Thứ Ba, 28/1/2025
Độc đáo tục đắp bếp mới của đồng bào dân tộc Mường

  Châm lửa vào bếp mới

Những chiếc bếp lửa đó là một không gian văn hóa đặc sắc cả về phương diện vật chất cũng như tinh thần được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Cùng là bếp lửa, hoàn toàn giống nhau về cấu tạo và cách bố trí nhưng công năng sử dụng của mỗi bếp lại khác nhau. Một bếp ở gian trong được gọi là bếp đàn bà, dùng để đun nấu thức ăn, nấu nướng chính trong gia đình. Một bếp được bố trí ở gian ngoài, gần cầu thang đi lên có kích thước nhỏ hơn, người Mường gọi đó là bếp đàn ông, để đàn ông trong nhà ngồi ở đó tiếp khách mỗi khi có khách đến chơi nhà.

Bếp lửa được linh thiêng hóa trong đời sống tinh thần của người Mường. Khi một ngôi nhà đã dựng xong, người Mường sẽ tiến hành nghi lễ đắp bếp. Từ sáng sớm, mọi công việc cần thiết cho nghi lễ này được gia đình chuẩn bị chu đáo, những bẹ chuối đã được mang về, bóc ra từng lớp để chuẩn bị lót mặt bếp. Bẹ chuối là vật dẫn nhiệt kém nên có tác dụng cách nhiệt giữa mặt bếp với sàn nhà, tránh gây hỏa hoạn. 

Trong lúc đó tại nơi làm lễ các mâm lễ cũng đã được bày ra, trong đó có một mâm lễ để cúng tổ tiên của gia chủ và các sư phụ của thầy mo. Một mâm lễ khác là để cúng thổ công thổ địa cai quản vùng đất này. 

Khi giờ lành đến, thầy mo thay mặt gia đình khấn xin tổ tiên thổ công thổ địa và các vị thần cho phép gia đình thực hiện việc đắp bếp để vào nhà mới. Công việc đắp bếp sẽ được tiến hành khi có sự đồng ý của thầy cúng.

Đầu tiên, người Mường sẽ đắp chiếc bếp lớn, hay còn gọi là bếp đàn bà. Những tấm bẹ chuối tươi được đem lên lót dưới đáy bếp để cách nhiệt. Sau khi đã làm xong phần đáy bếp, người ta mới bắt đầu đổ đất vào. Đất ở đây không được lấy ở phần lớp đất trên, mà người dân phải lấy đất ở lớp dưới qua một lần xúc xẻng, đất ở dưới ít rễ cây và ít các chất hữu cơ hơn, lớp đất thịt này sẽ có công dụng phòng tránh hỏa hoạn tốt hơn. Hơn nữa, các lớp đất ở trên thì do các sinh vật thải vào, uế tạp nên phải lấy lớp đất tinh khiết ở bên dưới.

Việc đắp bếp có sự chủ trì của một người đàn ông có uy tín trong cộng đồng, có con cháu trai gái đề huề, làm ăn phát đạt để chủ nhà có thể hưởng phúc lộc từ người đó. Người chủ trì sẽ đứng cạnh, đếm số xô đất đổ vào bếp và đánh dấu số lượng xô đất bằng việc bẻ que tre. Khi khuôn bếp đã đầy đất, xô đất cuối cùng đổ vào phải là số lẻ mới đạt yêu cầu.

Trong bếp của người Mường, dù đã có kiềng sắt, người ta vẫn dùng ba hòn đá, hay còn gọi là ba hòn lục để tượng trưng cho ba vua bếp. Người chủ trì vừa châm lửa vào bếp vừa nói lời chúc mừng bếp mới của nhà mới luôn có cơm trắng rượu ngon, dưới sàn gà lợn đầy đàn, trên nhà con người khỏe mạnh, ăn nên làm ra. Khi ngọn lửa đã cháy, người Mường sẽ đặt cá lên để nướng, cá là con vật tượng trưng cho thế giới dưới nước, cũng là biểu tượng cho sự may mắn. Bởi vậy người Mường chọn cá nướng để gửi gắm ước mong về sự mát lành yên ấm cho ngôi nhà mới, cho gia đình của mình. Sau khi đắp bếp xong là người ta phải nhóm lửa ngay và về mặt nguyên tắc thì bếp lửa trên nhà sàn sau khi đắp xong thì ba ngày ba đêm không được tắt lửa, đốt liên tục, không phải đốt cho cháy to mà phải ủ than cho bếp lửa không được tắt trong ba ngày ba đêm. Đó cũng như một sự bố cáo với trời đất, bố cáo với xung quanh để biết rằng một ngôi nhà mới đã được dựng lên” - ông Bùi Huy Vọng chia sẻ.


 Trong bếp của người Mường, dù đã có kiềng sắt, người ta vẫn dùng  ba hòn đá,
hay còn gọi là ba hòn lục để tượng trưng cho ba vua bếp

Sau khi đắp xong bếp lớp, người Mường sẽ chuyển sang đắp luôn chiếc bếp nhỏ. Mọi công đoạn cũng giống như khi đắp chiếc bếp lớn. Khi khuôn bếp đã đầy đất, xô đất cuối cùng cũng phải là số lẻ và phải đổ trả lại khoảng một phần ba số đất trong xô ra ngoài gọi là “trả đất." Điều này cũng có nghĩa là sự thơm thảo, ai cho cái gì không nên lấy hết.

Theo quan niệm của người Mường, ngôi nhà sàn được làm từ những thân gỗ, thân tre lấy trong rừng thì có thể đưa theo về nhà mình những điềm dữ, điềm gở với con người. Những điều xấu xa ấy được tượng trư bằng những sợi chỉ trắng được chăng khắp nới trong ngôi nhà mới. 

Và sau khi cúng xong, thầy cúng sẽ làm động tác cắt sợi dây ấy đi, tượng trưng cho việc cắt đi mối liên hệ giữa các vật liệu làm nhà mới với nơi sinh nó ra để xua đuổi cái xấu, ngôi nhà trở nên yên lành, yên ấm với con người. Đây là một trong những thủ tục cuối cùng thầy mo tiến hành để kết thúc nghi lễ đắp bếp.

Từ xa xưa, đời sống người Mường đã gắn liền với chiếc bếp lửa, không chỉ giúp nấu chín các món ăn mà bếp lửa còn đặc biệt quan trọng trong việc thắp sáng, sưởi ấm và bảo vệ con người khỏi thú dữ. Từ sự trân trọng bếp lửa đã thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đoàn kết, ấm cúng và thân thiện của bà con dân tộc Mường được lưu giữ từ hàng nghìn đời nay./.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi