóa đặc trưng của vùng châu thổ sông Hồng với nền nông nghiệp lúa nước nên các mặt hàng ở đây chủ yếu là nông cụ, vật dụng gia đình như dần sàng, nong nia, cây con giống… để chuẩn bị cho vụ mùa của năm tới. Ngoài ra, một mặt hàng thuộc loại đặc sản địa phương được bày bán tại hai phiên chợ là thịt bò thui. Theo lời kể lại của người dân trong vùng, sở dĩ thịt bò thui trở thành đặc sản vì đối với ông cha ta thời trước, bò thui quả là món “hảo hạng” chỉ khi Tết đến Xuân về mới có dịp thưởng thức. Chính vì vậy mà chợ không bán các loại thịt lợn, thịt gia cầm bình thường mà chỉ có bò thui. Dù cùng là chợ Viềng, nhưng hai khu chợ Viềng Phủ và Viềng Chợ lại không hoàn toàn giống nhau. 

Do gắn liền với đền thờ ông tổ đúc đồng Khổng Minh Không và làng rèn Vân Chàng ở Nam Giang đã có truyền thống hơn 700 năm, các mặt hàng ở Viềng Chợ phần nhiều là đồ đồng, đồ cơ khí, đặc biệt là các cổ vật hoặc giả cổ vật bằng đồng hoặc gốm. Viềng Chợ cũng bày bán hàng trăm loại cây cảnh, điều này được lí giải là do vùng Nam Trực cổ nổi tiếng với nghề trồng cây cảnh từ đời nhà Trần, truyền thống ấy còn được lưu truyền đến ngày nay. Du khách thập phương đến chơi chợ có thể dừng lại chọn mua loại cây cảnh mà mình thích, có thể đơn giản chỉ là hoa trạng nguyên tươi sắc đỏ, hoa mộc trắng ngát thơm hương… hay đối với người chơi cây cảnh chuyên nghiệp, họ có thể tìm thấy gốc vừng, gốc si cảnh với dáng thế độc đáo. 
Khác với Viềng Chợ tại Nam Trực, Viềng Phủ trải dài trong không gian đẹp và lưu giữ di sản văn hóa từ quá khứ đến hiện tại của một vùng đất thiêng, nơi những người con quê hương Thiên Bản xưa (Vụ Bản nay) đã đóng góp cho đất nước. Đó là xã Liên Minh, quê hương của nhạc sĩ Văn Cao; là làng Cao Phương có Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh; hay xã Kim Thái còn là quê hương của nhà sử học Trần Huy Liệu; cách đó không xa là làng Thiện Vịnh, quê hương nhà thơ Nguyễn Bính.


 Dòng người nô nức đi chợ Viềng

Người dân địa phương hay du khách thập phương tìm đến hội chợ Viềng không chỉ để mua may bán rủi mà có lẽ, giá trị thực sự của chợ Viềng nằm ở ý nghĩa tâm linh của nó. Trước khi đến với chợ Viềng, du khách thường đến thắp hương tại đền thờ 14 đời vua Trần, vừa để tỏ lòng thành kính của mình, vừa xin chút lộc may cho đầu Xuân năm mới. Người đi chợ Viềng không bao giờ quên mang theo chút hoa quả cùng nén nhang để đi lễ dâng hương mẫu Liễu Hạnh ở Viềng Phủ hay thiền sư Từ Đạo Hạnh tại chùa Bi ở Viềng Chợ. 

Chợ Viềng còn có tên dân gian là “Chợ âm phủ” bởi lẽ người ta vẫn truyền tai nhau rằng dù đến sớm hay muộn, mọi hoạt động mua bán phải sau 0 giờ để Thánh Mẫu cùng các thần linh có thể phù hộ độ trì cho cả năm làm ăn thuận lợi, gia đình bình an. Chính vì vậy mà dù từ lúc nhậm nhoạng tối mồng 7 tháng Giêng, dòng người đổ về đã vô cùng tập nấp, nhưng chỉ đến nửa đêm, hoạt động mua bán mới thực sự diễn ra sôi động. 

Chợ Viềng là nét văn hóa độc đáo của người dân đồng bằng Bắc Bộ nói riêng, Việt Nam nói chung, được gìn giữ trong nhiều thế kỉ. Trong những năm qua, tỉnh Nam Định đã có những chính sách nhằm lưu giữ và phát huy những nét đẹp mang tính văn hóa tâm linh này của địa phương, tạo điều kiện cho du khách thập phương về với chợ Viềng Nam Định có tâm thế thoải mái, an toàn. Tuy nhiên, do chợ Viềng chỉ diễn ra một lần trong năm, với tính chất “bán rủi mua may”, với lượng người đến mỗi năm một đông, mà thời gian của chợ lại ngắn, gây không ít khó khăn trong việc đảm bảo an ninh an toàn trong thời gian họp chợ Viềng. Chính vì thế, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền địa phương, ý thức của người dân đi chơi chợ là một trong những yếu tố quyết định đến việc giữ gìn ý nghĩa tâm linh vô cùng thiêng liêng của chợ Viềng./.

Nguồn: quehuongonline.vn, ngày 30/1/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi